Phấn đội an ninh giữ hai quan chức của thành phố Thiên Tân: ông An Huệ Dân (phải) và Bàng Thuận Hỷ (trái). Ngày 28 tháng 3 năm 2015, hai ông bị áp giải về Trung Quốc vì tham nhũng. (Ảnh chụp màn hình/ccdi.gov.cn)
Ghi chú của Ban Biên tập: Chiến dịch bài trừ tham nhũng đang dậy sóng khắp Trung Quốc là sự kiện chính trị quan trọng nhất lịch sử cận đại Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và cấp phó Vương Kỳ Sơn, chiến dịch này trừng phạt nặng những quan chức có quan hệ mật thiết với Giang Trạch Dân – “bố già” buông màn nhiếp chính của Đảng trong nhiều năm. Những quan chức bị thanh trừng trong chiến dịch này có thể kể đến như Chu Vĩnh Khang, Tô Vinh, Từ Tài Hậu,… Cùng với việc bắt giữ những “con hổ” – cách nói chính thức chỉ quan chức cấp cao, chiến dịch còn diệt “ruồi” – tên gọi dành cho quan chức cấp thấp dính líu đến tham nhũng trên cả nước. Mục báo này thường xuyên dẫn chứng tài liệu về cuộc chiến chống tham nhũng trong Đảng của ông Tập Cận Bình cũng như các sự kiện xảy ra.
Đúng bốn ngày sau khi “Lưới trời” (Sky Net) của Trung Quốc được giăng ra, đã có hai quan chức đào tẩu “sa lưới” trong chiến dịch chống tham nhũng theo hướng mới của Đảng.
Theo trang thông tin của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương (cơ quan chống tham nhũng của Đảng), ông Bàng Thuận Hỷ và ông An Huệ Dân – hai quan chức cấp cao của thành phố Thiên Tân đã bị bắt giữ ở Lào vào ngày 28 tháng 3 và bị dẫn độ về Trung Quốc. Cú sa lưới của hai quan chức này có thể xem như là phần dạo đầu của chiến dịch “Lưới trời”.
Ông An Duệ Dân (giữa) bị phân đội an ninh áp giải về Trung Quốc vào ngày 28 tháng 3 năm 2015. (Ảnh chụp màn hình /ccdi.gov.cn)
Bản tin thu hút sự quan tâm của công chúng nổi bật với những hình ảnh về vụ bắt giữ hai quan chức này. Bản tin nói rõ ông Bàng Thuận Hỷ và ông An Huệ Dân bị buộc tội tham nhũng và hiện đang bị Văn phòng Công tố quận Hà Tây thuộc thành phố Thiên Tân điều tra.
Ông Bàng Thuận Hỷ (giữa) bị phân đội an ninh áp giải về Trung Quốc vào ngày 28 tháng 3 năm 2015. (Ảnh: Larry Ong/ Epoch Times)
Ông Bàng là Cục trưởng Cục Thuế thành phố Thiên Tân; còn ông An, người từng được ca ngợi là “nhân viên gương mẫu”, là Tổng Giám đốc công ty thương mại quốc tế Hãn Thông – một công ty cổ phần thuộc sự quản lý của Tập đoàn Nguyên vật liệu Thiên Tân nổi tiếng (Tianjin Materials Group).
Cả hai quan chức này đều là đồng minh thân cận của Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ, quan chức cấp cao xếp thứ ba trong hàng ngũ lãnh đạo của chế độ. Ông Trương là người đã giám thị một trong những chiến dịch bức hại Pháp Luân Công tồi tệ nhất khi ông còn đương chức ở Sơn Đông – tỉnh có số lượng học viên Pháp Luân Công bị giết hại nhiều thứ ba ở Trung Quốc, theo Tổ chức quốc tế điều tra về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang có thể sẽ là quan chức có chức vụ cao nhất của Đảng phải đối mặt với án tử hình, theo mạng tin Minh Kính. Minh Kính được vận hành bởi người Hoa ở hải ngoại, đưa tin tức thường xuyên về các tin đồn và xì-căng-đan chính trị tại Trung Quốc đại lục, và đôi khi mạng tin này tỏ ra là có liên kết nội bộ với nội các của chủ tịch Tập Cận Bình.
Minh Kính khẳng định Bắc Kinh đang nghiêm nghị cân nhắc việc tuyên án tử hình đối với Chu Vĩnh Khang, nhưng chưa đạt được nhất trí đối với vấn đề này.
Ngoài ra, một vài vụ bê bối khác về trường hợp tham nhũng của ông Mã Kiến cũng bị phanh phui.
Theo tạp chí Tài Kinh (Caixin), nguyên Thứ trưởng Bộ An ninh nhà nước Mã Kiến có sáu nhân tình và hai con riêng, ông còn sở hữu sáu biệt thự ở Bắc Kinh.
Hai nhân tình của ông Mã làm việc trong Bộ An Ninh, theo Tài Kinh. Ấn phẩm này thường đóng vai trò như một tờ báo ngôn luận của ông Vương Kỳ Sơn – người chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng, để công bố các chi tiết về các cuộc điều tra. Được biết ông Vương là bạn lâu năm của Tổng biên tập tờ Tài Kinh, bà Hồ Thư Lập.
Vào tháng 1 năm nay, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương đã thông báo về vụ việc ông Mã Kiến, người đảm trách các hoạt động phản gián của chế độ, đã chính thức bị điều tra vì tham nhũng.
Larry Ong, Epoch Times
(Đại Kỷ Nguyên)