Thảo Vy – Nguyễn Tuấn (VNTB) – Với câu chuyện ách tắc “hệ số K” đang tái diễn, phải chăng còn chờ ý kiến phê chuẩn của Thành ủy thì Chủ tịch UBND TP.HCM mới dám ký ban hành?
Hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất (hệ số K) tiếp tục là vấn đề nan giải đối với nhiều người khi họ có nhu cần làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm ngoái, nhiều người dân không thể làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do không thể đóng được tiền sử dụng đất quá cao. Còn hiện tại thì dù bảng giá đất tại TP.HCM đã có gần 3 tháng nay nhưng hệ số K vẫn chưa được ban hành khiến việc chuyển đổi, hợp thức hóa, mua bán nhà đất, nhất là căn hộ chung cư đang bị “tắc”.
Lỗi thuộc về chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM
Hệ số K được dùng để tính tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức khi người dân làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất hợp thức hóa nhà đất.
Theo đó, tiền sử dụng đất đối với phần đất vượt mức được tính theo công thức: hệ số K nhân với giá đất được quy định trong bảng giá đất ở khu vực thửa đất, nhà người dân đang làm thủ tục chuyển đổi, hợp thức hóa nhà đất.
“Hệ số K” có nguồn gốc như sau: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do nhà nước đại diện chủ sở hữu, điều này được quy định tại điều 4 Luật Đất đai 2013. Theo đó, một số trường hợp (được quy định cụ thể tại điều 55 Luật Đất đai 2013) Nhà nước sẽ giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Liên quan đến “hệ số K” được nêu tại Thông tư 76/2014/TT-BTC “hướng dẫn Nghị định 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất” do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất này (hệ số K) được xác định bằng tỷ lệ giữa giá đất chuyển nhượng thực tế (mang tính phổ biến) trên thị trường trong điều kiện bình thường tại thời điểm xác định với giá đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố quy định và công bố hàng năm.
Điều đó có nghĩa tiền sử dụng đất mà người dân đóng cho nhà nước để chuyển đổi sẽ bằng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định nhân với hệ số K.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo cơ quan tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan của địa phương thực hiện xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất để áp dụng chậm nhất từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
b) Chỉ đạo các cơ quan tài chính, thuế, kho bạc nhà nước, tài nguyên và môi trường phối hợp với các cơ quan có liên quan khác ở địa phương thực hiện việc xác định và thu nộp tiền sử dụng đất theo hướng dẫn tại Thông tư này.
c) Kiểm tra và xử lý các trường hợp sai phạm hoặc các trường hợp khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền pháp luật quy định.
d) Quy định quy trình phối hợp giữa các cơ quan chức năng của địa phương trong việc luân chuyển hồ sơ, xác định nghĩa vụ tài chính về thu tiền sử dụng đất quy định tại Thông tư này phù hợp các văn bản có liên quan và thực tế của địa phương; trong đó quy định rõ thời hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, người sử dụng đất trong việc kê khai, xác định và thực hiện thu nộp tiền sử dụng đất.
2. Tổng cục Thuế có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức thực hiện xác định và thu nộp tiền sử dụng đất theo quy trình cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo việc xem xét và quyết định miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Kho bạc nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức thu tiền sử dụng đất theo đúng quy trình thu ngân sách nhà nước và thoả thuận với cơ quan thuế để tổ chức thu tiền sử dụng đất, thuận lợi cho người nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước”.
Như vậy việc ách tắc về mặt thủ tục hành chính, cản trở quyền sở hữu tài sản của người dân, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách từ việc vi phạm Điều 18.1, Thông tư 76/2014/TT-BTC, lỗi hoàn toàn thuộc về ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP.HCM.
Do phải chờ ý kiến phê duyệt của… Thành ủy?
Ghi nhận của phóng viên cho thấy cũng thời điểm này vào hai năm trước (tháng 3-2013), Cục Thuế TP.HCM cho rằng hiện nay chỉ có TP.HCM là vướng tiền sử dụng đất vì quá cao. Còn các tỉnh thành khác vẫn “chạy” êm vì hệ số K thấp. Đơn cử như ở Hà Nội cũng chỉ 1,5 lần trong khi TP.HCM lại thu đến 4,5 lần. Vì vậy, khi ấy kiến nghị từ các ban ngành về hệ số K là 2 vẫn cao hơn Hà Nội. Nên giảm xuống còn 1-1,5 lần để khuyến khích người dân chuyển mục đích, hợp thức hóa nhà đất.
Tuy nhiên phải chờ đến… chiều ngày 16-5-2013, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị lần thứ 99 và chấp thuận chủ trương việc UBND TP.HCM điều chỉnh hệ số K để tính thu tiền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích ngoài hạn mức, thì mọi chuyện mới thông.
Trở lại với câu chuyện ách tắc “hệ số K” đang tái diễn. Phải chăng còn chờ ý kiến phê chuẩn của Thành ủy thì Chủ tịch UBND TP.HCM mới dám ký ban hành?
Theo dự thảo “Quyết định quy định về hệ số K” của TP.HCM năm 2015 do Sở Tài chính đề xuất, khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình và Phú Nhuận có hệ số K bằng 1,2 lần bảng giá đất (trước đây là 2 lần).
Khu vực 2 gồm các quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh và Tân Phú có hệ số K bằng 1,15 lần (trước đây là 1,5 lần). Khu vực 3 gồm các quận 2, 8, 9, 12, Bình Tân và Thủ Đức có hệ số K bằng 1,1 lần (trước đây là 1,5 lần).
Khu vực 4 gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn hệ số K bằng 1,05 lần (trước đây là 1,3 lần); riêng huyện Cần Giờ sẽ có ưu đãi hơn so với 4 huyện còn lại với hệ số K bằng 1 lần (trước đây là 1,1 lần). Đối với doanh nghiệp, khu vực 1 có hệ số K là 2 lần, khu vực 2 là 1,9 lần, khu vực 3 là 1,8 lần, khu vực 4 là 1,7 lần, riêng Cần Giờ là 1,6 lần.