“Trị loạn tại thứ quan ; đắc nhân tắc tị, thất nhân tắc loạn“, nghĩa là : “Nước trị hay loạn cốt ở trăm quan ; được người thì nước trị, mất người thì nước loạn“. Đấy là câu trong bài Thiên hạ hưng vong trị loạn tri nguyên luận (天下興亡治亂之原論 / Bàn về nguồn gốc hưng vong, trị loạn của thiên hạ) mà nhà sư Nguyễn Nguyên Ức (阮元憶, 1080 – 1151) trả lời vua Lý Nhân Tông (李仁宗, 1066 – 1127) về việc trị hay loạn, hưng vong hay điêu tàn của quốc gia.
Nhìn lại “quan” thời nay, mấy người còn “đắc nhân” ? Nhìn để xem “trị” – “loạn” của nước nhà ? Trong xấu – tốt lộn sòng còn được mấy giá trị ? Gia tài hiện diện còn có ngần đấy thôi.
Ông Võ Văn Kiệt – vị Thủ tướng hàng đầu của Việt Nam kể từ sau 1975. Trong một nhiệm kỳ rưỡi ông làm Thủ tướng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, việc ngôn luận trở nên rộng rãi. Ông cũng là người đã chiêu tập được một đội ngũ trí thức làm cố vấn và phản biện cho mình. Khi về hưu ông có những phát ngôn nói thay hàng triệu con người : Ngày 30 tháng 4 “triệu người vui, triệu người buồn“, “Tổ quốc Việt Nam không của riêng người cộng sản“. Ông mất – nhiều trí thức, dân đen tiếc thương. Đến giờ vẫn còn ôn lại những câu chuyện về anh Sáu Dân.
Võ Nguyên Giáp : Tranh cãi về ông thì có nhiều nhưng đây có thể nói là danh tướng số một của Việt Nam thời sau 1945. Ông ta có hơn 30 năm cầm quân, đối đầu với một loạt tướng lĩnh Pháp và Mỹ – tức là những đệ tam, đệ nhất cường quốc. Quân lực dưới quyền ông đánh trận suốt ba mươi năm không hề biết run sợ, bại hàng trăm trận mất cả triệu người để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Là thống chế quân sự, danh tiếng lẫy lừng nhưng trung vận không được tốt lành, làm anh quản việc sinh đẻ có kế hoạch (tức là do dân đẻ như gà), chịu nhiều điều tiếng hàm oan mà vẫn một mực nhẫn nhịn, bình thản. Ông sống lâu đến nỗi mà những đối thủ – kẻ thù (xưa kia) – những đứa khốn nạn thì đều đã chết hết. Tướng Giáp có nói : “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó“. Không rõ hàm ý câu này ra sao nữa ?
Ngày ông chết, dân chúng thương xót, tiễn đưa đầy đường. Nhiều người buột miệng : “Người tử tế cuối cùng đã ra đi”, cũng lại không rõ là họ nói ý gì nữa. Họ thương cái sau trung vận đầy những nhẫn nhịn, họ thương vì ông là người tử tế, biểu tượng của một thời mà nhiều người cho rằng chính quyền còn liêm chính.
Hai nhân vật trên đều đã khuất núi, coi như buông tay sự đời. Duy có ông Nguyễn Bá Thanh, quan đương chức, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đương kim Trưởng ban Nội chính Trung ương, ốm bệnh được dân thương.
Ông Nguyễn Bá Thanh đã biến Đà Nẵng từ làng chài ven sông Hàn thành ra đô thị văn minh lịch sự và đáng sống nhất tại Việt Nam. Ông cũng là người hai vai gánh gồng lấy sứ mệnh tiễu trừ quan tham, cứu nguy chế độ, “không thể rút hoài, rút mãi mà không hết cái dây kinh nghiệm“. Việc chưa đâu vào đâu thì ngã bệnh, số mệnh chưa biết thế nào.
Nghe tin ông về Đà Nẵng, dân thành phố và dân các tỉnh ngoài bồng bế con em đi đón, ai cũng một điều bác Thanh, hai tiếng bác Thanh. Có lẽ ông Thanh là một quan chức đương quyền hiếm hoi của chính quyền hiện giờ có được nhiều thiện cảm và lòng yêu mến của dân như vậy.
Trong vòng mươi mười năm lăm, chế độ trước sau chỉ có ba con người được dân thương – hai thì đã về nơi chín suối, một người cũng cận cõi vĩnh hằng ; thêm một vài quan chức được người ta coi trọng. Giữa lúc lòng người tán loạn, văn minh đánh sòng với dã man, gia tài điểm đi điểm lại cũng chỉ có gần ấy mà “đắc nhân tắc tị, thất nhân tắc loạn“.
Bĩ chưa tận mà đồng nhân chưa đến, nhưng ngày gió lớn thổi bay nhà chắc chả còn bao xa ; chẳng ai vinh quang, vĩ đại mãi được ; đến lúc ấy chuột không còn, bình cũng tan. Thế còn dân ? Dân… vạn đại dân.
undefined