Tuấn Khanh – Vào những ngày nắng bắt đầu gắt ở Việt Nam, có những tin tức có thể làm dịu mát chút ít cho trái tim con người. Việc Nhà nước Việt Nam đồng ý ký tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn và những hình phạt hoặc sự đối xử tàn ác, hạ nhục nhân cách (gọi tắt là UNCAT), nay đã bắt đầu có những tín hiệu tốt hơn.
Theo nhiều nguồn tin hành lang vào cuối tháng 3 này, luật công nhận Quyền im lặng của nghi can sẽ sớm được thông qua. Thậm chí, có cả Quyền suy đoán vô tội, tức nghi can được luật sư đòi quyền khẳng định vô tội khi không có đủ bằng chứng – chứ không bị giam giữ vô thời hạn và buộc nhận tội với các chứng cứ sắp đặt như lâu nay. Sự kiện tù nhân oan ức Nguyễn Thanh Chấn là một ví dụ về chuyện này: Ngay khi bị nghi ngờ, nghi can có thể bị khảo cung, trấn áp và ép phải nhận những chứng cứ. Việc giam giữ trong điều kiện không đúng quy cách nhà tạm giữ trong quy định của Công ước chống tra tấn cũng được coi là một cách khủng bố tinh thần của nạn nhân.
Được biết, nếu không có gì trắc trở nữa, các nghi can sẽ không còn bị tạm giữ hay ở các phòng giam thuộc quản lý của Bộ Công An, mà phải chuyển qua Viện Kiểm Sát. Có nguồn tin các cơ quan của Viện Kiểm Sát đang xem xét để cải tạo lại các nhà giam này, theo đúng quy chuẩn của Công ước mà Việt Nam đã ký tham gia vào ngày 7/11/2013.
Nói một cách nào đó, người ta nhìn thấy một phần quyền lực của ngành công an đã bị giảm bớt, chia ra cho Viện kiểm sát. Quyền im lặng và Quyền suy đoán vô tội sẽ là công cụ giúp cho ngành tư pháp hoạt động mạnh hơn, minh bạch hơn. Có ý kiến cho rằng việc tham gia của Viện kiểm sát cũng chưa phải là đáng mừng, nhưng không thể phủ nhận đây là một bước tiến đáng kể để cải thiện tình trạng chết trong đồn công an, nơi mọi thứ đều có một lý do là chết mơ hồ như treo cổ, trúng gió… mà không ai kiểm tra được.
Tại buổi ký kết, giới tin tức quốc tế mô tả Ðại sứ Lê Hoài Trung của Việt Nam đã tuyên bố “cam kết không lay chuyển” nhằm ngăn chặn bất cứ hành động tàn ác, sự đối xử vô nhân đạo, và bảo vệ tốt hơn quyền con người căn bản. Thông cáo của Việt Nam cũng nói ký tham gia Công ước là một bước cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, và nêu bật Việt Nam sẵn sàng là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Mặc dù có vẻ đầy quyết tâm, nhưng dường như những nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn khi đối diện với một bộ máy của mình, vốn cũ mòn và đầy niềm tin tuyệt đối vào bạo lực. Những bước vận động trên dư luận thật sự khó khăn khi ngành công an hay những quan chức chống lại nhân quyền vẫn luôn tìm cách phản bác bước đi tiến bộ này.
Chẳng hạn như với đại biểu quốc hội Đỗ Văn Đương, người từng tuyên bố rằng không thể có quyền im lặng trong luật pháp Việt Nam được. Thậm chí, việc tra tấn để ép cung cũng được vận động để được nhìn nhận như một biện pháp chính thức trong đời sống dân sự. Một lực cản đầy âm mưu vẫn đang hậu thuẫn cho bóng tối.
Nhưng rồi có vẻ mọi thứ đang thay đổi, dù khó khăn. Nếu lạc quan về điều này, chúng ta không quên những blogger, những người làm tin tức tự do vẫn làm việc không ngừng đưa sự thật đến công chúng và thế giới. Những vụ án như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng… nếu không có sự tham gia của họ, các vụ án giờ đây ắt chỉ còn là nỗi uất hận trong lịch sử tư pháp. Từng sự kiện dân chết vô lý trong đồn công an, vẫn được các trang tin tức truyền đi, hô hoán để mọi người cùng lên tiếng. Không phải đơn giản mà số liệu 3 năm qua có 226 người dân chết trong các đồn công an, nhà tạm giữ… lại bất ngờ xuất hiện vào lúc này. Rõ ràng, bản thân chính những người trong hệ thống đang vận động cho việc thi hành Công ước chống tra tấn cũng đã vận dụng và nhờ cậy giới thông tin tự do phản ứng, tạo lợi thế cho tiến trình thay đổi.
Thật muộn màng khi thấy rằng 40 năm qua, kể từ khi nhà nước Việt Nam quản lý toàn bộ đất nước, những người cầm quyền mới có được một bước tiến để bảo vệ sự sống của người dân trước hệ thống quyền lực của mình. Nhưng chậm vẫn còn hơn không. Và khi đã có một thay đổi, hãy tin rằng mọi thứ sẽ không dừng lại đó.
(Theo Blog RFA)