Đô đốc Harry Harris Jr. (Ảnh: NCA) |
Động thái trên của Trung Quốc thời gian qua đã vấp phải sự phản ứng của nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu trên được ông Harry Harris Jr. đưa ra tại một hội thảo về hải quân tại Úc hôm 31/3. Theo vị đô đốc, Trung Quốc đang không ngừng “bơm cát lên những rạn san hô sống – một vài trong số này chìm dưới mặt nước – và phủ lên trên bằng bê tông. Trung Quốc đến nay đã tạo ra một diện tích đảo nhân tạo lên tới 4 km2”.
Nhưng theo ông Harris, “điều thực sự gây nhiều quan ngại lúc này đó là hoạt động xây lấn đảo của Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ”.
Ông khẳng định khu vực này vốn nổi tiếng với những hòn đảo đẹp, nhưng “hoàn toàn trái lại, Trung Quốc đang tạo ra một trường thành bằng cát, sử dụng máy nạo vét và xe ủi chỉ trong vài tháng”.
Những rạn san hô chìm tại khu vực quần đảo Trường Sa bị biến thành những hòn đảo nhân tạo với các công trình, cầu tàu và đường băng.
Trung Quốc từ lâu vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, bất chấp sự phản đối gay gắt từ các nước trong khu vực, như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và đảo Đài Loan. Đầu tháng trước, Việt Nam và Philippines đã có động thái phản đối chính thức qua đường ngoại giao với Bắc Kinh.
Mối quan ngại chính của quân đội Mỹ và các nước trong khu vực đó là mục đích của Bắc Kinh đằng sau hoạt động này, bởi các công trình có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự, và nhiều công trình có thể giúp Bắc Kinh củng cố tuyên bố chủ quyền của mình.
“Bước đi tiếp theo của Trung Quốc sẽ là chỉ dấu then chốt về việc liệu khu vực này đang hướng tới một cuộc đối đầu hay hợp tác”, vị tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương tuyên bố.
Úc cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay. Năm ngoái, nước này đã đạt được thỏa thuận với Nhật về tăng cường hợp tác quân sự và diễn tập, như một biện pháp phòng ngừa trước sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc.
(Dân Trí)