Tuy vậy, chúng ta cũng nên thẳng thắn nhìn nhận đâu là giá trị thực của những sự công nhận và biết giật mình khi nước mình dẫn đầu các kỷ lục đáng quan ngại.
Mỗi khi báo chí đưa tin về một kỷ lục hoặc thành tựu mới đạt được của Việt Nam, lập tức dư luận lại dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi.
Khen: Đúng; chê: Nghi ngờ
Đầu tháng 2-2015, cộng đồng mạng bàn tán không dứt khi một tờ báo điện tử đưa tin tại buổi gặp gỡ báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu rằng an ninh trật tự ở Hà Nội không thua kém nước nào trên thế giới. Người thì bảo ông bí thư nói quá đúng vì ở thủ đô không để xảy ra vụ xả súng hay cướp ngân hàng; kẻ thì nói phát ngôn này hơi chủ quan.
Trước đó mấy ngày, nhiều người bày tỏ sự bất bình khi TP.HCM đứng thứ ba từ dưới lên trong bảng xếp hạng 50 TP an toàn nhất thế giới trên tạp chí The Economist (Anh). Được biết bảng xếp hạng này dựa trên các tiêu chí đánh giá về an ninh mạng, an ninh y tế, an toàn cơ sở hạ tầng và an toàn cá nhân. Kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên khi thời gian qua báo chí liên tục đưa tin về các vụ cướp giật táo tợn và liều lĩnh giữa ban ngày ở Sài Gòn. Trong dòng tranh luận về vụ này trên mạng xã hội, có một ý kiến đáng lưu ý: “Phải chăng người Việt mình thích khen, ghét chê nên báo nước ngoài nói tốt thì thấy đúng, còn khi họ đề cập những điểm hạn chế thì nghi ngờ, phản bác?”.
Tỉnh táo và ý thức công dân
Có thể thấy điểm yếu của người Việt mỗi khi tranh luận là hăng say “ném đá” đối phương để bảo vệ quan điểm của mình và giành phần thắng. Thay vì tôn trọng những ý kiến trái chiều và tuân thủ quy tắc tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề, một số bạn trẻ sẵn sàng công kích cá nhân hoặc đánh lạc hướng, bêu riếu đời tư của đối thủ, tận dụng hiệu ứng đám đông để đè bẹp tiếng nói của người khác.
Trở lại chuyện tranh luận về niềm tự hào dân tộc qua các vụ “Việt Nam xếp thứ 5 thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về nạo phá thai”; “Việt Nam có tỉ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới”; Nội Bài và Tân Sơn Nhất lọt tốp “sân bay tệ nhất châu Á 2014”; Tokyo (Nhật) có thêm nhiều tấm biển cảnh báo nạn ăn cắp bằng tiếng Việt… gây ồn ào thời gian qua, đáng tiếc là người viết chưa ghi nhận được ý kiến kêu gọi mọi người tỉnh táo thừa nhận thực trạng và bằng nỗ lực cá nhân để góp phần cải thiện tình hình. Tất nhiên, khi đọc tin về những sự việc nêu trên, ai trong chúng ta cũng tự ái dồn dập vì niềm tự hào dân tộc bị xúc phạm. Nhưng nếu biết nhìn thẳng vào sự thật, vào những yếu kém, nỗi tủi nhục và sự đói nghèo của người dân Việt trong hiện tại, chúng ta có thể tác động vào ý thức công dân, hình thành những phong trào như “chung tay làm điều hay” để người Việt có thể ngẩng cao đầu khi ra nước ngoài.
Cách đây không lâu, lên tiếng về chủ đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Niềm tự hào dân tộc là khái niệm gắn liền với trách nhiệm công dân. Bạn muốn tự hào là người Việt Nam thì bạn phải đóng góp gì cho niềm tự hào ấy. Khi xảy ra những sự kiện chạm đến lòng tự hào dân tộc, mọi người cần hết sức bình tĩnh, không nên nhìn cái gì cũng xấu cả hoặc kết luận theo hướng bi quan là không còn hy vọng vào điều gì tốt đẹp”.