Việt Nam Thời Báo

Nơi ‘chê’ tiền tỷ, giữ bằng được hàng cây ven đường

Thời gian vừa qua dư luận xôn xao với dự án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh tại Thủ đô, người dân Đức Thọ (Hà Tĩnh) lại có dịp nhắc tới chuyện cán bộ ở đây bỏ qua tiền tỷ để giữ lại hàng cổ thụ ven đường.

Tại xã Đức Long (Đức Thọ, Hà Tĩnh) có khoảng 30 cây xà cừ có độ tuổi trên 50 năm và khi thi công dự án nâng cấp, mở rộng QL 8A, buộc phải chặt bỏ hàng cây này.

Đứng trước mong muốn giữ lại cây của người dân, chính quyền và Ban quản lý dự án đã quyết định từ chối tiền tỷ, di dời hàng cây cổ thụ.

Từ chối tiền tỷ để giữ cây

Năm 2012, dự án (DA) nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 8A có tổng chiều dài trên 85km, giao từ thị xã Hồng Lĩnh lên Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn) do Ban quản lý (BQL) dự án 4 thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư với tổng vốn giai đoạn 1 lên đến 1.176 tỷ đồng được triển khai.

Hàng cây xà cừ cổ thụ khi mới được di chuyển ra nơi mới.


DA được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 có chiều dài 37km từ Thị xã Hồng Lĩnh đến Thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn đã cơ bản hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng trong năm 2014.

Bây giờ, đi trên Quốc lộ 8A, đoạn qua xã Đức Long (huyện Đức Thọ) rộng thênh thang, rợp bóng xanh mát của hàng cây xà cừ cổ thụ, ít ai biết đươc rằng, cách đó 2 năm, những “cụ cây” này chút nữa đã bị chặt bỏ, nhường đất cho DA.

Hơn 30 cây xà cừ này được trồng từ năm 1960 từ hưởng ứng lời kêu gọi Tết trồng cây của Bác Hồ. Trải qua thời gian, những cây xà cừ bây giờ đã là những “cụ cây”, có những cây, 2 người ôm không xuể.

Thế nhưng trong quá trình giải phóng mặt bằng thi công giai đoạn 1, hàng cây xà cừ cổ cũng nằm trong “danh sách” là những “chướng ngại vật”. Ban đầu, phía chính quyền huyện Đức Thọ và BQL DA chấp nhận việc “loại bỏ” hàng cây này.

Khi ấy, đã có rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã trực tiếp đến UBND huyện Đức Thọ trả tiền tỷ để mua hàng chục cây này.

Tuy nhiên, khi nắm được thông tin việc hàng cây sẽ bị chặt bỏ, người dân Đức Long, mà đặc biệt là các bô lão trong xã bày tỏ nguyện vọng với chính quyền được giữ lại hàng cây.

“Hàng cây này giống như mất đi mặt tiền của một ngôi nhà. Ngôi nhà mà không có mặt tiền thì còn gọi gì là nhà.

Hơn nữa, hàng cây này đã được trồng hơn 50 năm, trải qua 2 cuộc chiến tranh, ai nỡ chặt đi. Tiếc lắm!”, ông Nguyễn Đình Giáp (trú xã Đức Long) tâm sự.

Đau đầu “giải cứu” hàng cây cổ thụ

Trước đề xuất của người dân, chính quyền huyện Đức Thọ đã tổ chức nhiều cuộc họp để trưng cầu ý dân.

Nhưng nay đã xanh tốt, tỏa bóng mát cho con đường.


Tại các cuộc họp, hầu hết người dân đều đề xuất là phải giữ hàng cây bằng cách di chuyển chúng đi.

Ông Võ Công Hàm, Bí thư huyện ủy Đức Thọ chia sẻ: “Hàng cây này đã trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Mỹ, chống Pháp ác liệt.

Trên các cây còn in dấu rất nhiều mảnh bom đạn. Hơn nữa hàng cây giống như là lá phổi xanh của thị trấn. Nguyện vọng của nhân dân muốn giữ hàng cây là hoàn toàn đúng đắn”.

Không chặt cây nhưng cũng không thể “nắn” đường để giữ cây, chính quyền huyện Đức Thọ lại đau đầu với việc tìm giải pháp “một mũi tên trúng hai đích”.

Và nhiều cuộc họp giữa UBND huyện Đức Thọ và BQL DA để tìm hướng giải quyết.

Ông Nguyễn Đình Phúc, GĐ điều hành DA nâng cấp, mở rộng QL 8A giai đoạn 1 cho biết, lúc đó đã nhờ rất nhiều mối quen biết để tìm người có khả năng di chuyển cây trên để đảm bảo cho cây không chết.

“Ngoài ra, tôi cũng đã đến các vườn ươm, các chỗ trồng cây cảnh để tham khảo ý kiến. Cuối cùng tôi liên lạc được với một người ở TP Vinh (Nghệ An). Anh này bảo đảm cây sống 100%, không sống không lấy tiền.

Sau đó, hai bên đã đi đến thống nhất di dời, trồng lại gần 2/3 số cây trên ở vị trí mới của QL 8A. Số cây còn lại thì BQL DA đã tiến hành điều chỉnh tuyến trong quá trình thi công.

Với chi phí bỏ ra hơn 200 triệu đồng, sau 3 tháng được dời ra chỗ trồng mới, hàng xà cừ cổ thụ đã bén rễ và bắt đầu xanh tốt. Nay thì hàng cây này đã trở lại “thuở ban đầu” như chưa có việc di chuyển.

Người dân rất ủng hộ việc chính quyền giữ lại hàng cây xà cừ trên 50 tuổi.


“Mất 50 năm để có 1 cây cổ thụ, nhưng chỉ mất 20 phút để biến một cây cổ thụ thành đống củi. Đối với những cây đang xanh tốt nếu phải giải tỏa thì nên chuyển nó đi.

Hiện nay việc di dời và đảm bảo sống không phải là khó”, ông Nguyễn Xuân Triều, GĐ Cty TNHH Thắng Trung (đơn vị nhận việc di dời cây) cho hay.

Chứng kiến việc di dời thành công các cây xà cừ cổ thụ, ông Võ Công Hàm kết luận: “Bác Hồ năm nào cũng đều phát động “Tết trồng cây”, mà huyện Đức Thọ có hàng cây cổ thụ và dấu ấy lịch sử như vậy sao phải chặt bỏ đi.

Việc giữ lại số cây xà cừ chúng tôi thấy là hoàn toàn đúng đắn”.

Sỹ Thông – Văn Đức
(Theo Soha)

Tin bài liên quan:

Khởi tố vụ sập giàn giáo tại Formosa khiến 13 người chết

Phan Thanh Hung

Huyện Kỳ Anh đuổi 155 học sinh cắp sách đến trường

Phan Thanh Hung

Gánh nặng quê nghèo: Loạn các khoản thu bất hợp pháp (IV)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo