Việc cấm chiếu phim “Bụi đời Chợ Lớn” và giam cầm hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình được nhắc đến trong một báo cáo của Liên Hiệp Quốc ngày 11/3 vừa qua như bằng chứng của việc cấm đoán và kiểm duyệt quyền hoạt động văn hóa ở Việt Nam.
Bà Farida Shaheed – Báo cáo viên Đặc biệt về các quyền văn hóa của Liên Hiệp Quốc. Ảnh: radiosarajevo.ba
Báo cáo trên được bà Farida Shaheed – Báo cáo viên Đặc biệt về các quyền văn hóa – trình bày trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sau chuyến công tác tại Việt Nam từ ngày 18 – 29/11/2013.
Cấm đoán và kiểm duyệt trên diện rộng
Trình bày trong báo cáo, bà Farida Shaheed ghi nhận ở Việt Nam hiện nay, không gian dành cho các hoạt động văn hóa – nghệ thuật đã mở rộng đáng kể so với hai, ba thập niên trước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại trong hàng loạt các quy định cấm và hệ thống kiểm duyệt khiến cho quyền tự do biểu đạt của những người làm nghệ thuật ở Việt Nam đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước.
Điều 11 Luật Điện ảnh năm 2006 liệt kê các hành vi bị cấm trong lĩnh vực này. Tuy ghi nhận một số lý do hạn chế là phù hợp với chuẩn mực quốc tế – như “tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược”, “gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước”, “kích động bạo lực” – Báo cáo viên Đặc biệt bày tỏ quan ngại khi việc cấm còn được áp dụng với hàng loạt những lý do khác, trong đó đáng lo ngại bao gồm “tuyên truyền chống lại Nhà nước”, “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, “truyền bá tư tưởng phản động”, “xuyên tạc sự thật lịch sử”, “phủ nhận thành tựu cách mạng”, “xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc”, “vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.
Báo cáo của bà Shaheed chỉ ra, việc đặt ra một vùng cấm rộng lớn như vậy nhưng lại không thiết lập một cơ chế nhằm đảm bảo tính cần thiết và mức độ vừa đủ của điều cấm theo như yêu cầu ở Điều 19 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) rất dễ dẫn đến nguy cơ xâm hại quyền tự do biểu đạt trong những trường hợp chính đáng.
Báo cáo cũng dẫn ra trường hợp phim “Bụi Đời Chợ Lớn” của đạo diễn Charlie Nguyễn bị cấm chiếu vĩnh viễn hồi tháng 6/2013 – một sự kiện đã gây tranh cãi khá nhiều trong dư luận. Giải thích cho quyết định “bức tử” đứa con tinh thần trị giá 16 tỷ đồng của nam đạo diễn người Mỹ gốc Việt, Hội đồng Thẩm định Phim Quốc gia (Bộ Văn hóa – Thể Thao – Du Lịch) dẫn lý do bộ phim không phản ánh đúng hiện thực xã hội bởi nhiều cảnh bạo lực diễn ra nhưng lại có quá ít sự hiện diện của chính quyền và công an. Tuy nhiên, bà Shaheed không tán đồng với quan điểm trên. Trong báo cáo, bà làm rõ sự khác biệt giữa hiện thực và một tác phẩm nghệ thuật thể hiện đời sống. Theo đó, một bộ phim điện ảnh vốn mang tính hư cấu không nhất thiết có nhiệm vụ phản ánh đúng thực tế xã hội. Báo cáo viên người Pakistan đồng thời nhấn mạnh việc sử dụng yếu tố hư cấu và sự tưởng tượng là không thể thiếu đối với quyền tự do sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật.
Phim “Bụi đời Chợ Lớn”, với diễn xuất của Johnny Trí Nguyễn, bị cho là “không phản ánh đúng hiện thực của xã hội Việt Nam. Ảnh: galaxycine.vn
Theo báo cáo của bà Shaheed, lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam cũng gặp những vấn đề ở khâu kiểm duyệt. Tuy đảm bảo sẽ không có sự can thiệp từ nhà nước trước khi tác phẩm được xuất bản tại khoản 2, điều 5 Luật Xuất bản 2012 là một điều đáng hoan nghênh, có một thực tế rằng các nhà xuất bản vẫn đang đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Cụ thể, cứ mỗi 3 – 6 tháng, các nhà xuất bản phải nộp danh sách những đầu sách chuẩn bị ấn hành kèm tóm tắt nội dung gửi đến Cục Xuất bản (Bộ Thông Tin – Truyền Thông). Cục Xuất bản có quyền yêu cầu kiểm tra toàn bộ bản thảo trong trường hợp cơ quan này liệt một đầu sách nào đó vào phạm vi bị cấm tại điều 10 Luật Xuất bản.
Tiếp xúc với Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về các quyền văn hóa, đại diện Nhà nước giải thích thủ tục nói trên chỉ có tính chất cung cấp thông tin chứ không nhằm mục đích kiểm duyệt. Phía Nhà nước khẳng định các nhà xuất bản, mà cụ thể là tổng biên tập, chịu trách nhiệm toàn bộ cho hoạt động xuất bản của mình.
Dẫu vậy, viết trong báo cáo bà Shaheed nhận xét: “Vị trí tổng biên tập của một nhà xuất bản phải là Đảng viên, do đó vẫn chịu sự chi phối từ chính quyền và không thể đưa ra những quyết định độc lập. Vì vậy việc giao quyền kiểm duyệt lại cho nhà xuất bản vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề”. Hơn nữa, báo cáo cũng chỉ ra các hành vi và nội dung bị cấm tại điều 10 Luật Xuất bản có phạm vi quá rộng nhưng lại thiếu cơ chế kiểm soát tương tự điều 11 của Luật Điện ảnh.
Không thể trông chờ vào tòa án
Nói đến vai trò của tòa án khi xảy ra tranh chấp trong lĩnh vực văn hóa giữa cơ quan công quyền và khối dân sự, báo cáo viên đến từ Pakistan nhận định: “Tư pháp Việt Nam hiện diện mờ nhạt trong nhiệm vụ đảm bảo thực thi các quyền văn hóa của nhà nước. Thật không may là cho đến nay, tòa án vẫn chưa giúp gì trong việc làm rõ những giới hạn trong các quy định cấm hãy còn quá rộng.”
Bà Shaheed cho biết trong bản báo cáo, trong thời gian lưu lại Việt Nam cho chuyến công tác, bà được biết đại đa số người dân không dám tìm đến chốn pháp đình để giải quyết tranh chấp với chính quyền, vì cho rằng tòa án ở nước mình không độc lập.
Một vụ việc được báo cáo dùng để minh chứng là trường hợp của luật sư Cù Huy Hà Vũ. Năm 2011, ông bị kết án 7 năm tù theo điều 88 Bộ luật Hình sự với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”. Tuy nhiên, theo bản báo cáo, nguyên cớ khiến ông Vũ phải nhận án là do trước đó ông đã đâm đơn khởi kiện một số quan chức chính phủ – trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – liên quan đến cáo buộc xâm hại quyền người dân tộc thiểu số, các tiêu cực trong dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tham nhũng trong đền bù đất đai, cũng như tình trạng phớt lờ quyền khiếu kiện tập thể của công dân. Trong khi đơn kiện của ông Vũ vẫn chưa được giải quyết thì vị luật sư này đã nhanh chóng ra tòa trong tư cách bị cáo và đi tù.
Bên cạnh đó, dựa trên thông tin nhận được trong chuyến công tác, bà Shaheed cũng chỉ ra ở Việt Nam, người dân không được toàn quyền chỉ định luật sư cho mình mà các luật sư phải được cơ quan tiến hành tố tụng cho phép thông qua việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong từng vụ việc.
Liên quan đến xu hướng hình sự hóa các hành vi của công dân, Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa của LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng một số văn nghệ sĩ người Việt bị theo dõi, sách nhiễu và cầm tù theo điều 88 Bộ luật Hình sự với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Hai trường hợp điển hình được báo cáo lưu ý là án tù 4 năm và 6 năm lần lượt dành cho hai nhạc sĩ Võ Minh Trí (Việt Khang) và Trần Vũ Anh Bình. Theo tin dẫn từ các báo, trước đó hai công dân này đã sáng tác và chia sẻ lên mạng một số bài hát bày tỏ suy nghĩ về hiện tình biển đảo và bức xúc trước các bất công xã hội.
Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình (trái) bị kết án 6 năm tù và 2 năm quản chế, nhạc sĩ Võ Minh Trí (phải) bị kết án 4 năm tù và 2 năm quản chế hồi tháng 10/2012 trong cùng một vụ án “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự .
Phủ nhận các bản án trên, bà Shaheed khẳng định: “Chiếu theo thông lệ quốc tế, lý do kết tội theo điều luật này không có cơ sở chính đáng để biện giải cho những hạn chế đối với tự do nghệ thuật”.
Phải bãi bỏ các điều luật không hợp chuẩn quốc tế
Trong phần kết luận, chuyên gia LHQ về các quyền văn hóa khuyến khích chính phủ Việt Nam tiếp tục các chương trình hỗ trợ hoạt động văn hóa – nghệ thuật, đặc biệt chú ý đến vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị cần sửa đổi các quy định hạn chế quyền tự do biểu đạt phù hợp với tiêu chuẩn theo điều 19 Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Cụ thể, cần sửa đổi điều 11 Luật Điện ảnh năm 2006, điều 10 Luật Xuất bản năm 2010, cũng như bãi bỏ các cơ chế tiền kiểm duyệt trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, đặc biệt đối với các tác phẩm điện ảnh và văn học.
Với điều 88 Bộ luật Hình sự hiện hành, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ kêu gọi Nhà nước Việt Nam xóa bỏ điều luật này, đồng thời trả tự do cho những người đã bị kết án với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước”, đặc biệt là các văn nghệ sĩ.
Trần Khắc Nguyên
(Luật Khoa)