Việt Nam Thời Báo

Làm sao nhận ra ăn xin “chân chính”?

Diệu Hà

Khi đưa ra chủ trương này, thành phố có thật sự nắm được lý do vì sao người ta lại phải đi ăn xin để có cách giải quyết từ “gốc”, chứ không phải từ “ngọn” như hiện tại.

LTS: Câu chuyện TP.HCM đưa giải pháp xử lý câu chuyện người lang thang, cơ nhỡ, trong đó có chủ trương “không cho tiền người ăn xin” đã gây ra những tranh luận trái chiều. Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của tác giả Diệu Hà để bạn đọc tranh luận.

Theo chủ trương của UBND TP.HCM từ ngày 28/12/2014 sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội, để lập lại kỷ cương, trật tự cho thành phố thêm sạch đẹp. Không có ăn xin, liệu có phải là một giấc mơ hay đây là phép thử  ứng xử xã hội công dân?

Thực hiện được trong bao lâu?

Ở khía cạnh văn minh đô thị và cũng là một trong những cách ứng xử nhân đạo, nhân văn với những số phận có hoàn cảnh bần cùng khó khăn với đạo nghĩa truyền thống, thì đây là một chủ trương đúng, cần được nhân rộng không chỉ riêng với TP.HCM mà còn là ở các tỉnh thành khác trong cả nước.

Nhưng có thể thực hiện chủ trương này trong bao lâu, tính khả thi có bền vững?

Ăn xin, không quốc gia nào không có, ngay cả với những quốc gia giàu có bậc nhất thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Nga… Nhưng cách ăn xin của họ đa phần là rất có văn hóa và khách đến quốc gia của họ cảm thấy chấp nhận được, thậm chí đôi khi thú vị với cách xin của họ mà vui vẻ móc túi cho tiền.

thành phố, Paris, ăn xin, giấc mơ, Đức, Nhật, Nga

Ở các quốc gia đó họ có rất nhiều tổ chức phi chính phủ, hay tổ chức xã hội công dân thiện nguyện, nấu các bữa ăn hoặc tạo những chỗ ngủ cho những người vô gia cư và cũng có những điều luật cấm không phải bất cứ chỗ nào cũng có thể đến đó ăn xin, không tuân thủ là bị bắt như người vi phạm luật và phải thi hành án phạt theo quy định.

Nhưng chưa thấy có thành phố nào hay quốc gia nào đưa ra chủ trương dẹp ăn xin như ở TP.HCM bởi với họ, đó là một công việc bất khả thi. Họ chỉ có thể làm sao giảm người ăn xin bằng những chương trình phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội, dân sinh thiết thực, và kêu gọi các tổ chức thiện nguyện chung tay cùng chính phủ để giảm thiểu tối đa các số phận khốn khổ đó (mà phần lớn là người thất nghiệp hay vô gia cư).

Ở VN, việc có ăn xin ở những nơi công cộng đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Người ăn xin ở VN đa phần bê tha bệ rạc trong những hình hài thương tật, bẩn thỉu, rách rưới. Hay chèo kéo, níu chân tay khách để xin tiền một cách trắng trợn. Hoặc ngồi lê lết suốt dọc các con đường vào những nơi danh lam thắng cảnh, di tích, lễ hội…

Chỉ là một thành phần trong xã hội nhưng không được thừa nhận chính thức, ở một mức độ nào đó, ăn xin ở VN đã biến thành một “nghề” kinh doanh “tình thương” của những ông bà chủ, lợi dụng những số phận khốn khổ, thậm chí còn táng tận lương tâm, mất nhân tính, xâm hại thân thể trẻ em, người già, người khuyết tật để trục lợi…

Và việc có một ngày đi trong thành phố không còn một người ăn xin, có lẽ là một giấc mơ không tưởng không chỉ với người VN mà ngay cả với các quốc gia giàu có. Chưa kể, ở một số quốc gia, ăn xin đôi khi lại là một nét chấm phá thú vị mang tính văn hóa để thu hút khách du lịch.

Ví dụ những người ăn xin ở đồi Montmartre- Paris, hay ở các quảng trường các thành phố lớn ở châu Âu, Mỹ, Nhật…, họ tự tạo mình thành những bức tượng, hay là nhạc công thổi kèn, kéo violon, thậm chí chơi phong cầm trong tàu điện ngầm, và để cái nón- mũ phía trước, ai muốn cho tiền thì bỏ vào đó…

Thiếu cơ sở và bất khả thi

Chủ trương của TP.HCM xem ra rất đẹp, và đúng, để đưa những người ăn xin vào các trung tâm hỗ trợ xã hội, dẹp nạn ăn xin đường phố. Nhưng liệu có khả thi, có căn bản và bền vững khi bản thân những người thi hành chủ trương này không nắm được đâu là ăn xin “tự do”. Và đâu là ăn xin có “nghiệp đoàn”, có “chăn dắt” của một ông bà chủ nào đó để có thể áp dụng các biện pháp mang tính chế tài luật pháp?

Khi đưa ra chủ trương này, t/p có thật sự nắm được lý do vì sao người ta lại phải đi ăn xin để có cách giải quyết từ “gốc”, chứ không phải từ “ngọn” như hiện tại.

Câu hỏi đặt ra, đã có thống kê nào về số lượng người ăn xin ở thành phố HCM, gồm người ăn xin lâu năm- định cư ở thành phố và người ăn xin trôi nổi ở các vùng miền khác theo kiểu thời vụ?

Và khi chưa có thống kê số lượng, độ tuổi, sức khỏe, gia cảnh… người ăn xin thì làm sao có thể chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ, nhân sự quản lý có chuyên môn, gồm các nhà xã hội học, tâm lý học, đội ngũ y bác sĩ, các giáo viên dạy nghề, dạy chữ…  để tập trung họ vào những trung tâm hỗ trợ xã hội.

Khi dồn họ vào một nơi mà cơ sở vật chất chưa chuẩn bị đầy đủ, nhân sự quản lý chưa thật sự chắc chắn, sẽ nảy sinh ra rất nhiều vấn đề phức tạp khác, nhất là những người ăn xin quen sống tự do, nay phải gò ép trong môi trường chật hẹp, quy củ… Liệu có quản nổi họ không?

“Không cho tiền người ăn xin”, slogan này đứng về lý thì rất đúng, và ai cũng thế thì ăn xin chẳng có cách gì mà tồn tại, phải đổi nghề hoặc vào các trung tâm hỗ trợ xã hội tìm cách sống, sinh tồn. Nhưng người VN ta vốn rất trọng tình thương, có khi biết rõ ràng ăn xin có “chủ”, nhưng vẫn nghĩ, nếu không cho họ, họ không có đủ số tiền nộp cho “chủ”, thì sẽ bị “chủ” hành hạ, bỏ đói, còn thảm thương hơn…

Mỗi khi thấy người ăn xin co ro lúc đêm mưa hay đứa trẻ như bị phơi khô giữa trưa nằng ở ngã tư đường, biết nhiều khi tiền mình cho chưa chắc họ sẽ được hưởng nhưng nếu không cho thì thấy cắn rứt lương tâm.

Và cho tiền ăn xin (chẳng biết là giả hay thật) thì vẫn xem như đó là việc thiện trong ngày, việc thiện hiện thực ngay lập tức, chứ nói mang tiền hay vật dụng đóng góp chỗ nọ chỗ kia thì lại ngại, hay thấy mất thời gian.

Quan trọng nhất, để giảm hay dẹp người ăn xin, không phải dùng chủ trương tập trung mà có thể thực thi, thì đây lại thuộc vấn đề lớn của quốc gia, đòi hỏi một giải pháp tổng thể đồng bộ. Không chỉ phát triển các trung tâm cứu trợ XH, nhà nước cần tạo điều kiện có việc làm cho những người ăn xin còn khả năng lao động. Khi kinh tế phát triển, số người thất nghiệp thấp, phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống cho người dân được nâng cao…, thì ăn xin sẽ không còn là vấn đề nan giải như hiện tại.

     Diệu Hà

(Tuần Việt Nam)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo