Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cướp biển Somalia

Truyện ngắn Trần Thế Kỷ

(VNTB) – Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo ở Somalia, một quốc gia vốn cũng rất nghèo ở Đông Phi. Tôi chưa bao giờ biết mặt mẹ tôi, dù là qua hình ảnh. Mẹ tôi chết sau khi đẻ ra tôi. Sau đó cha tôi đi lấy vợ khác, bỏ mặc tôi cho dì Lima là em ruột của mẹ. Dì chẳng chồng con gì. Theo lời dì, nhẽ ra tôi cũng có anh nhưng anh èo ọt bệnh tật luôn, đến 3 tuổi thì chết. Rồi mẹ mới mang thai tôi.

Tôi lớn lên trong cảnh thiếu ăn thiếu mặc, thiếu cả học hành. Cả làng không có đến một ngôi trường. May mà tôi được dì Lima dạy cho chút chữ nghĩa, thậm chí cả chút tiếng Anh vò vẽ không biết dì học được ở đâu. Đôi khi dì còn dạy tôi hát mấy khúc dân ca nữa. Nhờ thế tôi không tới nỗi mù chữ như nhiều đứa bạn trong làng.

Năm tôi 19 tuổi, theo lời rủ rê của mấy đứa bạn, tôi gia nhập một băng cướp biển. Lũ bạn này đứa nào cũng khấm khá, vàng đeo đầy người. Đồng hồ thì chơi toàn thứ đắt tiền của Thụy Sĩ, giá vài ngàn đô la một cái. Thực ra lúc đầu tôi rất sợ chuyện cướp cạn. Tôi luôn ghi nhớ lời dạy của ông ngoại. Thuở còn sống ông từng là một tộc trưởng. Ông dạy phải sống trong sạch, một đồng do mồ hôi mình làm ra quý hơn 100 đồng của đi ăn cướp. Nhưng cái nghèo đã khiến tôi sa ngã. Mục tiêu phấn đấu của gã thanh niên vừa bước vào đời như tôi là tiền. Phải kiếm thật nhiều tiền. Cho mình và cho người dì đáng thương cả đời chỉ sống trong túp lều lụp xụp và chưa hề biết một bữa ăn ngon.

Xét về mức độ tàn bạo, cướp biển Somalia nào kém cạnh gì bọn mafia nước ý.

Địa bàn hoạt động của cướp biển Somalia chủ yếu trong vịnh Aden nơi có nhiều tàu bè qua lại. Có nhiều băng nhóm. Những thành viên lớn tuổi trong băng giữ vai trò là bộ não chỉ huy. Họ có nhiệm vụ liên lạc, móc nối với thế giới bên ngoài. Người cầm đầu nhóm vũ trang gọi là tư lệnh, có trách nhiệm lên kế hoạch hành động. Y sẽ chọn mục tiêu tùy thuộc vào kiểu tàu và hàng hóa cũng như cảng xuất phát. Các thông tin này thường do tay trong cung cấp. Đôi khi nhóm chúng tôi cũng đánh lẻ mục tiêu nào đó, không cần chỉ thị của cấp trên. Chúng tôi chẳng muốn giết chết ai, chỉ yêu cầu chủ tàu trả tiền chuộc thì thả tàu, thả người thế thôi. Đổ máu là chuyện chẳng đặng đừng. Hải tặc Somalia không phải là hải tặc Caribe! Duy một lần chúng tôi giết người, đó là lần bắt một tàu buôn Trung Quốc. Khi chúng tôi xông lên tàu thì có mấy người trong thủy thủ đoàn cầm mã tấu muốn chống cự, buộc chúng tôi phải nổ súng giết ngay ba người. Đám còn lại sợ tái mặt, không dám ho he. Chủ tàu ở Thượng Hải sau đó phải nhanh chóng nộp 5 triệu đô la mới chuộc được tàu. Nhưng ngon nhất chính là lần tóm con tàu chở dầu mang cờ hiệu Panama. Lần ấy chủ tàu phải trả 20 triệu đô la mới lấy được tàu cùng mấy chục thuyền viên sau mấy tháng bị giam giữ.

Sau mỗi chuyến trót lọt, chúng tôi được chia khá bộn. Nhờ vậy sau mấy năm hành nghề, tôi đã có một số tiền đáng kể. Tôi bèn xây cho di Lima một căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên tôi không hề cho dì biết là mình đi ăn cướp. Những lần dì gặng hỏi, tôi chỉ bảo là mình đi buôn.

Song cuộc đời đâu phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Sau những vụ cướp biển liên tục xảy ra trong vịnh Aden, tàu bè qua lại nơi đây trở nên cảnh giác hơn. Công việc của chúng tôi càng thêm khó khăn sau khi hải quân một số nước quyết định dùng vũ lực để giải cứu con tin thay vì trả tiền chuộc. Bước đầu họ đã gặt hái thành công. Vụ gần đây nhất khiến chúng tôi rúng động là vụ biệt kích Hàn Quốc giết sạch một nhóm cướp biển Somalia sau mấy tháng đàm phán. Hóa ra đàm phán chỉ là cách họ kéo dài thời gian để chờ đối phương sơ hở là ra tay.

Về phần mình, dù kiếm được nhiều tiền, nhiều lúc tôi vẫn cảm thấy có điều không ổn. Chẳng lẽ tôi cứ mãi thế này. Lẽ nào tôi sinh ra để làm tên ăn cướp. Tôi mơ ước có một gia đình êm ấm bên người vợ biết yêu chồng. Những ả gái điếm chỉ yêu tiền của tôi chứ nào có yêu tôi. Tôi ngày càng thấy mình khó gần gũi với những người gọi là đồng chí. Nghĩ cho cùng chúng tôi chỉ là quân ăn cướp. Mà đã là ăn cướp thì có gì hay ho. Tôi thấm thía lời dạy của ông tôi: tiền bạc không là tất cả, chết có mang theo được đâu. Nếu sau này có con cái, chẳng lẽ tôi lại bảo: Này con, ráng ăn no chóng lớn để mai này đi ăn cướp như cha!

Thế rồi cái ngày định mệnh đã đến với tôi. Khi ấy tôi vừa tròn 24. Đó là một ngày sóng yên biển lặng, chúng tôi làm ăn lẻ bằng cách đột kích một tàu buôn nhỏ xuất phát từ một cảng của Somalia với thủy thủ đoàn gồm hơn 10 người. Tưởng gặp cướp thì họ phải sợ nhưng không ngờ chúng tôi vấp phải sự kháng cự quyết liệt. Họ giết ngay 2 người của chúng tôi và làm bị thương 3 người khác, nhưng nhờ hỏa lực mạnh hơn chúng tôi đã nhanh chóng chiếm được tàu sau khi hạ sát toàn bộ những người trên tàu. Toàn bộ ư? không phải vậy. Hóa ra vẫn còn sót một người. Thực thế, khi đưa con tàu gần về cứ điểm, chúng tôi phát hiện trốn dưới gầm giường của viên thuyền trưởng một cô gái mặt mày tái nhợt vì sợ hãi. Ôi trời, thật không thể ngờ,chính là Mila. Nàng là người yêu của tôi xưa kia. Ngày ấy hai chúng tôi yêu nhau tha thiết. Nhưng buồn thay cha mẹ nàng chê tôi nghèo bèn đem nàng gả cho một tộc trưởng để đổi lấy bốn con bò. Bằng tuổi cha nàng, ông ta có đến mười bà vợ và mấy chục đứa con mà đứa lớn nhất gấp rưỡi tuổi nàng. Lần đó tôi khóc suốt mấy đêm liền. Đó cũng là một lý do khiến tôi dấn thân vào nghề hải tặc. Vâng, để kiếm thật nhiều tiền, để giải thoát mình khỏi kiếp nghèo khó cơ hàn.

– Xin tha cho tôi! Mila van nài.

– Cô nàng kháu quá chúng mày ơi!

“Kền kền” trầm trồ. Chúng tôi thường gọi nhau bằng biệt hiệu. 35 tuổi, hắn là đứa lớn tuổi nhì trong băng, chỉ kém tư lệnh vài tuổi. Chúng tôi xem hắn như phó tư lệnh.

– Bọn mình “làm thịt” nó đi! “Cá kình” ôm lấy Mila, toan lột áo nàng.

– Bọn bay đừng làm bậy! Tôi hét lên.

– Mày là cái gì mà bày đặt dạy đời. Kền kền hất hàm, tay dư dứ nắm đấm.

– Anh Ali cứu em! Lúc này Mila cũng vừa nhận ra tôi bèn chạy tới phía tôi.

– Chúng mày mà đụng tới nàng thì đừng trách! Tôi dứt khẩu AK đã lên đạn vào mặt chúng.

– Mày có giỏi thì bắn đi! Kền kền thách thức còn mấy tên kia thì lăm le nhảy xổ vào tôi. Thế là tôi nổi điên bắn cả loạt đạn vào bọn đồng chí. Chúng thi nhau ngã lăn ra, đứa trúng đạn vào đầu, đứa vào bụng, vào vai… duy có “Cá kình” chỉ bị sướt nhẹ nhảy tòm xuống nước, bơi thật nhanh nên thoát chết. Sau đó tôi còn bồi thêm nhiều phát vào bọn kia làm chúng chết hẳn.

– Sao em lại ở đây?

Tôi xúc động hỏi Mila và được nàng cho biết gã tộc trưởng già sau khi chán chê đã bán nàng cho thuyền trưởng tàu này vốn là bạn của ông ta với giá 7 con bò. Mua 4 bán 7, vị chi ông ta lời được 3 con!

– Tội nghiệp cho em. Tôi ôm Mila vào lòng. Cũng vì dạo đó anh nghèo quá nên em mới ra nông nỗi này. Từ nay chúng mình sẽ không xa nhau nữa.

“Cá Kình” là tay bơi giỏi. Hắn thoát được về báo tin thì đời tôi coi như xong. Tôi bèn nhờ Mila phụ một tay ném tất cả xác chết xuống biển rồi tự mình lái tàu đến một nơi thật xa. Tôi hiểu rằng từ nay sẽ không bao giờ có ngày trở lại cố hương. Sau đó vài ngày tôi gọi điện nhờ người quen xem dì Lima có gặp chuyện gì không thì đau đớn thay, được biết người dì tôi hằng kính yêu đã bị sát hại và cả ngôi nhà tôi xây hôm nào cũng bị đặt mìn cho nổ tan tành.

Tôi khóc rống lên như đứa con khóc mẹ. Tôi khóc nhưng không hối hận việc mình đã làm. Âu số phận đã là như thế thì đành phải chấp nhận, chẳng nên trách trời gần trời xa.

Giờ đây tôi và Mila đang sống hạnh phúc bên nhau cùng hai đứa con xinh xắn ở một nơi xa, rất xa. Số tiền mấy trăm ngàn đô la lấy được trong tủ gã thuyền trưởng cũng đủ cho chúng tôi sống thoải mái. Chuyện bắt tàu đòi tiền chuộc với tôi đã thuộc về quá khứ. Các bạn đừng thắc mắc tôi đang ở đâu. Tôi sẽ không bao giờ tiết lộ vì chỉ cần bạn vô tình hé môi thì cái gia đình nhỏ bé của tôi chắc không ai toàn mạng.Xét về mức độ tàn bạo, cướp biển Somalia nào kém cạnh gì bọn mafia nước ý.

Các bạn chỉ nên biết là chúng tôi đang sống hạnh phúc. Thế thôi.

Tin bài liên quan:

VNTB – Truyện ngắn chủ nhật: Marco Polo

Phan Thanh Hung

VNTB – Ký sự cuối năm: Chuyện đàn, chuyện đời

Phan Thanh Hung

VNTB – Ngày nào con về

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.