Việt Nam Thời Báo

Tại sao Tập Cận Bình chống tham nhũng?

Ngô Nhân Dụng

http://xmedia.seatimes.com.vn/2014/08/09/tap_can_binh_bat_ho_lam_moi_san_rong_310_32_15_000000.jpg
Tập Cận Bình muốn chứng tỏ cho dân Trung Hoa thấy ông ta quyết tâm chống tham nhũng và dám áp dụng luật pháp đối với những người quyền thế nhất. Nhưng đằng sau chiến dịch chống tham nhũng này còn những lý do và động cơ nào khác?
Trong tuần qua Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) chính thức bị trục xuất ra khỏi Đảng Cộng Sản Trung Quốc và bị truy tố vì tham nhũng. Chu Vĩnh Khang từng nắm trong tay hai thứ, quyền và tiền. Ông ta đứng đầu tất cả ngành an ninh và chi phối tất cả các công ty dầu lửa lớn, nhỏ. Chu kiểm soát cảnh sát công an, tòa án, các trại cải tạo (nhà tù) và hệ thống mật vụ; ngân sách về an ninh cao hơn cả ngân sách quốc phòng và lớn bằng tổng sản lượng nội địa của Việt Nam. Vợ chồng Chu Vĩnh Khang, các con, con dâu, em ruột đã bị quản thúc để điều tra từ tháng Bảy năm nay. Tài sản của gia đình này bị tịch thâu lên tới 90 tỷ quốc gia nguyên, tương đương 14 tỷ rưỡi Mỹ kim. Hơn 20 người cấp bộ trưởng và thứ trưởng đã bị điều tra vì dính tới Chu Vĩnh Khang, một nửa số đó nằm trong “băng đảng dầu lửa.”
Tập Cận Bình (Xi Jinping) đưa một người từng ngồi trong Thường Vụ Bộ Chính Trị ra tòa là xóa bỏ một quy luật bất thành văn vẫn được áp dụng từ thời Đặng Tiểu Bình. Kể từ khi bốn cận thần của Mao Trạch Đông (Tứ Nhân Bang) ra trước vành móng ngựa năm 1976, đây là người đầu tiên ở cấp cao nhất trong Đảng Cộng Sản chính thức bị truy tố.
Chiến dịch chống tham nhũng đang gây những hậu quả bất lợi trước mắt cho hoạt động kinh tế. Tạp chí Tài Kinh (Caixin) cho biết hai phần ba các quan chức và giám đốc các xí nghiệp quốc doanh đã ngưng không dám đưa ra những quyết định quan trọng vì lo không biết có thể sẽ bị tố là tham nũng hay không. Con số lên tới 20 triệu quan chức không muốn làm gì nữa. Những dự án tốn tiền nào có thể trì hoãn được là họ trì hoãn. Sinh hoạt kinh tế có thể bị ngưng trệ. Tại sao vẫn tiếp tục chống tham nhũng một cách rầm rộ như vậy?
Tập Cận Bình từng nói công khai rằng tham nhũng sẽ làm chế độ Cộng Sản sụp đổ nếu không bị diệt trừ. Nhưng đằng sau chiến dịch “bắt cọp” rầm rộ này ai cũng thấy một động cơ của họ Tập là củng cố quyền hành cho chính mình. Những người bị điều tra, bị bắt và truy tố đều nằm trong phe đảng từng được Giang Trạch Dân bảo trợ. Họ Giang đã rời chức chủ tịch từ hơn 10 năm nhưng vẫn đóng vai “thái thượng hoàng” suốt thời gian Hồ Cẩm Đào giữ chức đó. Tập Cận Bình đang chấm dứt các di sản của triều đại Giang Trạch Dân. Để củng cố uy quyền riêng.
Nhưng còn một nguyên nhân sâu xa hơn khiến họ Tập đẩy mạnh một chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn và mạnh mẽ. Đó là mối lo chế độ Cộng Sản sẽ tan rã nếu tình trạng hiện nay không thay đổi. Giới lãnh đạo Cộng Sản không sợ dân Trung Hoa trong lục địa vùng lên; chuyện này còn quá xa. Họ lo nhất là chính guồng máy thống trị của đảng thối nát, rạn nứt, và phơi bày trước mắt hơn một tỷ người dân. Công việc “cần làm ngay” là cứu lấy đảng, trong lúc chính các đảng viên từ cao xuống thấp đang mất tin tưởng.
Chế độ Cộng Sản ở đâu cũng vậy, là một hệ thống hàng dọc từ trên xuống dưới. Mỗi cấp chỉ huy chọn người dưới quyền, từ trung ương xuống tỉnh, xuống quận huyện, xuống xã, rồi xuống thôn ấp. Cấp dưới chịu trạch nhiệm với cấp trên, và được cấp trên thăng thưởng hay bị trừng phạt. Hệ thống nhà nước “Lê nin nít” này vẫn chạy đều từ thời Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, cũng được nhập vào áp dụng ở nước Việt Nam.
Tập Cận Bình không phải là người đầu tiên nhìn thấy hệ thống Lê nin nít này không chạy như trước nữa; nhưng ông ta có ý thức là không thể để yên cho tình trạng này kéo dài được. Chính quyền các cấp dưới có những cách không làm theo chỉ thị của trung ương. Đây không phải chỉ là một vấn đề chính trị, mà mặt kinh tế còn đáng lo hơn nữa.
Trong một nền kinh tế thị trường thực sự, mọi quyết định sản xuất, tiêu thụ, cho vay hay đi vay, vân vân, đều do các cá thể phụ trách, với động cơ là lợi nhuận. Nhà nước chỉ đóng vai trọng tài với những quyết định hỗ trợ trên toàn thể, gọi là vĩ mô, qua hai khí cụ là chính sách tiền tệ và chính sách chi tiêu trong lãnh vực công. Đối với một nền kinh tế vẫn còn theo những quy luật, thói quen, tập tục của chế độ chỉ huy tập trung, thì các quyết định vĩ mô không đủ. Guồng máy nhà nước còn chỉ huy trực tiếp nhiều đơn vị sản xuất, tiếp thị, tín dụng; và các giám đốc xí nghiệp hay ngân hàng nhận chỉ thị từ nhà nước. Nếu guồng máy đó không chạy, thì cả nền kinh tế sẽ gặp khó khăn.
Tập Cận Bình đã chứng kiến tình trạng các cấp bên dưới nhận được các quy tắc, các chỉ thị từ trung ương rồi giả bộ nghe lệnh nhưng không thi hành. Họ còn cấu kết với nhau để qua mặt cấp trên. Tất cả các hoạt động “bất tuân” đó không cần phải dính đến tham nhũng, lấy của công làm của riêng, cũng làm cho guồng máy bị tê liệt.
Trước năm 2010 chẳng hạn, Trung Quốc đã xây dựng nhiều quá, số nhà cửa, nhà máy, đường sá, vân vân, cứ tăng lên dù không cần, không được sử dụng hết. Cần phải giảm tốc độ ngành xây dựng. Chính phủ Bắc Kinh ra chỉ thị đóng cửa bớt các nhà máy sản xuất thép; chỉ thị nói rõ những nhà máy với khả năng sản xuất dưới 30 tấn phải đóng cửa, để giảm bớt số thép sẽ ra lò. Sau khi chỉ thị được ban ra, đến cuối năm mới thấy hậu quả đi ngược hẳn với mục tiêu của nhà nước.
Thứ nhất, các tỉnh đem gộp hai hoặc ba công ty với nhà máy thép dưới 30 tấn lại, để thành một công ty mới với sản lượng cao hơn 30 tấn. Thứ hai, những nhà máy đang sản xuất gần tới 30 tấn đều được cho vay thêm tiền để mở ra cho lớn hơn. Mà ai cũng biết, những món tiền do ngân hàng của nhà nước cho công ty của nhà nước vay thì không ai lo chuyện có ngày trả nợ. Thế là sau mấy năm nhìn lại, thấy số thép sản xuất trong toàn thể nước Tàu đã tăng từ 700 triệu tấn năm 2010 thành hơn một tỷ tấn vào năm 2013. Kết quả ngược lai với tất cả các ước muốn và chỉ thị của nhà nước trung ương!
Trong nền kinh tế thị trường đích thực, các nhà máy thép không bán được hàng sẽ tự đóng cửa để khỏi mất tiền, dù lớn hay nhỏ, không cần cơ quan nào ở trên ra lệnh. Những nhà máy còn sống sót là những nơi người ta làm việc hữu hiệu nhất, cắt giảm chi phí và giảm cả giá bán, người tiêu thụ cũng được lợi. Người ta đã biết rằng chế độ Nga Xô Viết sụp đổ cũng vì trung ương không thúc đẩy được guồng máy sản xuất trong toàn thể nền kinh tế. Đặt chỉ tiêu sản suất đinh là bao nhiêu tấn, thì nhà máy làm toàn đinh thật to, số lượng nhỏ. Đổi chỉ tiêu bắt làm số lượng đinh cao, thì nhà máy cho ra toàn những đinh loại nhỏ, cho được nhiều. Khoai, bắp của nông trường chất đầy bên đường xe lửa, nhưng không có xe chuyên chở. Cả hệ thống trở thành những sợi dây thừng nối với nhau, mà không ai có thể đẩy được những dây thừng! Trung Cộng hiện nay đã đổi mới, nhưng vẫn chưa thị trường hóa hoàn toàn. Các sợ dây thừng vẫn không làm sao đẩy được. Đó quả là một điều quan ngại.
Một triệu chứng khác Tập Cận Bình đang chứng kiến là nạn “nhân viên ma.” Một cuộc điều tra cho biết riêng trong chính quyền tỉnh Hà Bắc (Hebei) có tới 55,000 nhân viên có tên trong sổ lương mà không thấy đi làm. Nước Trung Hoa có 34 tỉnh và thành phố, suy ra có tất cả một triệu nhân viên ma. Giới lãnh đạo Bắc Kinh lo nhất là tình trạng tham nhũng sẽ làm cho quân đội mất khả năng chiến đấu. Gần đây Tướng Cốc Tuấn San (Gu Junshan) bị bắt vì đã bán đất của quân đội và bán việc thăng cấp bậc. Theo tin Reuters, một đại tá muốn lên tướng phải nộp 30 triệu đồng nguyên (gần 5 triệu Mỹ kim).
Tham nhũng chỉ là một trong nhiều triệu chứng của căn bệnh lớn đe dọa sự sống còn của Đảng Cộng Sản. Chính hệ thống cầm quyền Lê nin nít đã chứa sẵn những thứ vi trùng có ngày làm cho cả guồng máy tê liệt và tan rã.
Hệ thống Lê nin nít khác với cách cai trị trong một nước dân chủ tự do ở chỗ nó không có một cơ chế phản hồi tự giám sát và tự điều chỉnh thường xuyên (routine feedback mechanisms). Cho nên càng lâu ngày guồng máy càng sơ cứng, thối nát, không còn đáp ứng với những mệnh lệnh từ trung ương nữa. Điều này đã được Leon Trotsky báo trước từ năm 1939, trong một bài đả kích Stalin. Trotsky viết, “Khi một chế độ chính trị và xã hội tới gian đoạn gây ra những mâu thuẫn không thể giải được…thì phương pháp đàn áp cũng có thể kéo dài chế độ một thời gian, nhưng trên đường dài thì chính guồng máy để trấn áp dân cũng bắt đầu rạn nứt và sụp đổ.” Trotsky viết câu này nhân vụ Stalin trừng trị hai giám đốc mật vụ Yagoda và Yeshov. Hơn một năm sau, Tháng Tám năm 1940 Trotsky bị một thủ hạ của Stalin giết bằng chiếc búa đập vào đầu trong khi ông đang ngồi viết, ở thành phố Mexico.
Khi chế độ đi tới giai đoạn sơ cứng và thối nát, những người lãnh đạo Cộng Sản không có phương cách nào khác ngoài đường lối cũ, là mở một chiến dịch chính trị rộng lớn trên toàn quốc. Tập Cận Bình đã phát động việc chống tham nhũng rộng lớn để trì hoãn tình trạng đảng Cộng Sản tan rã từ bên trong, giống như đã xẩy ra tại Liên Xô. Trong chiến dịch này, Tập Cận Bình sẽ tìm cách giảm bớt quyền hành của các địa phương, đặt tay chân vào các địa vị quan trọng. Tập Cận Bình đang đưa 200 “quan chức tiến bộ” về trung ương và các tỉnh giữ các chức vụ trọng yếu, họ đều từ tỉnh Triết Giang, căn cứ địa của ông ta.
Nhưng Tập Cận Bình cần nhớ lời khuyên về chống tham nhũng của Trần Vân (Chen Yun), một quốc lão thời Đặng Tiểu Bình. Trần Vân nhận xét, “Chống tham nhũng ít quá thì hại nước. Chống tham nhũng nhiều quá thì hại đảng.” Muốn thoát khỏi thế lưỡng nan này, chỉ còn một đường thoát, là dân chủ hóa.
Chế độ dân chủ tự do nuôi sẵn một cơ chế phản hồi (feedback). Nhà nước không cần “mở chiến dịch phê bình” mà công việc phê bình được thể hiện tự nhiên và thường xuyên qua một quốc hội độc lập, qua các cơ sở truyền thông tự do. Thí dụ như cuộc bàn cãi về bản báo cáo CIA tra tấn đang diễn ra ở Mỹ. Cơ chế phản hồi này là khí cụ tốt nhất để kiềm chế các quan chức không cho lạm quyền, nhờ đó mà xã hội cũng như chế độ chính trị được ổn định và phát triển. 
Ngô Nhân Dụng

(Người Việt)

Tin bài liên quan:

Khi giễu cợt, khi pha trò bông lơn, Putin lờ đi những câu hỏi…

Phan Thanh Hung

TQ công bố “bản đồ sa ngã” của các quan chức

Phan Thanh Hung

Cuba lại đàn áp đối lập, Mỹ lại tỏ ý quan ngại

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo