Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đà Nẵng “trưng cầu dân ý”, Đồng Nai dối dân lấp sông

VNTB: Lời khẳng định “người dân đồng thuận với dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” của ông Huỳnh Văn Tới – Trưởng Ban tuyên giáo, người phát ngôn của tỉnh Đồng Nai cuối cùng đã được minh định trắng đen. Bài viết dưới đây của báo Infonet đã chứng minh rất rõ về châm ngôn dân gian “tuyên giáo nói láo” tồn tại từ quá lâu trong xã hội VN.

Thực tế, nhiều người dân đang sinh sống trong khu vực dự án trên đã không hề được hỏi ý kiến. Tình trạng này là đối lập hoàn toàn với cách hành xử rất có văn hóa và có trước có sau của chính quyền Đà Nẵng. Mới đây, lãnh đạo Đà Nẵng đã công khai họp với dân chúng để hỏi “Có cần giải tỏa hay không?”.

Cách hành xử vừa bưng bít vừa cố thủ khuất tất của chính quyền Đồng Nai hầu như không khác với những gì vừa xảy ra trong nội tình giới lãnh đạo và nhóm lợi ích Hà Nội, liên đới mật thiết với vụ thảm sát hàng ngàn cây xanh. Phan Đăng Long – Phó trưởng ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội, người được lịch sử “vinh danh” khi đưa ra khái niệm “cướp có văn hóa”, cũng đã từng công nhiên “chặt cây không cần phải hỏi ý kiến dân”.

Chiều 23/3, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đã phát đi thông cáo báo chí đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định và dừng dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Tổ chức này cho rằng, nếu triển khai dự án sẽ có tác động xấu đến môi trường sông Đồng Nai.

Dư luận đang đặt nghi vấn sau xa về việc liệu có những khoản “lại quả” khổng lồ nào dành cho giới quan chức đảng và chính quyền Đồng Nai phía sau “dự án cải tạo sông Đồng Nai”…


Bài viết 1: “Lấp” sông Đồng Nai: Dân bức xúc vì phát ngôn của Trưởng Ban tuyên giáo

Những thông tin trái ngược từ người phát ngôn của tỉnh và những hộ dân đang sinh sống trong khu vực dự án thêm một lần khiến người đọc nghi ngại về tính minh bạch.

“Chúng tôi đang cần họp gấp đây”

Liên quan đến dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (từ đây gọi tắt là dự án) do công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư đang thực hiện tại bờ sông Đồng Nai (đoạn qua phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), vào ngày 21/3, trả lời trên báo Đồng Nai, ông Huỳnh Văn Tới – Trưởng Ban tuyên giáo, người phát ngôn của tỉnh cho rằng:

“Trong hồ sơ cấp phép thực hiện dự án có biên bản họp dân, trong đó thể hiện ý kiến đồng thuận của người dân cũng như chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, người dân tham dự lấy ý kiến là đại diện tổ dân phố, chưa đông đủ các hộ liên quan”.

Một đoạn sông Đồng Nai đang bị đổ đất đá.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, ngày 22/3 PV Infonet đã tìm gặp vào trao đổi với một số người dân thuộc tổ 12, 13 phường Quyết Thắng (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) – nơi nằm sát và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án của công ty Toàn Thịnh Phát. Những người được hỏi đều đã có thời gian sinh sống tại đây từ 30 – 50 năm.

Trao đổi với PV, ông Võ Anh Dũng – Tổ trưởng tổ dân phố 12 cho biết ông rất bất ngờ trước thông tin ông Tới đưa ra, bởi cho đến lúc này ông chưa nhận được chỉ thị nào về việc xin ý kiến người dân đối với dự án trên, và ông cũng chưa từng nói “người dân đồng thuận” ở bất kỳ đâu. “Nếu có thì tôi đã thông báo cho bà con, bà con không đồng ý mà tôi nói đồng ý sao được”.

Trong khi đó bà A., ngụ số nhà xx/12B (tổ 12), cũng khẳng định trước khi dự án được triển khai bà và nhiều người sinh sống tại đây không hề được tham dự một cuộc họp nào có nội dung đề cập đến việc triển khai dự án của công ty Toàn Thịnh Phát tại khu vực này.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Minh (tổ 12) cho biết thêm, ông và nhiều người khác rất ngỡ ngàng khi chứng kiến công ty Toàn Thịnh Phát lấp đất đá ra phía lòng sông đến gần 100m. “Chúng tôi đều tưởng là họ làm bờ kè, quay đi quay lại đã thấy họ đổ đầy khúc sông này rồi”.

“Họ đổ càng ngày càng nhiều, nghĩ là làm kè nhưng tới khi hỏi ra thì là để cất nhà bán, trời ạ! Tưởng làm chỗ nào giải tỏa, ai ngờ làm từ đây tới đầu cầu (cầu Rạch Cát – PV) luôn”. – một phụ nữ nói. “Chúng tôi chưa bao giờ đồng ý về dự án, kêu ông ấy tổ chức họp đi, dân tổ 12, 13 chúng tôi đang cần họp gấp vì đang rất hoang mang, chưa biết thế nào đây” – bà A. tiếp lời.

Trong khi ông Tới nói đã họp các tổ trưởng tổ dân phố, thì một người tổ trưởng nói họ chưa bao giờ tới một cuộc họp như vậy. Trong ảnh là phần đất lớn đã san lấp lấn ra sông Đồng Nai.

Người dân ở đây cũng chia sẻ, họ đang rất lo lắng bởi tương lai chưa biết sẽ về đâu. Hiện tại họ nghe được thông tin phần đất của mình sẽ bị giải tỏa, nhưng tới bây giờ họ vẫn chưa nhận được bất kỳ quyết định giải tỏa, hay thỏa thuận đền bù nào.

Bên cạnh những ý kiến trên người dân cũng bày tỏ nguyện vọng “mong ông chính quyền” xuống đối chất với họ để làm rõ nhưng khúc mắc.

“Họp đâu mà họp, họp ở tổ nào, khóm nào?”

Cũng liên quan đến phần trả lời của ông Tới, PV đã gặp ông Nguyễn Mạnh Truyền – ngụ tại số 67 đường CMT8 (tổ dân phố 13, phường Quyết Thắng) thì được ông chia sẻ.

“Ông ấy nói là đã họp dân nhưng hoàn toàn không có. Dường như các ông ấy viết cho mấy cái phiếu, đưa xuống cho tổ trưởng chạy tới vài gia đình, nếu họ đồng ý thì đánh dấu x vào chứ có họp hành gì đâu. Nhưng tôi ở trên này đến cái giấy đó cũng không có, chỉ dưới cầu (cầu Rạch Cát – PV) có vài cụ già nói có thôi, cái đấy mà tính là họp hay sao?” – ông Truyền nói.

Những rọ đá được bỏ xuống làm kè trước khi san lấp.

Cũng theo ông Truyền thì cách đây gần 10 năm có họp, và các hộ dân được phát giấy quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên trong quyết định đó ghi rõ rằng giải tỏa trắng để lấy đất làm công viên, bờ kè. Còn về dự án xây khu đô thị, phân lô bán nền của công ty Toàn Thịnh Phát người dân không hề biết và cũng chưa được tham gia bất cứ cuộc họp nào liên quan.

“Không có họp, họp đâu mà họp, tầm bậy tầm bạ. Ông ấy nói họp, nói người dân đồng ý thì tôi sẽ hỏi họp ở tổ nào, khóm nào, ai chủ trì? Đến hỏi họ là họ la lên liền”. – ông Truyền bức xúc nói tiếp.

Người đàn ông này cũng cho biết thêm, khi công ty Toàn Thịnh Phát vào đây để rào tường thi công ông có thắc mắc thì được trả lời: “Đất này có phải của chú không, nếu của chú tôi dừng lại liền”. – họ nói vậy mình cứng họng, vì đất của mình chỉ có đến đây thôi”. – ông cho hay.

