Việt Nam Thời Báo

Có ‘lệnh’ Chủ tịch tỉnh, xe khủng của ông chủ lâu đài Hải Sơn vượt cầu cấm

Được chủ tịch tỉnh Hà Nam “bật đèn xanh”, hàng trăm lượt xe có tổng trọng tải gần 60 tấn của ông Trần Đình Thanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hải Sơn cứ thế “ngang nhiên”, “đường hoàng” nối đuôi chạy trên cây cầu chỉ chịu được tối đa 3,5 tấn.
Lâu đài Hải Sơn tráng lệ bên mặt đường lớn.
Cầu Châu Sơn bắc qua sông Đáy, nối trung tâm TP.Phủ Lý (Hà Nam) sang Khu công nghiệp Châu Sơn, mỏ đá Kiện Khê… Theo công năng thiết kế và để đảm bảo chất lượng cho công trình, cây cầu này đã cấm xe có trọng tải trên 3,5 tấn đi qua.
Mặc dù tấm biển “cấm xe tải trên 3,5 tấn” được treo ngay ngắn ở cả 2 phía đầu cầu nhưng hàng ngày vẫn có những đoàn xe tải có xe có tổng tải trọng gần 60 tấn vẫn “ngang nhiên” chạy qua cây cầu “tội nghiệp” này. Đáng nói hơn nữa, các cơ quan chức năng lại không hề có bất cứ sự “ngăn chặn” nào đối với hành vi nêu trên.
Xe có tổng tải trọng hàng chục tấn “ngang nhiên” vượt cầu 3,5 tấn.
Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, Đại tá Trần Trọng Đạo, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hà Nam) xác nhận, “dòng xe đang chạy là của tập đoàn Hải Sơn… Xe chạy cũng là phục vụ chính trị của địa bàn. Việc này đã có văn bản do đích danh Chủ tịch tỉnh Hà Nam ông Nguyễn Xuân Đông ký gửi Sở GTVT và UBND  thành phố Phủ Lý. Về nguyên tắc, khi đã có văn bản chỉ đạo thì chúng tôi phải thực hiện theo”.

Việc làm này của Chủ tịch tỉnh Hà Nam đã khiến dư luận trên địa bàn không khỏi bức xúc, nhiều người cho rằng, việc làm này thực chất như một hành động “bảo kê” cho các hãng vận tải ngang nhiên phạm luật.

Lý giải thông tin này trên báo Kinh doanh & Pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông cho rằng cầu Châu Sơn được thiết kế trọng tải H30 có nghĩa là xe 30 tấn có thể đi qua, nhưng vì cây cầu đó có nhiều xe đi lại gây ra bụi bẩn cho nên tỉnh mới cấm xe có tải trọng lớn đi qua cầu đó.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Hà Nam cũng cho rằng, hai doanh nghiệp là Hải Sơn và Tiến Đạt đều làm các công trình phục vụ cho tỉnh, nên tỉnh cũng cho thời hạn đến 31/3/2015 thì phải dẹp. Hơn nữa, đáng lý ra trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn là công an tỉnh và Sở GTVT phải chịu trách nhiệm kiểm soát việc tỉnh cho phép, nhưng vẫn để cho hiện tượng xe không được phép vẫn đi qua được.


“Sau khi thấy dư luận phản ánh, chiều ngày 23/3 tôi sẽ ký quyết định thu hồi quyết định mà tôi ký cho phép đoàn xe của hai doanh nghiệp đi qua, và ngày 24/3 sẽ có hiệu lực”, ông Đông khẳng định.


Tổng công ty Xây dựng Hải Sơn là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại tỉnh Hà Nam, và ông chủ, doanh nhân Trần Đình Thanh cũng là một đại gia “nức tiếng” khắp vùng.
Vị đại gia này cũng chính là chủ nhân của toà lâu đài Hải Sơn, hay còn gọi là lâu đài Thanh Phủ Lý. Đây là tòa lâu đài có thể được gọi là hàng đầu đất nước hiện nay với 4 mặt tiền và vị trí “đất vàng” tại TP.Phủ Lý, cùng đó là lối kiến trúc lâu đài cổ điển cuối thể kỉ 18. Được thể hiện bởi các nghệ nhân tay nghề tinh xảo bậc nhất Việt Nam.. Tòa lâu đài được xây dựng trên khuôn viên 2700m2, diện tích sàn 300mx5 tầng theo kiến trúc Ba rốc (Baroque) thế kỷ 17.

(Theo ANTT)

Tin bài liên quan:

Thấy gì từ vụ án báo Người Cao Tuổi?

Phan Thanh Hung

Việt Nam mở đường bay ra Trường Sa?

Phan Thanh Hung

Kiến nghị của liên ngành tố tụng TP Tuy Hòa đòi “xử” LS Võ An Đôn là “vô luật” *

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo