Nhà văn Etgar Keret là một người rất nổi tiếng ở Israel. Bản thân cuốn sách “Đột nhiên có tiếng gõ cửa” đã được dịch sang 30 thứ tiếng. Chia sẻ với bạn đọc Việt Nam về tư duy văn học của mình, ông nói: “Cách tốt nhất để hiểu người khác, chỉ có thể bằng con đường văn chương. Người ta tập tạ để có cơ bắp thì chúng ta đọc sách để luyện sức mạnh nội tâm. Mỗi khi chúng ta đọc một câu chuyện nào đó thì chúng ta tìm ra cách để sống tốt hơn. Trên thực tế thì chúng ta nhìn mọi việc bằng hai con mắt của mình, nhưng khi đọc truyện hay đọc sách thì đi theo theo cảm nhận của người khác. Là một người lính, vừa là nhà văn , ông luôn nhắc nhở mình rằng ông không chỉ là người lính, mà cũng là con người thực thụ.“
Sau cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp, cuốn Đột nhiên có tiếng gõ cửa là cuốn thứ hai đại sứ quán Israel muốn giới thiệu cho độc giả Việt Nam. Ảnh: Tôn Phi |
Một độc giả đặt câu hỏi với nhà văn Etgar rằng, tại sao chọn cái tên “Đột nhiên có tiếng gõ cửa”. Nhà văn trả lời như sau:
“Đột nhiên có tiếng gõ cửa nói về một điều gì đó bất ngờ, ngạc nhiên. Những việc chúng ta làm trong cuộc sống hàng ngày thường là theo thói quen. Chúng ta không suy nghĩ nhiều. Và tôi nghĩ rằng thời khắc quan trọng nhất trong đời người là khi một chuyện gì đó đột nhiên xảy ra. Cũng giống như mình đang ngủ mà đột nhiên có tiếng gõ cửa tỉnh dậy.Khi có gì đó đột ngột thì trong lòng mình cảm thấy tò mò, mong chờ và có một chút gì đó lo sợ. Biết đâu đó có một người đàn ông đứng bên ngoài và cho bạn một cái bánh chẳng hạn, hoặc là anh trai của một cô gái tôi đã ghẹo muốn huýnh tôi. Thời khắc chúng ta mở cánh cửa để chờ đợi cái gì đó là đặc biệt. Theo tôi đó là thời khắc đáng sống nhất. Những câu chuyện trong cuốn sách này là những câu chuyện như vậy. Trong cuốn sách có 37 câu chuyện, nói về con người đã học được rất nhiều từ một tình huống ngạc nhiên như vậy.”
Khi một bạn đọc khác hỏi về đúng sai của những hư cấu trong văn chương, ông nỏi ằng văn chương phải sáng tạo. Nếu ai đó nói dối thì ông sẽ tìm hiểu vì sao họ nói dối, để lừa gạt mình hay để bảo vệ mình.
Dẫn chương trình của buổi giao lưu, nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh cho rằng đây là một cuốn sách đáng đọc, với những người trẻ của Việt Nam: “Cuốn sách trả lời câu hỏi Tôi là ai, tôi sống trên đời để làm gì, tôi chờ đợi điều gì? Không phải lúc nào cũng có thể trả lời những câu hỏi đó rốt ráo. Cuốn sách mang đến một câu trả lời mở cho câu hỏi đó.” Nhà văn Hồng Hạnh rất tâm đắc khi được nhà văn Israel nói về văn hóa chính trị của người Israel, khi người dân được phép bàn luận về những sai lầm của chính phủ.
Tiếp theo thành công vang dội của cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp”, cuốn “Đột nhiên có tiếng gõ cửa” là cuốn thứ hai đại sứ quán Israel muốn giới thiệu cho độc giả Việt Nam. Theo lời bà đại sứ Meirav Eilon Shahar, văn chương là cách tốt nhất để quảng bá hình ảnh israel tới Việt Nam. Đây là cuốn sách văn học đầu tiên, không phải về lịch sử hay kinh tế, và bà đại sứ cho rằng đó là sự lựa chọn đúng đắn của bà khi đảm nhiện công tác ngoại giao đã ba năm trong nhiệm kỳ bốn năm tại Việt Nam. Bà tin rằng cuốn sách sẽ làm cho người ta hiểu về con người Israel hơn nữa.