Cũng như nhiều ý kiến ở trên, ông Truyền khẳng định: “Đến giờ cuối mới biết là phân lô bán nền đấy”.

Mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp nhận dự án đầu tư “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” của công ty Toàn Thịnh Phát (thuộc tập đoàn Thành Thành Công). Dự án có tổng diện tích hơn 80.000 mét vuông, trong đó phần đất lấn ra sông Đồng Nai là hơn 70.000 mét.

Theo chủ đầu tư, sau khi hoàn thành nơi này sẽ là khu phức hợp bao gồm cao ốc văn phòng, nhà biệt thự, chung cư, và khách sạn 4 đến 5 sao, công viên. Tuy nhiên hiện nay đang có nhiều ý kiến cho rằng việc “lấp” sông Đồng Nai làm dự án sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiện trạng sông Đồng Nai.

Nguyễn Cường
(Theo Infonet)


Bài viết 2: Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai lên tiếng về dự án lấn sông

Chiều 24/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phát đi thông cáo báo chí nêu quan điểm của tỉnh về dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai tại thành phố Biên Hòa.

Tỉnh Đồng Nai khẳng định dự án trên triển khai đúng quy trình thủ tục, phù hợp với quy hoạch và các quy định của pháp luật.

Thông cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh tỉnh Đồng Nai cho rằng dòng sông Đồng Nai đoạn qua thành phố Biên Hòa từ vị trí thu hẹp phía thượng nguồn ở phường Bửu Long với mặt cắt ngang khoảng 210m, mở rộng dần về phía hạ nguồn. Đến khu vực phường Quyết Thắng, dòng sông lấn sâu vào bờ tạo thành vòng cung và đây cũng chính là phần rộng nhất của sông Đồng Nai đoạn qua thành phố Biên Hòa. Với đặc điểm này, khi phường Quyết Thắng có quy hoạch chi tiết 1/500, tỉnh Đồng Nai đã cho lập dự án xây dựng bờ kè và công viên ven sông.

Năm 2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký hợp đồng với Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam để đánh giá tác động dòng chảy theo mục tiêu kè lấn sông nêu trên.

Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy do Viện khoa học Thủy lợi Miền Nam kết luận: “Việc xây dựng công trình lấn sông ở khu vực trên theo các phương án lấn sông 50m, 75m, 100m không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không gây ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận.”

Ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết ngoài kết luận của cơ quan trên, Đồng Nai tiếp tục mời Viện Thủy lợi và Môi trường – Trường Đại học Thủy lợi, thẩm tra lại và đơn vị này cũng thống nhất với kết quả đánh giá trên.

Trong thông cáo, ông Nguyễn Thành Trí khẳng định việc hình thành dự án xuất phát từ ý tưởng của cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đem lại sự phát triển phù hợp quy hoạch và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân trong khu vực (vì không giải tỏa hiện trạng nhà dân). Bên cạnh đó, việc phát triển dự án nhằm cải tạo cảnh quan ven sông, đồng thời giảm vốn đầu tư cho ngân sách, hạn chế tối đa bồi thường giải tỏa.

Sau khi dự án được đánh giá khả thi, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã báo cáo xin ý kiến của Thường vụ Tỉnh ủy để xin chủ trương. Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai nhận định: “Đây là dự án có tính khả thi cao, trong quá trình thực hiện dự án không ảnh hưởng đến việc di dời, giải tỏa nhà dân và các công trình hiện hữu trong khu vực; nhà nước không phải chi ngân sách để đầu tư; không làm thay đổi đáng kể chế độ thủy lực dòng chảy sông Đồng Nai. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương đầu tư dự án. Giao Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan hoàn thiện các hồ sơ cần thiết để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan sớm thi công dự án để đưa vào sử dụng.Việc thiết kế công trình của dự án cần tham khảo lấy ý kiến của các nhà chuyên môn trước khi tổ chức thực hiện.”

Đối với nội dung phản ánh việc triển khai dự án làm ảnh hưởng đến vấn đề cấp nước cho Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Trí cho biết vị trí bơm nước cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh nằm cách vị trí dự án hơn 1km về phía thượng nguồn, do đó không bị ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.

Trong thông cáo, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định, dự án xây dựng bờ kè lấn sông đã được tỉnh phê duyệt vào năm 2009. Đến năm 2011, Công ty Toàn Thịnh Phát mới đăng ký thực hiện dự án trong khu vực đã quy hoạch, do đó đây không phải là dự án do công ty này đề xuất.

Từ những lập luận trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai khẳng định dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai thực hiện đầy đủ thủ tục về phê duyệt chi tiết, phê quyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ tục đầu tư và cấp phép xây dựng.

Trong khi đó, chiều 23/3, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đã phát đi thông cáo báo chí đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định và dừng dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Tổ chức này cho rằng, nếu triển khai dự án sẽ có tác động xấu đến môi trường sông Đồng Nai.

Một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm cho rằng, trước dư luận và phản biện của các nhà khoa học những ngày qua, dự án nên tạm ngưng, sau đó mời các tổ chức khoa học độc lập đánh giá lại một cách thấu đáo, toàn diện, lúc đó tiếp tục cho dự án triển khai cũng chưa muộn.

Trong khi đó, ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, đơn vị được giao chủ đầu tư dự án đánh giá tác động dòng chảy sông Đồng Nai khu vực trên, lại cho rằng nếu dự án trên doanh nghiệp không thực hiện thì nhà nước cũng thực hiện. Việc lấn sông xây dựng bờ kè đã được tỉnh Đồng Nai phê duyệt trước khi có dự án mà Toàn Thịnh Phát đang triển khai. Đứng về góc độ chuyên môn, ông Minh khẳng định dự án trên không tác động đáng kể đến dòng chảy sông Đồng Nai.

Ông Minh nói, qua khảo sát đánh giá của các nhà khoa học, việc chỉnh trị sông Đồng Nai tại khu vực trên nằm trong phạm vi 500m. Nghĩa với độ rộng 500m thì dòng sông này đã đáp ứng được yêu cầu thoát lũ và điều chỉnh dòng chảy. Trong khi đoạn sông trên có bề rộng lên đến trên 800m và vùng lấn sông đoạn xa nhất là 100m.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Phú Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty Toàn Thịnh Phát, chủ đầu tư dự án trên, cho biết doanh nghiệp đã thực hiện đúng quy trình thủ tục của pháp luật trong việc đầu tư dự án. Đối với đánh giá tác động dòng chảy, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện trước đó ba năm sau khi Toàn Thịnh Phát được giao dự án.

Sỹ Tuyên
(Theo Vietnamplus)

Bài viết 3: VNTB – Bảo vệ môi trường: Hà Nội hãy nhìn gương Đà Nẵng

VNTB: Trong khi Hà Nội vẫn đang rung chuyển bởi chiến dịch thảm sát hàng ngàn cây xanh và con sóng người dân phẫn nộ biểu tình phản đối giới lãnh đạo tham lam thiển cận, “nơi đáng sống nhất Việt Nam” là thành phố Đà Nẵng lại liên tiếp ghi điểm. Mới đây nhất là hành động của thành phố này từ chối hai dự án đầu tư nước ngoài vì gây ảnh hưởng đến môi trường, dù giá trị dự án lên đến 200 triệu USD.

Cách đây vài ngày, Đà Nẵng cũng đã tổ chức một cuộc họp với ngưới dân để hỏi “Có cần giải tỏa hay không?” theo cung cách dân chủ đặc biệt hiếm hoi ở Việt Nam.

Làm sao để giới trị vì Thủ đô “lấy dân làm gốc… cây” có được một phần cách ứng xử văn hóa như của Đà Nẵng? Thế mới biết cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh là quá đáng tiếc trong thời buổi quá khan hiếm lãnh đạo ở đất nước “thơ tôi khóc lệ rơi hình chữ S”.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo