Việt Nam Thời Báo

Đấu tranh Bất bạo động – Rường cột của Chế độ Độc tài

Bất kỳ chế độ độc tài nào cũng tìm cách củng cố quyền lực của họ bằng cách tạo dựng những cơ chế và các lực lượng vũ trang trung thành với họ để tận diệt những mầm mống đối kháng. Vì thế phong trào tranh đấu bất bạo động cần phải biết rõ về những rường cột của hệ thống quyền lực này nếu muốn vô hiệu hoá chúng.

Rường cột của chế độ thường có 9 nhân tố: công an mật vụ, quân đội, cán bộ công chức, báo chí, doanh thương, thanh niên, công nhân lao động, đoàn thể tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ.


Nếu những rường cột này còn vững thì không có lý do gì buộc chế độ độc tài phải cải cách. Trong cuộc tranh đấu bất bạo động, chúng ta có thể làm các rường cột này suy yếu bằng cách thuyết phục và thu phục nhân tâm.

1. Công an mật vụ

Dù trên danh nghĩa là để phục vụ dân chúng và duy trì trật tự, đây là lực lượng vũ trang và tình báo chính để bảo vệ chế độ. Một chế độ càng khắt khe và càng tham nhũng thì càng cần một lực lượng công an mật vụ hùng mạnh.

Trong một chế độ tham nhũng và tàn bạo, lực lượng công an mật vụ thường phản ánh bản chất của ‘ông chủ’ để nịnh bợ và biểu dương quyền lực – một hiện tượng có tên là ‘kiêu binh’.

Việc cải cách công an mật vụ thường chỉ khả thi sau khi thay đổi chế độ. Tuy nhiên trong lúc chế độ còn cầm quyền, giới tranh đấu cũng vẫn có thể ảnh hưởng đến hành vi của cá nhân công an mật vụ.

Nên nhớ rằng công an mật vụ và gia đình họ cũng là những thành viên của xã hội. Nếu phe tranh đấu thuyết phục được những người chung quanh họ đứng về phía lương tâm thì thế nào sự trung thành và tin tưởng vào chế độ của họ cũng lung lay.

Một khi công an mật vụ không còn trung thành với chế độ thì họ có vô số cách để ‘thoả hiệp riêng’ với người tranh đấu. Chính vì thế người tranh đấu không nên xem tất cả công an mật vụ là kẻ thù nếu họ chỉ thi hành lệnh trên mà không có hành động thù hằn cá nhân. Nên nhớ họ cũng là nạn nhân của một thể chế thất bại.

Khi cuộc tranh đấu thành công, một chính quyền cách mạng cần phải phân biệt ai là người có tội ác cần phải bị truy tố và không nên đày đoạ tất cả những ai từng là công an mật vụ.

2. Quân đội

Khác với công an mật vụ, lính tráng thường sinh hoạt biệt lập với thường dân và tuân thủ một quân kỷ khắc nghiệt. Họ sẳn sàng dùng vũ lực theo quân lệnh. Chính vì vậy mà quân đội được xem là đòn tối hậu của một chế độ độc tài.

Trong lịch sử, khi tình trạng bạo loạn lan tràn, các chế độ độc tài thường dùng sự thất bại của công an mật vụ như là một điểm mốc để huy động quân đội đàn áp dân chúng.

Giới tranh đấu cần phải vận động để thu phục nhân tâm của binh sĩ trước khi có chính biến. Quân nhân các cấp cần cảm thấy yên tâm là họ và gia đình họ sẽ an toàn và yên ấm trong một đất nước hậu độc tài.

Hành động của quân đội tuỳ thuộc vào thái độ, giá trị đạo đức và khả năng chuyên nghiệp của tầng lớp chỉ huy. Các chế độ độc tài thường nghĩ rằng tính chuyên nghiệp và trọng kỹ luật của quân đội thường khiến họ tuân lệnh chính phủ một cách không suy xét. ĐCSVN còn muốn chính trị hoá quân đội để binh sĩ trung thành với họ thay vì với tổ quốc.

Mục tiêu tranh đấu là làm sao để đưa những giá trị dân chủ vào trong văn hoá quân đội. Ta cần phải trấn an lãnh đạo quân đội rằng trong một thể chế dân chủ hậu-độc tài, khả năng quân sự chuyên môn của họ vẫn sẽ được trọng dụng và họ sẽ không bị truy tố nếu không phạm tội ác hay tham nhũng.

Các cuộc cách mạng ở Đông Âu thành công một phần lớn là nhờ quân đội không ‘can thiệp’ vào chuyện chính trị, và lãnh đạo quân đội tin rằng họ cần ‘lập công’ với chính quyền dân chủ mới.

3. Cán bộ công chức

Thành phần này thường bị giới tranh đấu khinh bỉ là công cụ mẫn cán của chế độ. Họ đúng là những bánh xe và con ốc của một guồng máy độc tài nhưng ta không thể xem họ là vô tri giác. Một cuộc đấu tranh bất bạo động cần phải thu phục thành phần này.

Kinh nghiệm cho thấy dù phải tuỳ thuộc vào chế độ để kiếm sống, một khi cán bộ công chức nhận thức được sự cần thiết của việc thay đổi thể chế và uy thế của phe tranh đấu, họ có rất nhiều cách để làm cho guồng máy suy yếu và đóng góp gián tiếp cho công cuộc cải cách.

4. Báo chí truyền thông

Truyền thông là nhịp cầu thông tin giữa phong trào tranh đấu và quần chúng. Trước khi có Internet, các chế độ độc tài từng hoàn toàn thao túng thông tin bằng cách kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông, kể cả máy đánh chữ và máy fax (như CSVN). Trong kỷ nguyên mạng xã hội, tuy không thể kiểm soát thông tin như trước, các chế độ độc tài vẫn dùng các thủ đoạn bưng bít như tường lửa và dùng một lực lượng ‘dư luận viên’ hùng hậu để xuyên tạc, gây chia rẻ hay phá rối các diễn đàn mạng.

Một hiện tượng vẫn kéo dài ở VN từ trước cho đến nay là CSVN dùng ban ‘tuyên huấn’ để ‘định hướng thông tin’, kiểm duyệt và trừng phạt những ai còn nằm trong tầm kiểm soát tư tưởng của chế độ. Hậu quả nguy hại của nó là thói ‘tự kiểm duyệt’ của những người làm truyền thông. Để khắc phục vấn đề này, phong trào tranh đấu cần tạo thêm cơ hội cho những bài viết về sự thật được đăng lên mạng và bảo mật danh tính của tác giả.

Một giải pháp nữa là chia sẻ thông tin về những cách vượt tường lửa cũng như những bài viết, video clip có giá trị.

5. Doanh thương

Trong một thể chế độc tài, doanh thương là thành phần được chế độ ưu đãi cho “đi cửa sau” nếu họ biết ‘chia chác’ với quan chức. Vấn đề này cũng thâm nhiễm đến doanh thương quốc tế vì có người xem việc hối lộ cho quan chức là cách giản tiện nhất để thắng hợp đồng hay để được cấp phép đầu tư – bất chấp luật lao động hay khế ước thương mãi. Đối với họ chỉ có lợi nhuận là quan trọng.

Với phong trào tranh đấu, thử thách là làm sao cho doanh gia hiểu được rằng trong trường kỳ, lợi nhuận bền vững của họ tuỳ thuộc vào một nền kinh tế mạnh, công bằng, trong sáng và được quản lý tốt – vốn chỉ hiện hữu trong một thể chế dân chủ trọng khả năng và khế ước.

Một khi doanh gia nhận thấy phong trào tranh đấu có cơ thắng thế, họ sẽ sẳn sàng ủng hộ bằng tài nguyên họ vốn có.

6. Thanh niên

Các chế độ độc tài thường xem thanh niên là đối tượng chính của chính sách ngu dân và mị dân của họ. Mục tiêu của chế độ là làm sao để thanh niên không quan tâm đến chính trị hay xem nó là chuyện nguy hiểm mà chỉ lo giải trí, kiếm thu nhập cao hay kiếm một chổ đứng vững vàng trong guồng máy độc tài. Họ được tuyên truyền để xem chuyện gia nhập đảng cầm quyền là một vinh dự.

