Nội dung nổi bật:
– Giới phân tích lo ngại các thị trường chứng khoán Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông đang rơi vào tình trạng bong bóng. Các thị trường này tăng điểm rất mạnh, trái ngược với tình hình ảm đạm của nền kinh tế
– Chính sách bơm tiền kích thích kinh tế là nguyên nhân chính khiến các thị trường tăng điểm
Bây giờ mới là tháng 4, nhưng có vẻ như 2015 là năm của các “bong bóng” trên thị trường chứng khoán châu Á.
Đầu tiên, cuộc đua tăng điểm đang nóng lên ở Hồng Kông bất chấp kinh tế Trung Quốc ngày càng giảm tốc nghiêm trọng. Cổ phiếu của các công ty đến từ đại lục niêm yết trên sàn Hồng Kông vẫn tăng 4,3% trong phiên hôm qua (13/4) mặc dù Trung Quốc công bố xuất khẩu tháng 3 bất ngờ suy giảm 14,6%. Dường như không bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản èo uột, chỉ số Hang Seng Index đã tăng 7,9% trong tuần trước.
Điều tương tự đang xảy ra trên TTCK Nhật Bản. Nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc vẫn lún sâu vào suy thoái, và những biện pháp mà các quan chức của NHTW Nhật Bản tung ra để đẩy tăng lạm phát tỏ ra không hiệu quả. Trái ngược với vẻ ảm đạm kể trên, chỉ số Nikkei đang ở gần mức 20.000 lần đầu tiên trong 15 năm qua.
Đây không phải là điều đáng mừng đối với cả Hồng Kông và Nhật Bản. Thiếu vắng tăng trưởng kinh tế vững chắc, các đợt tăng điểm này chỉ là hiệu ứng nhất thời xuất phát từ chính sách kích thích kinh tế của chính phủ và kỳ vọng của nhà đầu tư về nới lỏng chính sách tiền tệ.
Bạn có thể tranh cãi rằng chứng khoán Hồng Kông khá hấp dẫn nếu xét tỷ lệ P/E – ở Hồng Kông là 11,8 trong khi ở tỷ lệ ở New York, Thượng Hải và Seoul lần lượt là 20, 20 và 52.
Tuy nhiên, vẫn có quá ít lý do giải thích tại sao các nhà đầu tư đột nhiên hăng hái đầu tư vào chứng khoán Hồng Kông. Hầu hết đều đang đổ tiền vào những công ty đại lục hầu như không có danh tiếng nhưng lại có mức giá trị thấp hơn nhiều so với ở TTCK Trung Quốc. Nói cách khác, nhà đầu tư đang tận dụng cơ hội kiếm tiền từ chênh lệch giữa hai thị trường Trung Quốc và Hồng Kông.
Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích cuộc “đào vàng” này theo hai cách. Thứ nhất, thị trường chứng khoán đã được sử dụng để “lôi” nhà đầu tư ra khỏi thị trường bất động sản quá nóng.
Theo lý thuyết, một thị trường chứng khoán tăng điểm sẽ giúp cải thiện niềm tin vào toàn bộ nền kinh tế. Một số chiến dịch PR đã được tung ra nhằm khuyến khích nhà đầu tư chuyển từ bất động sản sang chứng khoán, bên cạnh đó là mức phí giao dịch thấp. Kết quả là có hàng chục nghìn nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường.
Ban đầu, nhà đầu tư chỉ tập trung vào thị trường đại lục. Tuy nhiên, sau đó chính phủ Trung Quốc đã cố gắng “xuất khẩu” bong bóng tài sản này sang Hồng Kông bằng cách mở rộng mối liên kết giữa hai sàn Thượng Hải và Hồng Kông. Cho đến nay, dòng tiền dồn sang Hồng Kông mạnh mẽ đến mức Hồng Kông buộc phải can thiệp để bảo vệ tỷ giá.
Giới phân tích đang lo ngại về một kết thúc không có hậu trên TTCK Hồng Kông. Xưa nay TTCK Hồng Kông vẫn khá tách biệt so với Trung Quốc bởi đặc trưng của thị trường này là có tính minh bạch cao và có một lượng lớn nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay thị trường này đang hành xử theo cách giống với TTCK Trung Quốc. Bong bóng ở Hồng Kông sẽ vỡ đầu tiên bởi nhà đầu tư muốn rút vốn khỏi Trung Quốc sẽ mong muốn bán ra ở Hồng Kông do HKD là đồng tiền có khả năng chuyển đổi và luật lệ ở đây cũng minh bạch hơn.
Trong khi đó, đà tăng hiện nay của chứng khoán Nhật Bản khiến người ta nhớ đến thời kỳ những năm 1980 và đây cũng là sản phẩm do chính phủ nước này tạo ra. NHTW Nhật Bản (BoJ) vẫn đang miệt mài bơm tiền kích thích kinh tế.
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều dựa vào lý thuyết TTCK tăng trưởng sẽ giúp tăng niềm tin vào nền kinh tế. Tuy nhiên, quy luật này không khớp với thực tế. Ở Nhật, các lãnh đạo doanh nghiệp và hộ gia đình trung lưu tiếp tục hoài nghi về sức khỏe của nền kinh tế. Họ chỉ mua vào bán ra dựa trên niềm tin rằng dữ liệu kinh tế yếu ớt sẽ hối thúc chính phủ bơm thêm tiền vào nền kinh tế cũng như TTCK.
Rõ ràng đây là một cái bẫy. Để bong bóng không vỡ nhất thiết phải có những nền tảng vững chắc trong nền kinh tế. Thêm vào đó, nếu Bắc Kinh và Tokyo càng kéo dài thời gian can thiệp vào thị trường, các cải cách càng bị trì hoãn.
Không nhất thiết các bong bóng trên TTCK châu Á sẽ vỡ tung trong năm nay. Với lượng tiết kiệm lớn và các NHTW hay can thiệp vào thị trường, Trung Quốc và Nhật Bản có thể kéo dài “bữa tiệc”. Tuy nhiên, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đang ở trong một guồng quay ngày càng tăng tốc và họ khó có thể thoát ra khỏi guồng quay ấy.