Việt Nam Thời Báo

Vụ “chính ngạch hóa” đồng nhân dân tệ ở VN: Ngờ nghệch vậy sao?

Nguyễn Cao

 

(VNTB) –Phải chăng hai tổ chức nói trên của Trung Quốc lâu nay làm ăn với Việt Nam nhưng lại “cố tình quên” tìm hiểu luật chuyên ngành của Việt Nam?
Ngờ nghệch vậy sao?
Công bằng mà nói, thoạt nhìn thì việc Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) có đề nghị đưa đồng Nhân dân tệ vào thanh toán “chính ngạch” tại Việt Nam, xuất phát lâu nay việc xuất nhập mậu biên giữa Việt Nam – Trung Quốc phần lớn là “không chính ngạch”.
Mủ cao su của Việt Nam sở dĩ trồi sụt giá khi xuất sang Trung Quốc cũng vì lý do này.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về vấn đề này, đã dùng từ: Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có thể mở rộng phạm vi sử dụng Nhân dân tệ tại Việt Nam hơn ở mức độ hợp lý, đồng ý cho ICBC thực hiện hợp tác về nghiệp vụ Nhân dân tệ với Ngân hàng thương mại Việt Nam (như BIDV) hiện đang thực hiện nghiệp vụ Nhân dân tệ (CNY).
Như vậy, bước đầu có thể thấy rằng đề nghị này từ hai tổ chức thuộc Trung Quốc, nếu gác qua các yếu tố nghi kỵ về “16 vàng – 4 tốt”, thì có thể thấy rằng tên gọi đúng nhất ở đây là câu chuyện của tham vọng quốc tế hóa dần đồng Nhân dân tệ.
Không có bất kỳ liên quan gì đến lý do như đã nêu của ICBC và Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc.
Nhập gia sao không tùy tục?
Vấn đề ở đây là phải chăng hai tổ chức nói trên của Trung Quốc lâu nay làm ăn với Việt Nam nhưng lại “cố tình quên” tìm hiểu luật chuyên ngành của Việt Nam?
Ngày 07 tháng 6 năm 2004, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam – Phùng Khắc Kế đã ký ban hành “Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN về Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Văn bản hiện vẫn còn hiệu lực.
Quyết định này được ban hành dựa trên hàng loạt văn bản: Luật NHNN Việt Nam; Hiệp định về mua bán hàng hoá ở vùng biên giới ký ngày 19-10-1998 giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa; Hiệp định thanh toán và hợp tác ký ngày 16-10-2003 giữa NHNN Việt Nam và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc; Quyết định số 252/2003/QĐ-TTg ngày 24-11-2003 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý buôn bán hàng hoá qua biên giới với các nước có chung biên giới; Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 290/VPCP-KTTH ngày 16-01-2003 của Văn Phòng Chính phủ về việc thu tiền của nước có chung biên giới.
Theo đó, NHNN khuyến khích thương nhân hai nước thực hiện thanh toán xuất nhập khẩu qua biên giới Việt – Trung qua ngân hàng (NH) theo các hình thức sau:
a. Thanh toán thông qua các NH được phép của hai nước bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, theo thông lệ quốc tế (bao gồm các NH đặt trụ sở ở trong hoặc ngoài tỉnh có biên giới giáp Trung Quốc); b. Thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc VND thông qua tài khoản của thương nhân Trung Quốc mở tại các NH được phép ở Việt Nam; c. Thanh toán bằng VND và CNY thông qua các NH được phép có thực hiện thanh toán xuất nhập khẩu qua biên giới Việt-Trung bằng VND và CNY; d. Thanh toán theo phương thức hàng đổi hàng (phần chênh lệch được thanh toán qua NH).
Việc thanh toán bằng tiền mặt (ngoại tệ tự do chuyển đổi, CNY hoặc VND) thực hiện theo hướng dẫn riêng của NHNN.
Đồng tiền thanh toán trong xuất nhập khẩu qua biên giới Việt – Trung là ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc VND hoặc CNY. Thương nhân hai nước được lựa chọn đồng tiền thanh toán phù hợp với các quy định trong Quy chế này và các quy định khác của pháp luật.
Việc mở và sử dụng tài khoản, như sau:
1. Thương nhân Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới Việt – Trung hoặc được NHNN cấp giấy phép bán hàng và cung ứng dịch vụ thu CNY tiền mặt được mở tài khoản CNY tại các NH được phép của Việt Nam có thực hiện thanh toán xuất nhập khẩu qua biên giới Việt – Trung bằng VND và CNY theo các quy định sau: a) Hồ sơ, thủ tục mở tài khoản thực hiện theo hướng dẫn của NH nơi mở tài khoản phù hợp với quy định hiện hành; b) Tài khoản CNY được sử dụng như sau: Phần thu: – Thu từ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ; – Thu nộp CNY tiền mặt từ bán hàng và cung ứng dịch vụ thu CNY theo quy định; – Thu từ mua CNY tại các NH được phép; – Các khoản thu khác được pháp luật cho phép.
Phần chi: Chi thanh toán nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; Chi bán CNY cho NH hoặc bàn đổi CNY; Rút tiền mặt để chi lương, thưởng, phụ cấp cho người nước ngoài làm việc cho tổ chức hoặc chi cho cá nhân được cử đi công tác, học tập ở nước ngoài và chi cho các mục đích được pháp luật cho phép.
2. Thương nhân Trung Quốc có hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới Việt – Trung được mở tài khoản VND tại các NH được phép của Việt Nam có thực hiện thanh toán xuất nhập khẩu qua biên giới Việt – Trung bằng VND và CNY.
Tài khoản VND được sử dụng như sau: Phần thu: Thu từ bán hàng hóa và dịch vụ; Thu từ bán CNY hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi cho NH; Các khoản thu khác được pháp luật Việt Nam cho phép.
Phần chi: Chi thanh toán hàng hóa và dịch vụ; Chi mua CNY để chuyển về nước; Chi rút tiền mặt để chi tiêu tại Việt Nam.

Như vậy, việc giao thương bằng đồng Nhân dân tệ hoàn toàn không vướng bất kỳ trở ngại nào. Những kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc có lẽ không nằm ngoài tham vọng trong năm 2015, cùng với USD và EUR, Nhân dân tệ sẽ là 1 trong 3 đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong thương mại toàn cầu, với khoảng 30% kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc được thanh toán bằng đồng tiền này.

Tin bài liên quan:

(VNTB)-Ai chỉ đạo Petrotimes vu khống Hội Nhà báo độc lập Việt Nam?

Phan Thanh Hung

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Nợ xấu, giữ ghế và sắp ghế

Phan Thanh Hung

Dấu hiệu vi phạm Điều 258 ở Bộ Luật Hình sự của “Dư luận viên”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo