Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông Nguyễn Bá Thanh chính thức qua đời lúc 13g10 hôm nay

VNTB: Ông Nguyễn Bá Thanh cuối cùng cũng mất, khi còn vài ngày ngắn ngủi nữa là bước sang năm Ất Mùi.

Thời gian mất của ông cũng khiến báo giới trong nước nhốn nhào. Trong khi báo Thanh niên báo mất 12 giờ 12 phút, sau đó sửa lại 13h00, thì Người Lao Động báo mất 12h10 (theo nguồn từ bệnh viện), còn Tuổi Trẻ khẳng định là 13h10…

Nhưng điều quan trọng là, đến giờ phút này, báo chí nhà nước, ban chăm sóc sức khỏe T.Ư, các lãnh đạo ban ngành Đà Nẵng vẫn chưa cung cấp một hình ảnh “người con ưu tú Đà Nẵng” trong trạng thái khỏe mạnh như nhiều lần khẳng định trước đó: “Anh Thanh nhận biết được hết mọi người”, “Anh Thanh ăn hết cả một chén cháo”, hoặc gần đây nhất là “Anh Thanh đã đi lại được”.

“Anh Thanh khỏe lại” và giờ đây đã được đưa về nhà, vào trưa ngày mai sẽ tiến hành khâm liệm và sau đó được an táng tại quê nhà (xã Hòa Tiến – Hòa Vang – Đà Nẵng), theo lời xác nhận từ phía gia đình ông.

Một cái kết đầy bất ngờ đối với những ai nhỡ tin lời… quan chức!

Và lần đầu tiên, Ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nói thật cho báo giới biết: “ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đã qua đời lúc 12 giờ 12 phút ngày 13-2.”

Kết thúc lời đồn dai dẳng trong dân về bệnh tình của ông bấy lâu nay.

Lúc 12g35 hôm nay, 13-2-2015, xe của bệnh viện Đà Nẵng đã đưa ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính trung ương về nhà. Đến 13g05, ông Thanh vẫn đang được hô hấp bằng máy. Đến 13g10, ông đã trút hơi thở cuối cùng.

Kế hoạch tổ chức tang lễ cho ông Nguyễn Bá Thanh do gia đình chuẩn bị, dự kiến như sau:

– Vào lúc 9h30 sáng ngày 14/2/2015, gia đình sẽ làm lễ nhập quan và khâm liệm.

– Lễ viếng ông Nguyễn Bá Thanh được tổ chức từ lúc 14h30 ngày 14/2/2015.

– Vào lúc 11h00 ngày 18/2/2015 (ngày 30 tháng Chạp năm Giáp Ngọ) làm lễ động quan và đưa tang. Sau đó an táng tại nghĩa trang xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) – quê của ông.

Một thông tin khác, công ty DHC vừa chính thức thông báo hủy lễ khai mạc đường hoa tại đường Trần Hưng Đạo, TP. Đà Nẵng dự kiến tổ chức vào chiều ngày 14/2.

Trong khi đó, vào lúc 14h, khi hay tin ông Bá Thanh qua đời, nhiều người dân Đà Nẵng tập trung đến nhà ông trên đường Cách Mạng Tháng 8 để chia buồn cùng gia đình. Do chưa có thông tin chính thức về lễ tang nên mọi người không được vào nhà nên họ đứng ngoài tường rào nhìn vào.



              Xe bệnh viện đưa ông Bá Thanh về đến nhà – Ảnh TẤN VŨ

                      Đưa ông Nguyễn Bá Thanh về nhà – Ảnh ĐĂNG NAM

Bên trong nhà riêng của ông, người nhà đã sắp xếp lại các chậu cây cảnh để lấy mặt bằng. Rất nhiều cảnh sát đã đến giữ trật tự, ngăn cản người dân vào bên trong.

Bên ngoài đường CMT8, nhiều CSGT cũng có mặt để điều hành xe qua đoạn này. Hiện tại nhiều người dân vẫn đang tiếp tục đến nhà ông Nguyễn Bá Thanh.
 
Xe của bệnh viện đưa ông Nguyễn Bá Thanh về nhà – Ảnh HỮU KHÁ


Xe của bệnh viện dừng trước cửa nhà ông Bá Thanh – Ảnh: Tấn Vũ

Hàng trăm người dân Đà Nẵng đã đến trước nhà của ông Nguyễn Bá Thanh để chờ thông tin, chia buồn với gia đình ông. Cơ quan chức năng cũng cắt cử lực lượng bảo vệ trước cổng nhà.


                             Người thân đã chuẩn bị để đón ông – Ảnh: Tấn Vũ


                                   Đưa ông Thanh vào trong nhà – Ảnh: Tấn Vũ


           Ngoài cổng, nhiều người dân Đà Nẵng đã đứng chờ tin ông – Ảnh: Tấn Vũ


Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trước cổng nhà của Trưởng ban Nội chính Trung ương – Ảnh: Tấn Vũ


Nhiều người dân muốn vào hỏi thăm thông tin của ông – Ảnh: Tấn Vũ


An ninh được siết chặt trước cổng nhà ông Nguyễn Bá Thanh – Ảnh: Tấn Vũ


Nhiều người dân đứng ngoài cổng nhà ông Nguyễn Bá Thanh – Ảnh: Tấn Vũ


Hàng trăm người dân quan tâm đã đến trước cổng nhà ông Nguyễn Bá Thanh – ảnh: Tấn Vũ

Trước đó, vào chiều 12-2, thông tin từ ông Phạm Gia Khải, phó trưởng Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương thì ông Nguyễn Bá Thanh đã trở bệnh nặng và phải thở máy.

Ê kíp y, bác sĩ điều trị chuyên trách bệnh viện Đà Nẵng đã phải lọc máu cho ông.

Vào ngày 10-2, ông Nguyễn Bá Thanh đã phải lọc máu và sau lần lọc máu này, ông Thanh có phần tỉnh hơn.

Ông Thanh lâm bệnh nặng vào khoảng tháng 9-2014 và được đưa sang Mỹ điều trị. Tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của ông và gia đình, ông đã quay về quê hương để tiếp tục điều trị. Đêm 9-1-2015, chuyên cơ y tế đã đưa ông Nguyễn Bá Thanh từ Mỹ về bệnh viện Đà Nẵng. Ông được chẩn đoán mắc căn bệnh rối loạn sinh tủy.

Sau khoảng ba tuần được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Đà Nẵng, cuối tháng 1-2015, tình hình bệnh của ông đã khá hơn. Ngày 29-1, được biết ông Thanh đã có thể đi lại được, nói chuyện được, ăn được cháo…

Từ khi đưa về Việt Nam điều trị, ông Thanh trải qua 6 lần hội chẩn và được 29 lượt GS, PGS chuyên ngành vào khám bệnh.


Lễ tang ông Nguyễn Bá Thanh sẽ tổ chức theo cấp nào?


Theo Nghị định số 105/2012/NĐ-CP về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức, lễ tang ông Nguyễn Bá Thanh có thể sẽ được tổ chức theo nghi thức lễ tang cấp cao.

Ông Nguyễn Bá Thanh chính thức từ trần lúc 13h15 ngày 13/2/2015 tại nhà riêng. Lễ tang ông Nguyễn Bá Thanh có thể sẽ được tổ chức theo nghi thức lễ tang cấp cao.

Ông Nguyễn Bá Thanh


Nguyên văn quy định về lễ tang cấp cao theo Nghị định số 105/2012/NĐ-CP: LỄ TANG CẤP CAO

Điều 34. Chức danh được tổ chức Lễ tang cấp cao

1. Cán bộ, công chức đương chức, thôi giữ chức thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý (trừ các chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước); cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 (lão thành cách mạng) hoặc cán bộ hoạt động ở miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ (1954 – 1975) được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh – giải thưởng cá nhân) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh – giải thưởng cá nhân) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động đang công tác hoặc nghỉ hưu khi từ trần được tổ chức Lễ tang Cấp cao.

2. Đối với trường hợp người từ trần giữ một trong các chức danh quy định tại Khoản 1 Điều này mà bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức, Lễ tang tổ chức theo hình thức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 35. Đứng tên đưa tin buồn

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cơ quan đã hoặc đang trực tiếp quản lý người từ trần đứng tên đưa tin buồn đối với các chức danh là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

2. Đối với các chức danh còn lại, cơ quan đã hoặc đang trực tiếp quản lý người từ trần; cấp ủy, chính quyền địa phương quê hương hoặc nơi cư trú của người từ trần đứng tên đưa tin buồn.

3. Tin buồn đăng trên trang nhất báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân, báo Công an nhân dân, báo ngành và báo địa phương nơi quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin buồn.

Điều 36. Ban Tổ chức Lễ tang

1. Ban Tổ chức Lễ tang do lãnh đạo cơ quan chủ quản; chính quyền địa phương nơi người từ trần đã hoặc đang công tác quyết định thành lập, gồm từ 10 (mười) đến 15 (mười lăm) thành viên đại diện các đơn vị, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thuộc cơ quan chủ quản, địa phương.

2. Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang là một lãnh đạo cơ quan chủ quản hoặc cấp ủy, chính quyền địa phương.

Điều 37. Tổ chức Lễ tang và chuẩn bị lời điếu

Việc tổ chức Lễ tang và chuẩn bị lời điếu do cơ quan chủ quản hoặc cấp ủy, chính quyền địa phương nơi người từ trần đã hoặc đang công tác cùng gia đình thực hiện.

Điều 38. Nơi tổ chức Lễ tang

Lễ tang tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu tổ chức ở Hà Nội); Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh (nếu tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh). Nếu từ trần ở địa phương khác thì thực hiện theo quy định của địa phương.

Điều 39. Nơi an táng

1. An táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội (nếu từ trần ở Hà Nội), tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh (nếu từ trần ở Thành phố Hồ Chí Minh) đối với các trường hợp sau:

a) Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý;

b) Cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 (lão thành cách mạng) hoặc cán bộ hoạt động ở miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ (1954 – 1975) được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh – giải thưởng cá nhân) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên.

c) Các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh – giải thưởng cá nhân) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.

2. Đối với các chức danh còn lại an táng tại Nghĩa trang địa phương hoặc theo nguyện vọng của gia đình.

3. Trường hợp gia đình có nguyện vọng hỏa táng, điện táng hoặc an táng tại quê nhà, Ban Tổ chức Lễ tang có trách nhiệm tổ chức Lễ tang cấp cao theo quy định tại Nghị định này.

Điều 40. Trang trí lễ đài và túc trực bên linh cữu

1. Lễ đài trang trí phông nền đen, trên đó gắn ảnh người từ trần và dòng chữ trắng “Vô cùng thương tiếc…”.

2. Bàn thờ đặt trước và chính giữa phông, hai bên bàn thờ đặt cố định 02 vòng hoa của cơ quan chủ quản và gia đình, dưới lễ đài có lư hương.

3. Linh cữu đặt chính giữa lễ đài, đầu hướng về phía bàn thờ.

4. Bàn thờ nhỏ đặt phía dưới, có bát hương để Trưởng đoàn các đoàn đến viếng thắp hương.

5. Cán bộ lãnh đạo, chủ chốt của cơ quan chủ quản hoặc địa phương đứng phía bên phải phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài) khi có các đoàn lãnh đạo cao cấp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào viếng.

6. Gia đình đứng phía bên trái phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài).

Điều 41. Vòng hoa viếng

1. Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị 02 (hai) vòng hoa, có băng đen chữ trắng của cơ quan chủ quản và gia đình đặt cố định hai bên bàn thờ.

2. Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị 15 (mười lăm) vòng hoa luân chuyển; trong thông báo tin buồn có ghi: Các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen, kích thước 1,2 m x 0,2 m, với dòng chữ trắng “Kính viếng” dưới có dòng chữ nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân để gắn vào vòng hoa viếng do Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị.

Điều 42. Lễ viếng

1. Ban Tổ chức Lễ tang sắp xếp các đoàn vào viếng theo đội hình như sau: 02 (hai) chiến sĩ đưa vòng hoa đi đầu, tiếp theo là Trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn viếng đi theo hai hàng dọc.

2. Sau khi viếng, Trưởng đoàn ghi sổ tang.

3. Trong quá trình viếng, Quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ’.

Điều 43. Lễ truy điệu

1. Thành phần dự Lễ truy điệu gồm: Ban Tổ chức Lễ tang, đại diện các cơ quan, tổ chức nơi người từ trần đã hoặc đang công tác; địa phương quê hương hoặc nơi cư trú của người từ trần và gia đình, người thân.

2. Vị trí các đoàn dự Lễ truy điệu (theo hướng nhìn lên lễ đài):

a) Gia đình đứng phía bên trái phòng lễ tang;

b) Lãnh đạo cơ quan, địa phương đứng phía bên phải phòng lễ tang;

c) Các đoàn đại biểu khác đứng theo sắp xếp của Ban Tổ chức Lễ tang.

3. Chương trình Lễ truy điệu:
a) Đại điện Ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố Lễ truy điệu;

b) Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang đọc lời điếu, tuyên bố phút mặc niệm và kết thúc Lễ truy điệu;

c) Trong khi tiến hành Lễ truy điệu, Quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ”.

Điều 44. Lễ đưa tang và xe tang

1. Thành phần dự Lễ đưa tang như thành phần dự Lễ truy điệu.

2. Khi chuyển linh cữu lên xe tang và từ xe tang vào phần mộ, các thành viên Ban Tổ chức Lễ tang, các đoàn đại biểu và gia đình đi phía sau linh cữu.

Đội phục vụ của nhà tang lễ và cơ quan, địa phương nơi người từ trần làm nhiệm vụ di chuyển linh cữu, vòng hoa ra xe tang và từ xe tang vào phần mộ.

3. Xe tang do cơ quan chủ quản hoặc địa phương nơi người từ trần đã hoặc đang công tác chuẩn bị.

Điều 45. Lễ hạ huyệt

1. Sau khi linh cữu được di chuyển vào vị trí phần mộ, Trưởng ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố Lễ hạ huyệt.

2. Đội công tác làm nhiệm vụ hạ huyệt.

3. Ban Tổ chức Lễ tang, các đoàn đại biểu và gia đình bỏ nắm đất đầu tiên và đi quanh phần mộ để vĩnh biệt.

4. Đội công tác tiếp tục hoàn chỉnh phần mộ.

5. Trong khi tiến hành Lễ hạ huyệt, Quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ”.

Điều 46. Xây mộ và chi phí

1. Mộ xây bằng đá granite, có kích thước theo quy định hiện hành.

2. Chi phí xây mộ, hỏa táng, điện táng và phục vụ lễ tang lấy từ nguồn mai táng phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; phần kinh phí còn thiếu được ngân sách nhà nước cấp.
                                  (Tổng hợp nguồn Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Infonet, Người Lao Động)

Tin bài liên quan:

Lãnh đạo Tp HCM khen Việt kiều vụ HD 981

Phan Thanh Hung

Bắc Kinh ‘mắng’ Hà Nội chơi trò đu dây

Phan Thanh Hung

VNTB – Petrotimes với “phá hoại có tổ chức”: Chĩa mũi dùi vào Bí thư Phạm Quang Nghị?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo