Tối 22/1, trao đổi với báo chí sau phiên họp tổ liên ngành (KH&ĐT, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, nếu giá xuống 40 USD/thùng, chúng ta có thể phải giảm khai thác 1,8 đến 2 triệu tấn dầu. Mức hụt thu ngân sách năm nay theo các kịch bản ước 40.000-70.000 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, giá dầu giảm xuống dưới 40USD/thùng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng có thể cho biết đánh giá của tổ điều hành về diễn biến của xăng dầu thế giới hiện nay đối với kinh tế Việt Nam?
Khi Chính phủ xây dựng kịch bản thu chi ngân sách để trình Quốc hội thông qua ngân sách năm 2015, dự kiến trong dự toán xuất khẩu dầu thô ở mức 100 USD/thùng. Đến hôm nay, giá dầu thế giới giảm ở mức dưới 60 USD/thùng, thậm chí có thời điểm xuống dưới 50 USD/thùng. Tổ công tác đã xây dựng 3 kịch bản dựa trên phân tích của các tổ chức kinh tế thế giới. Kịch bản thứ nhất, giá dầu xuống 60 USD/thùng. Kịch bản 2, giá xuống 50 USD/thùng và kịch bản xấu nhất là 40 USD/thùng.
Với kịch bản 1, việc khai thác dầu của chúng ta có giảm nhưng không đáng kể. Chúng ta sẽ xem xét tiết giảm khai thác ở những lô có chi phí khai thác cao. Khi giá xuống 50 USD/thùng, việc giảm khai thác sẽ nhiều hơn. Khi giá xuống 40 USD/thùng, thậm chí có thể phải giảm khai thác 1,8 đến 2 triệu tấn dầu. Nếu giá dầu bình quân năm ở mức 60 USD/thùng thì không gây xáo trộn nhiều đến sản xuất và tiêu thụ dầu của Việt Nam. Sợ nhất phương án giá xuống dưới 40 USD/thùng vì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và thu hút đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Vậy các mức giá dầu trên sẽ ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng kinh tế, thưa ông?
Hiện EVN đang đưa ra ba kịch bản tăng giá điện với mức độ cao thấp khác nhau. Thủ tướng cũng chỉ đạo trước mắt từ nay đến Tết Nguyên đán chưa bàn đến tăng giá điện.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Việt Nam là nước vừa xuất vừa nhập sản phẩm xăng dầu nên giá dầu thấp sẽ tác động hai chiều đến nền kinh tế. Ở chiều thứ nhất, nếu giá xuống dưới 60 USD, tăng trưởng kinh tế giảm so với dự kiến 0,21%. Nếu chúng ta giảm khai thác dầu xuống 14,4 triệu tấn, tăng trưởng cũng giảm 0,56%. Nếu giảm mạnh khai thác theo kịch bản xấu nhất (chỉ khai thác và xuất khẩu 13,08 triệu tấn), tăng trưởng có thể giảm tới 1%.
Ở chiều ngược lại, giá dầu 60 USD/thùng sẽ thúc đẩy nền sản xuất tăng 0,27%. Ở kịch bản 2, nếu giá dầu giảm còn 50 USD/thùng sẽ giúp kinh tế tăng thêm tới 0,31%. Còn ở mức 40 USD/thùng sẽ giúp kinh tế tăng trưởng thêm 0,43%.
Hiện giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan và cao hơn Singapore và Malaysia (hai nước có trợ giá về xăng dầu). Tổ điều hành cũng kiến nghị cân nhắc mức giảm giá xăng dầu so với các nước trong khu vực. Không để tình trạng Việt Nam thành điểm cung cấp xăng dầu giá rẻ cho các nước bên cạnh.
Vậy với các kịch bản trên, việc thu ngân sách sẽ thế nào?
Theo tính toán, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng, chúng ta mất gần 1.000 tỷ đồng. Nếu giá dầu xuống 40 USD – 60 USD/thùng, chúng ta giảm nguồn thu từ 40.000 tới gần 70.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng tính toán ra kết quả tương tự. Giá dầu giảm có ảnh hưởng thu ngân sách nhưng không quá lớn. Điều hành làm sao phải để mọi thứ giảm đồng bộ. Phải thúc đẩy sản xuất bù lại hụt thu của giá dầu. Tôi cho đó là cái được rất lớn, khi đó chúng ta sẽ dần tạo ra nền kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ hơn và chi tiêu dần dần tiết kiệm tăng lên.
Câu chuyện giá điện tăng khiến dư luận rất quan tâm gần đây. Tổ điều hành có bàn vấn đề này?
Đây là vấn đề được bàn từ lâu. Hiện giá điện Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Có thể nói, yêu cầu tính toán sao cho giá điện đảm bảo giá thành và có lợi nhuận là yêu cầu cần thiết cũng như yêu cầu giá điện phải tiếp cận với giá thị trường. Việc này sẽ khuyến khích đầu tư nguồn điện. Nếu để giá điện thấp quá, việc sử dụng sẽ rất lãng phí. Người ta cũng tính rồi, có đắt mới tiết kiệm. Điều quan trọng, giá thành điện được tính chính xác và minh bạch. Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu ngành điện phải xem xét hai yếu tố: xem lại tỷ lệ tổn thất điện năng và nâng cao năng suất lao động. Như vậy, giá điện sẽ hợp lý hơn. Từ đó, trên cơ sở công khai các chi phí giá thành điện, chúng ta mới có cơ sở cho ngành điện nâng giá lên để đảm bảo có lãi ở mức hợp lý để có nguồn vốn đầu tư, thu hút được vốn.
Hiện EVN đang đưa ra ba kịch bản tăng giá điện với mức độ cao thấp khác nhau. Thủ tướng cũng chỉ đạo trước mắt từ nay đến Tết Nguyên đán chưa bàn đến tăng giá điện. Việc lựa chọn phương án nào, bao giờ sẽ điều chỉnh sẽ quyết định sau, căn cứ theo các yếu tố đầu vào của ngành điện cũng như các yếu tố chung của nền kinh tế, cũng như tác động của giá xăng dầu thế giới.
Cảm ơn ông.
(Theo Phạm Tuyên – Tiền Phong)
—
* Tựa đề do VNTB đặt