Hàng ngàn cư dân một thành phố miền nam Trung Quốc đã xuống đường, đập phá, lật úp xe cảnh sát và công phá một đồn cảnh sát để phản đối việc xây dựng một lò đốt rác thải trong khu vực họ sinh sống. Theo bản tin ngày 7 tháng 4 của Đài Á Châu Tự do (RFA), một cuộc xung đột với cảnh sát sau đó đã dẫn đến bạo lực và bắt giữ.
Ngày 6 tháng 4, cư dân tại thành phố La Định, tỉnh Quảng Đông, đã tụ tập trên các đường phố xung quanh một nhà máy xi măng thuộc sở hữu của doanh nghiệp vốn nhà nước Hoa Nhuận (China Resources) để phản đối các dự án lò đốt. Những người biểu tình giương biểu ngữ cáo buộc công ty này cấu kết với chính quyền địa phương để dàn xếp việc cấp giấy phép xây dựng.
Trong lúc ẩu đả, người dân địa phương đã tức giận đập vỡ kính chắn gió của xe cảnh sát và khiến một số xe khác thậm chí bị lật úp. Cổng vào của nhà máy xi măng đã bị phá hủy, và một đám đông người biểu tình đã chạy vào. Sau đó họ tiếp tục chiếm đóng đồn cảnh sát gần nhà máy.
Hai mươi người bị bắt và một số lượng không rõ đã bị thương.
Theo bản tin của trang Nhật Báo Đông Phương – một tờ báo Hồng Kông, cuộc biểu tình vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm sau mặc cho sự khống chế của cảnh sát.
Một người dân La Định nói với RFA trong một cuộc phỏng vấn: “Hôm qua, [cảnh sát] tấn công cả trẻ em. Một bé gái bị đánh đập. Mọi người đang rất tức giận. Khi thị trưởng xuất hiện, ông nói rằng ông sẽ yêu cầu tiếp viện thêm nhiều cảnh sát hơn để bắt giữ và đánh đập nhiều người hơn.”
Một cư dân khác cho biết rằng China Resources – một tập đoàn nhà nước quyền lực – đã không thẩm định những tác động đối với môi trường trước khi bắt đầu xây dựng các lò đốt cách nội thành thành phố không quá hai dặm.
Các cư dân ở đây chủ yếu là phản đối sự ô nhiễm mà họ dự đoán các lò đốt sẽ gây ra.
Ngày 8 Tháng 4, Sina – một trang tin tại Hoa lục, đưa tin Thị trưởng của La Định đã nói với người dân rằng việc xây dựng sẽ được trì hoãn.
“Chúng tôi muốn việc xây dựng phải bị hủy bỏ hoàn toàn, chứ không phải trì hoãn”, một dân làng phát biểu trên Sina, một cổng tin tức chủ đạo của người Hoa ở Đại lục. “Chúng tôi sẽ không để các thứ mùi độc hại từ việc đốt rác thải này đầu độc lên con em chúng tôi”.
Frank Fang, Epoch Times
(Đại Kỷ Nguyên)