Đúng 10 giờ sáng ngày 11-2-2015, tức 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo lên Trời dâng sớ tâu trình mọi sự ở Trần Gian, giữa khi Hà thành Trời lất phất mưa, thì tại ngôi nhà khiêm nhường của Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh bên bờ hồ Kim Liên Hà Nội, một không khí tưng bừng nhóm lên ấm cúng và náo nức: các nhân sĩ trí thức quen biết quyết định đến thăm vị Lão Tướng, mừng sớm tuổi bách niên của Cụ vào đúng năm Ất Mùi đã cận kề.
Chẳng có xe cộ đậu thành dãy dài nối đuôi trước cửa, người đến hầu hết bằng phương tiện xe ôm hay tự đi xe honda. Cũng không có những gói quà đặc biệt vẫn chạy đến nhà “các sếp” vào dịp tết nhất này – những gói quà mà ông sếp chẳng cần phải liếc mắt cũng ước tính được trọng lượng sẽ làm nặng đến chừng nào cái hầu bao của bà sếp.
Không, ngàn lần không. Một lễ mừng hoàn toàn thanh đạm, trong hơn chục người đến đây chỉ thấy cầm một bó hoa tươi, một, hai chai rượu vang, một giỏ mứt kẹo, và vài câu đối chữ Hán viết trên giấy đỏ đúng cung cách lễ Tết cổ truyền có từ hàng nghìn năm nay ở các gia đình Việt Nam (Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ – Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh). Ấy thế nhưng niềm vui lại tràn trề hơn mọi cánh cửa cao sang nào hết. Sau khi người con gái, nhà báo Nguyên Bình, vừa mở cổng, mọi người đã nhìn thấy ngay nụ cười thật rạng rỡ trên gương mặt chủ nhân đứng bên trong, nụ cười hồn hậu của một cụ già vừa từ bệnh viện trở về chưa quá hai tuần.
Khách cũng chẳng phải là nhiều, toàn những gương mặt quen: ông Trần Đức Nguyên, ông Nguyễn Khắc Mai, vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Kim Chi – Vũ Linh, TS Chu Hảo, GS Nguyễn Huệ Chi, GS Viện sĩ Hoàng Xuân Phú, Đại tá Nguyễn Đăng Quang, TS Nguyễn Xuân Diện, ThS Đào Tiến Thi, TS Đặng Thị Hảo, nhà hội họa Mai Dũng. Họ bước vào nhà đưa theo vào nhiều tiếng cười và những ngọn lửa vui lấp lánh trên mọi ánh mắt, làm cho gian phòng chật chội cũ kỹ bỗng như mới hẳn lên và rộng thêm ra – đúng là căn phòng tiếp khách của triết gia Hy Lạp Socrate.
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh pha ấm trà xanh Thái Nguyên mời khách
Sau mấy câu mở đầu của ông Chu Hảo về lý do có cuộc gặp mặt hôm nay, Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh chỉ tay ân cần mời khách ngồi, còn mình nhanh nhẹn ngồi xuống pha trà mời khách. Nhưng rõ thật là ai cũng phải nhường ai vì phòng chỉ vừa đủ bày 2 chiếc ghế, đối diện với một tràng kỷ loại nhỏ, và vài chiếc ghế đẩu, biết ai đứng ai ngồi? Thôi thì ngồi đứng xen nhau, chật một tí càng thêm ấm cúng.
Bó hoa tươi thắm của GS Hoàng Xuân Phú thì có chậm hơn, khi cuộc viếng thăm đã chuyển sang bữa tiệc ở 55 Nguyễn Du
Ông Nguyễn Khắc Mai đứng dậy, rút trong túi áo ra một tờ giấy hồng điều có viết một bài thơ chữ Hán bằng lối “thư pháp” nguệch ngoạc của chính ông – ông phân trần rằng chữ không đẹp vì viết vội, nhưng nội dung là một bài thơ thần tặng chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1620 – 1687) chép trong Đại Nam thực lục tiền biên – là một lời dặn bảo của thần nhân để lại cho muôn đời con cháu. Ông Mai vừa đọc chậm rãi từng chữ vừa giải thích về hàm lượng sâu thẳm của bài thơ cho tất cả cùng nghe:
Tiên kết nhân tâm thuận,
Hậu thi đức hóa chiêu.
Chi diệp kham tồi lạc,
Căn bản dã nan diêu [dao].
Nguyễn Huệ Chi dịch:
Trước, cố kết lòng người,
Sau, đức sáng tỏa ngời.
Lá cành dù rơi gãy,
Gốc rễ khó lay dời.