Tuy nhiên, không phải tất cả thanh niên đều dễ bị lừa gạt, mua chuộc hay đe doạ. Bản chất của tuổi trẻ là tò mò, mạo hiểm và sẳn sàng thay đổi nhận thức nếu có thông tin đúng đắn. Họ cũng là thành phần giỏi về công nghệ thông tin và thích tiếp cận với những nguồn thông tin mà họ tin cậy – bất chấp sự cấm đoán của chế độ.

Những ai đứng ra lãnh đạo thanh niên tranh đấu cần phải biết cách thuyết phục họ về đường lối bất bạo động vì ‘máu nóng’ là bản chất của họ.

Các cuộc cách mạng trong lịch sử thành công phần lớn là nhờ sự dấn thân của giới trẻ. Nhà tù VN còn rất nhiều thanh niên yêu nước và khao khát tự do dân chủ – điều đó chứng tỏ CSVN rất sợ thanh niên khi họ không còn tin phục và sợ chế độ.

7. Công nhân/lao động

Đây là thành phần hay bị bóc lột khi chủ nhân thông đồng với quan tham để thủ lợi. Họ chịu nhiều thiệt thòi nhất nên dễ bất mãn với chế độ nhất.

Vì thường không có cơ hội học hành nhiều, họ thiếu nhận thức về quyền lợi lao động, tự do dân chủ, v.v… nhưng một khi họ được tổ chức đúng đắn thì họ sẽ rất hăng hái, đoàn kết và rất ‘cứng’. Nên nhớ Cách mạng lật đổ CS Ba Lan bắt nguồn từ thành phần thợ điện đình công ở xưởng đóng tàu Gdansk.

Lãnh vực giao thông vận tải là huyết mạch của nền kinh tế. Nếu công nhân ở đây đình công thì sẽ ảnh hưởng mạnh đến chính trị và kinh tế.

8. Đoàn thể tôn giáo

Trong lịch sử, các tổ chức tôn giáo hay đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc thay đổi thể chế vì lãnh đạo tôn giáo có thể tiếp cận tất cả mọi thành phần trong xã hội.

Các giáo hội thường được sự ủng hộ dồi dào của giáo dân về tinh thần và tiền của. Họ có tài nguyên để đấu tranh.

Tu sĩ thường là những người có học, có uy tín và ma lực nên được giáo dân kính trọng và nghe lời. Đó là điều làm cho lãnh đạo độc tài lo sợ. Chính vì vậy CSVN mới thành lập các giáo hội ‘quốc doanh’ để gây chia rẽ trong tôn giáo.

Các phong trào tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ phù hợp với nguyện vọng của các tổ chức tôn giáo nên dễ được họ ủng hộ. Đó là một thế lực tốt cho tranh đấu.

9. Các tổ chức phi chính phủ (NGO)

Các chế độ độc tài thường tìm cách kiểm soát và chi phối các NGO bằng cách cài cán bộ của họ vào các vị trí lãnh đạo – công khai hay bí mật.

Chế độ độc tài thường làm ngơ để những tổ chức từ thiện hoạt động vì nó làm nhẹ trách nhiệm cung cấp an sinh xã hội của chính phủ. Tuy nhiên chính quyền luôn tìm cách giới hạn ảnh hưởng và phạm vi hoạt động của NGO vì họ không muốn dân chúng bỏ thói lệ thuộc vào chính quyền.

Trong một cuộc tranh đấu kéo dài giữa phong trào dân chủ và chính quyền độc tài, NGO có thể thực hiện những công tác cứu trợ để cho dân bớt khổ.

Trong một thiên tai, hoạt động cứu trợ có hiệu quả của NGO sẽ cho dân chúng thấy sự vô dụng của chính quyền (như trường hợp Myanmar khi còn bị chính quyền quân phiệt cai trị).

Khi hợp tác với NGO, phong trào tranh đấu cần phải khẳng định đâu là mục đích chung và tránh những xung khắc có hại cho phong trào.

Lợi điểm chính khi hợp tác với NGO là khả năng tiếp cận với thành phần dân chúng thấp cổ bé miệng nhất.

Theo ON STRATEGIC NON-VIOLENT CONFLICT: THINKING ABOUT THE FUNDAMENTALS (Những Khái niệm Cơ bản và Chiến lược về Đấu tranh Bất bạo động)
Robert L. Helvey
The Albert Einstein Institution
Trần Hạnh phỏng dịch và tóm tắt

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo