Việt Nam Thời Báo

VNTB – Truyền thống sử dụng ODA: Cao tốc Bến lức – Long Thành đội giá 25,8 triệu USD/km

Kim Thanh (VNTB) Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, một trong những công trình sử dụng nguồn vốn vay ODA có mức đầu tư bình quân lên đến 25,8 triệu USD/km.

Báo Tuổi Trẻ đã đặt một so sánh về mức đầu tư đường cao tốc Bến Lức – Long Thành so với các đường cao tốc khác và cho rằng nó quá cao so với suất đầu tư đường cao tốc tại một số nước như Trung Quốc (10,9 triệu USD), Mỹ (17,4 triệu USD)…

Đây không phải là dự án cá biệt về chênh lệch giá trị đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông. Tại Việt Nam, nơi vẫn được biết đến bởi những  con đường đắt nhất hành tinh. Bởi cùng với Bến Lức – Long Thành, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài 565,97m, nhưng lại có tổng mức đầu tư dự kiến là 969 tỷ đồng, chi phí trung bình là 1,7 tỷ/m; đường Ô chợ dừa – Hoàng Cầu chỉ dài 547m, nhưng tổng mức đầu tư là 810 tỷ đồng, chi phí trung bình lên đến 1,4 tỷ đồng/m.


Nhiều lý giải chi biết, chi phí đầu tư làm đường cao vì chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư lớn. Nhưng thực tế,
việc sử dụng vốn ODA tại Việt Nam được đánh giá là chưa hiệu quả, có tiêu cực, các công trình sử dụng nguồn vốn vay này có khuynh hướng đội vốn. 
 

Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành độn giá lên tới 25,8 triệu USD/km

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng khẳng định rằng: “Tôi dám chắc có một tỉ lệ không nhỏ cán bộ và người dân, đặc biệt là cán bộ địa phương còn hiểu một cách rất sơ đẳng rằng ODA là cho không, vay được càng nhiều càng tốt, bất chấp khả năng trả nợ.”

Còn PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) trong lần trả lời báo Đất Việt về các dự án sử dụng ODA, cũng thẳng thắn:

“ODA là cho vay với lãi suất thấp chứ không phải cho không. Khi nhận ODA, trước mắt nước được vay sẽ có tiền để triển khai dự án, nhìn thì có vẻ tốt và những người lãnh đạo có thể khoe thành tích làm được dự án nọ kia nhưng hậu quả để lại rất lớn và lâu dài vì thời gian trả nợ có thể kéo dài 30, 40 năm. Nó để lại một công trình chất lượng kém, một món nợ kếch xù mà 30-40 năm mới trả hết.” 
Năm 2014, ĐBQH Lê Thị Nga (Thái Nguyên) từng chấp vấn về vấn đề pháp lý ODA, theo đó người dân (nơi đóng thuế và trả nợ) và Quốc Hội (cơ quan chịu trách nhiệm về nợ công)
“lại gần như đứng ngoài quy trình về ODA.”  Đại biểu này đã đề xuất:

“Tôi đề nghị Quốc hội ban hành Luật quản lý sử dụng ODA. Theo đó chú trọng quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA, công khai minh bạch toàn bộ số vốn, công khai các dự án và quy trình phân bổ buộc phản biện độc lập trước khi quyết định. Đồng thời quy định về trách nhiệm của Quốc hội, quyền của người dân và báo chí, hiệp hội chuyên ngành trong quá trình quyết định thực thi ODA”.

Dù vậy, cho đến nay, việc quản lý vốn ODA vẫn rơi vào tình trạng bế tắc, và các dự án sử dụng ODA đội vốn đến bất thường vẫn diễn ra, và “chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư” là câu trả lời quen thuộc cho vấn đề này.

Tin bài liên quan:

Nga: Mỹ gây áp lực lên Việt Nam

Phan Thanh Hung

Lý do Việt Nam không miễn thị thực visa cho công dân Mỹ?

Phan Thanh Hung

Nông dân Quảng Nam thiệt hại nặng vì mưa lũ trái mùa

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.