Cụ Vĩnh đọc lại bài thơ, thích thú trao đổi với ông Nguyễn Khắc Mai vài cảm nhận của mình
Tiếp đấy, TS Nguyễn Xuân Diện cũng trình bày những ý tưởng cô đọng gói trong 4 chữ Hán của bức hoành phi mà anh mang đến: 4 chữ ấy là XUẤT TƯỚNG NHẬP TƯỚNG. Điều mà người tặng muốn thể hiện là hai chữ “tướng” tuy đồng âm nhưng dị nghĩa, chữ đầu là tướng võ, chữ sau là tướng văn, muốn ca ngợi vị lão tướng văn võ song toàn nhưng ẩn đi, thay bằng việc miêu tả kinh lịch của Cụ: Khi xuất triều, tức là nhận một công tác ở một vị trí trọng yếu nào đấy, kể cả những ngày làm Đại sứ tại Bắc Kinh, thì con người này là Võ Tướng, phải vận dụng mưu lược từng giờ từng phút không lơi lỏng để đối phó với kẻ địch ranh ma luôn hiện diện với trăm mưu ngàn kế ở ngay trước mắt. Còn khi trở lại triều, và nhất là trở lại giữa lòng dân, thì Cụ lại là một Tướng Văn, một chính khách, một người “viết thư thảo hịch” không ngừng nghỉ để đưa kiến nghị của mình đại diện cho mong muốn của trăm họ, đến với các bậc tai mắt của chính quyền, nhưng chủ yếu là để người dân hiểu những kiến nghị vì dân vì nước này một cách thấm thía và truyền cho nhau rộng rãi hơn.
Nhân khi cuộc vui đang nồng, Đại tá Nguyễn Đăng Quang – một đảng viên – xin phép được bật mí, nói một vài điều Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh mới tâm sự với ông, cũng trong tư cách một đảng viên đàn anh. Ông cho biết Cụ Vĩnh là Ủy viên trung ương Đảng được bầu từ khóa III năm 1960; vai trò quyết định trong Đại hội ấy là Hồ Chủ tịch. Nay khóa đó còn lại 3 người thì hai người đã trở thành gần như tàn phế, chỉ duy nhất Cụ là còn minh mẫn. Ông cũng cho biết, Cụ Vĩnh được phong tướng vào năm 1959, sắc lệnh do Hồ Chủ tịch trực tiếp ký, và những người được Cụ Hồ trực tiếp phong tướng thuở đó thì nay duy nhất còn lại một mình Cụ Vĩnh. Những con số độc đắc, có một không hai. Ông Nguyễn Đăng Quang cũng nói thêm một nguyện vọng thầm kín lâu nay của Cụ, không ngại nói ra giữa ngày mừng thọ Cụ có thể bị coi là sái. Đó là: cả hai vợ chồng cụ Vĩnh là những người có tiêu chuẩn đến “trú ngụ” trong “ngôi nhà vĩnh hằng” ở Mai Dịch, và cụ bà đã ở trong đấy từ mấy năm nay rồi.
Nhưng nguyện vọng của Cụ Vĩnh lại khác. Dù Cụ bà có chờ đợi mỏi mắt thì Cụ Ông cũng quyết không vào Mai Dịch nếu như mai đây có mệnh hệ nào. Cụ sẽ đến với Đài Hóa thân hoàn vũ, và con gái Cụ và cháu ruột Cụ sẽ thành kính mang bình tro thiêng liêng đến đặt ở một địa điểm nào thật yên tĩnh, thanh sạch, là nơi Cụ dễ dàng gặp gỡ những bạn bè thân quen, đồng tâm đồng chí để ngày ngày cùng nhau trò chuyện về công cuộc dân chủ hóa đất nước, hoặc cùng nhau thoải mái chơi bài giải trí là món thể thao trí tuệ không thiếu được của Cụ. Và Cụ Bà chắc sớm muộn cũng tìm đến với nơi ở mới của Cụ Ông thôi. Người xưa vẫn bảo: “Bần cư trung thị vô nhân vấn – Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”, nhưng Cụ Bà và bạn bè thân hữu của Cụ thì khác, các Cụ đã quen nết từ xưa, nơi nào có “hơi đồng” thì không chịu được.
