Tuy vậy, câu chuyện vẫn rất sôi nổi, xoay quanh các vấn đề thời sự nóng bỏng, về công việc của Hội, trách nhiệm của một người cầm bút, trách nhiệm của một Hội viên đối với Hội. Vấn đề đa nguyên chính trị được nhấn mạnh.
Chi hội nhà báo Độc lập miền Bắc họp mặt đầu xuân. Ảnh: J.B Nguyễn Hữu Vinh |
Hoàng Văn Hùng và Nguyễn Hoàng Đức sau khi phát biểu xong còn viết ý kiến của mình ra giấy.
Chúng tôi xin giới thiệu hai ý kiến này.
Hội viên Hoàng Văn Hùng nêu ý kiến:
A- Chúng ta chống ai, chống cái gì?
1, Chống Chủ nghĩa Cộng Sản. Vì sao? Vì CNCS là một ảo tưởng đã lỗi thời, không có đất sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Áp dụng CNCS vào mô hình chính quyền chỉ có thể là sự áp đặt, phi lý, phản dân chủ
2, Chống sự độc tài của đảng CSVN. Vì sao? Chính vì độc tài là cội nguồn của THAM NHŨNG – BẠO NGƯỢC – TRÌ TRỆ – BẤT CÔNG
3, Chống các điều luật phi lý, phản dân chủ và nhân quyền
4, Chống bộ máy công an trị, vi phạm hiến pháp, chà đạp tự do ngôn luận bất chấp công ước quốc tế, chà đạp quyền con người
B- Chúng ta không nên kêu gọi lật đổ đảng CS hoặc chính quyền. Tại sao?
– Suy cho đến cùng, ý tưởng này là định kiến chủ nghĩa, hiếu chiến và phản dân chủ
– Tạo cớ cho chính quyền đàn áp chúng ta
– Một nền dân chủ trong tương lai không nên và không thể bắt đầu bằng biện pháp bạo động phản dân chủ
C- Chúng ta cổ vũ cho điều gì:
1- Tự do ngôn luận: đây là điều kiện tiên quyết của tự do báo chí . Không có tự do ngôn luận thì sẽ không có phản biện xã hội ; không có công khai sẽ không có công bằng. Xã hội càng sáng rõ thì càng ít kẻ dám làm bậy; càng tối tăm thì càng lắm chuyện ám muội, bẩn thỉu, đê tiện diễn ra.
2- Một môi trường chính trị đa nguyên, dựa trên một nền chính trị đa đảng. Tại sao? Vì chỉ có qua CẠNH TRANH công khai và công bằng, đảng cầm quyền mới thực sự trong sạch – vững mạnh. Thực tế đã chỉ rõ: không có kẻ độc tài hay đảng độc tài nào có thể “tự soi gương” mà tiến bộ được. Muốn độc tài thì phải chuyên chế; đã chuyên chế là tàn bạo; đã tàn bạo là bất công.
3 – Một nền pháp quyền minh bạch và tiên tiến dựa trên nguyên tắc phân lập 3 quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trọng tài thì không thể đá bóng, cầu thủ thì không thể tự ý làm luật
Ông Nguyễn Tường Thụy, phó chủ tịch IJAVN tham gia và ghi nhận ý kiến hội viên. |
D- Những điều góp ý với ban lãnh đạo Hội:
1, Phải có các cá nhân chuyên trách từng mặt: trả lời hội viên (bài vở, thắc mắc, ý tưởng….); biên tập và nâng cấp trang báo; liên lạc và thông tin hội viên;…
2, Rà soát lại danh sách hội viên, dứt khoát không để tình trạng hội viên chỉ trên danh nghĩa, hoặc không đủ tiêu chuẩn tối thiểu.
3, Hãy đưa ra thông điệp này ngay trên trang web: “Nếu chứng minh được năng lực viết của mình, bạn có thể lập tức trở thành hội viên Hội NBĐL bằng một lá đơn gửi qua e-mail. Nhưng xin nghĩ thật kỹ trước khi quyết định điều đó, bởi vì ngoài việc đứng cùng đội ngũ với chúng tôi – những người chiến đấu cho tự do dân chủ – bạn sẽ không có bất cứ quyền lợi nào khác.”.
4, Tăng sức hấp dẫn của trang VNTB bằng ít nhất 2 mặt còn thiếu sau: BÚT CHIẾN và TRÀO PHÚNG. Tôi kêu gọi mọi người trong Hội nêu ra ý tưởng của mình về vấn đề này.
Còn đây là ý kiến của nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức:
Tôi đến dự họp mặt đầu xuân tại nhà của Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tường Thụy. Tôi xin có 2 ý kiến chính để minh bạch thể hiện chính kiến của mình:
IJAVN ra đời nhằm cổ vũ, thúc đẩy tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam. Ảnh: JB. Nguyễn Hữu Vinh |
1.Về việc thành lập Hội NBĐL VN: Tôi không thích tham gia các loại hội đoàn, kể cả tôi là một người ngoan đạo, tôi cũng không tham gia vào một số hội đoàn của Nhà thờ. Nhưng khi Hội NBĐLVN ra đời, tôi không chần chừ mà tham gia ngay vì tôi nghĩ, nhà báo cần có Hội để được thể hiện ý kiến cá nhân trong chu vi xã hội. Nhưng tôi không đồng tình việc Hội NBĐLVN vừa ra đời đã vấp phải việc cơ cấu, cụ thể là tờ báo Việt Nam Thời Báo, việc sình lầy trong việc đăng bài vở .
2.Về độc đảng và đa đảng: Tôi đồng ý một nền chính trị tiến bộ cần có đa đảng cạnh tranh để tìm được đề cử viên dù thuộc bất cứ đảng nào. Phải có cạnh tranh mới tiến bộ. Tôi hoàn toàn nhất trí ủng hộ đa nguyên. Đa nguyên không có nghĩa bài xích Đảng CS mà cùng tồn tại cạnh tranh và lựa chọn. Tóm lại, tôi ủng hộ nền chính trị đa nguyên. Tôi ủng hội một Hội Nhà báo Độc lập làm cho mọi thành viên được thể hiện quyền tư tưởng và giúp dân tộc Việt Nam tiến bộ.