Mọi người lặng nghe, vô cùng cảm động và hoan hỉ trước những ý kiến lúc nào cũng giàu tư tưởng khai phóng, không chịu theo lối mòn, của một vị tướng già mà từ lâu ai cũng kính trọng. Nhưng nói chuyện “hậu sự” khi trước mắt mình là một người đang khỏe mạnh và minh mẫn là điều ai cũng cảm thấy có gì không đành lòng, nên dầu rất thích, vẫn không ai muốn đế thêm vào câu chuyện để phải kéo dài những gì mình không mong. Vì thế, Thạc sĩ Đào Tiến Thi đứng dậy. Anh phải xin phép giã từ vì nhà có việc đột xuất, nhưng trước khi chia tay anh đề nghị một điều theo anh là cấp bách. Phải làm sao tập hợp bài vở, các kiến nghị của Cụ lại, cử người biên tập chu đáo, để cho ra mắt sớm một tập văn bề thế nhan đề Văn tập Nguyễn Trọng Vĩnh, có thể bao gồm các kiến nghị, các bài viết và cả những hồi ký về cuộc đời vào sinh ra tử của Cụ mà con gái Cụ đã khởi sự trong một tập sách mỏng in vài năm trước đây nhưng nay phải bổ sung thêm…
Ý kiến của Đào Tiến Thi được ai nấy vỗ tay vang rân. Nhân câu chuyện đang vui, TS Nguyễn Xuân Diện xin hỏi Cụ hai điều: Một, cảm tưởng của Cụ trong ngày vui hôm nay thế nào? Cụ đáp không chút chần chừ:Hôm nay là một trong những ngày vui nhất của tôi, vì chưa một lúc nào bạn bè cùng chí hướng lại đến với tôi đông đủ đến thế, tôi rất cảm động. Hai: Cụ mong muốn gì trong năm mới Ất Mùi? Cụ không dè dặt nói ngay niềm tin và mong ước vẫn nung nấu từ lâu trong tâm can: Tôi mong và chúc cho năm Con Dê này đất nước ta sẽ có dân chủ và có nhân quyền – một mong mỏi mà hình như cũng là một niềm tin như đinh đóng cột bật ra từ đáy lòng cụ. Tiếng hoan hô nổi lên làm rộn cả gian nhà.
Thời gian trôi nhanh quá, mới đó mà đã hơn 11 giờ. Trước khi chuyển từ cuộc họp mặt đến một bữa tiệc ở 55 Nguyễn Du, do TS Chu Hảo chủ động thết đãi, để dánh dấu cuộc gặp gỡ khó quên, mọi người tranh thủ chụp chung một vài tấm ảnh toàn thể anh chị em với tướng quân Nguyễn Trọng Vĩnh và con gái Nguyên Bình.
Rồi sau 2 pô ảnh, người nào đi xe honda thì cứ thế trực chỉ 55 Nguyễn Du, số người còn lại gọi 2 xe taxi cùng nhau hành tiến trong cơn mưa đang dần dần ngớt hột. 20 phút không phải là dài, xe đã xịch đỗ trước mặt một nhà hàng kiểu Tây duyên dáng gần bên cạnh hồ Thiền Quang. Trừ anh Đào Tiến Thi ra, không một ai thiếu mặt. Lại có thêm một đại biểu của Trường đại học Phan Châu Trinh ra Hà Nội công tác, nghe tin cùng đến dự vui, đã chờ sẵn ở đây, bữa tiệc vì thế càng thêm vui. Chủ nhà hàng có nhã ý dành cho các vị khách già lão cả một tầng Ba ngôi nhà Tây rất cao, tuy phải leo từng bậc có hơi vất vả nhưng lên đến nơi là một bàn tiệc đặt giữa cả một tầng nhà, tha hồ vừa ăn uống vừa chuyện trò rôm rả.
Đặc biệt, TS Chu Hảo muốn dành cho thực khách một sự ngạc nhiên: chính tại nơi đây có món Cocktail không nơi nào có, mang cái tên rất giật gân du nhập từ Thái Lan sang Việt Nam – Cocktail B52. Mới nghe thốt giật mình, kỳ thực B là Bangkoc, 52 là năm 1952, món Coclktail sáng chế tại Bangkoc năm 1952. Rất ân cần, Chu Hảo giảng giải về món uống đặc biệt này: một ly tuy nhỏ nhưng có đến mấy tầng rượu và các loại nước khác nhau; ở trên cùng là cồn thực phẩm 90 độ, cho nên trước khi uống phải quẹt diêm lên đốt cho ngọn lửa xanh bốc cháy xanh lè trên cốc rượu, rồi khi lửa tắt thì mới đặt ống hút vào tận đáy cốc hút một hơi hết sạch, hút xong khách sẽ thấy cơ thể mình sảng khoái sau khi đã ăn một bữa ngon lành. Nhưng uống Cocktail lại phải cùng ăn với món chuối đốt kèm fromage thì mới thực là sành ăn.
TS Chu Hảo nói xong liền thân hành đến tận nơi mời cụ Nguyễn Trọng Vĩnh mở đầu “làm thị phạm”. Thì uống và ăn món chuối đốt chứ, từ chối sao được. Cụ không đứng dậy nhưng tay giơ lên nâng cốc, uống và ăn một cách rất tự nhiên, sành điệu, như đang sống lại cái tư cách một vị Đại sứ thuở nào. Thấy thế, mọi người cùng nâng ly uống và ăn tiếp liền theo. Quả thật là một món kết thúc vô cùng độc đáo.
Tiệc tan, Cụ được dìu xuống 3 tầng gác, lên chiếc xe taxi không biết từ đâu đã đậu sẵn. Mọi người cũng lần lượt chia tay.
(Theo Nguyễn Huệ Chi – Bauxite)