Nguyễn Cao
(VNTB) – Tình tiết khá bất ngờ, khi một cán bộ điều tra đột tử trong phòng làm việc, cơ quan có trách nhiệm tiến hành xem xét nguyên nhân cán bộ này tử vong thì phát hiện có 49 bút lục tài liệu liên quan đến vụ án Hàn Đức Long nhưng đã không được đưa vào hồ sơ vụ án (!).
Luật sư Nguyễn Am, Chủ nhiệm đoàn Luật Sư Bắc Giang – bào chữa cho bị cáo Hàn Đức Long tại phiên tòa sơ thẩm, và luật sư Phạm Cương (Công ty Luật T.H), đặt câu hỏi tại sao Hội đồng xét xử lại không làm rõ những bút lục này vì sao lại không đưa vào hồ sơ?
Liệu đó có phải là những bút lục có lợi cho bị cáo nên bị… “cố tình bỏ quên”?
Các tài liệu cho thấy trước thời điểm bị bà Khuyến tố cáo bị hiếp dâm, gia đình nạn nhân và gia đình Hàn Đức Long đã xảy ra mâu thuẫn đánh nhau vì tranh chấp đất đai. Hàn Đức Long đã đánh gây thương tích cho con trai của bà Khuyến và vợ của anh này, Hàn Đức Long đã phải bồi thường cho gia đình bị hại 1,6 triệu đồng. Người con dâu bị đánh chính là người đã viết đơn cho mẹ chồng và chị chồng tố cáo bị hiếp dâm.
Tại phiên tòa, khi luật sư chất vấn về sự việc này thì đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Bắc Giang cho rằng vụ đánh nhau là một sự việc độc lập đã được chính quyền giải quyết, nên thấy rằng không cần phải đưa vào hồ sơ. Trước cách trả lời của đại diện VKS, không chỉ riêng luật sư mà dư luận đặt ra nghi vấn về tính trung thực của nội dung đơn tố cáo của hai mẹ con bà Khuyến. Động cơ tố cáo có thể xuất phát từ mâu thuẫn gia đình, thù hằn cá nhân. Nhưng nghi vấn này trải qua các phiên toà vẫn không có lời giải thích thoả đáng!?
Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam, luật sư Lê Xuân Thảo (đang tham gia trợ giúp cho bị cáo Hàn Đức Long và gia đình), phân tích:
Thứ nhất, hồ sơ kết luận điều tra mô tả khi bị cáo bế cháu bé ra cánh đồng nhưng tài liệu điều tra không làm rõ cháu Y. bị bất tỉnh ở thời điểm nào, vì lý do gì mà chỉ nêu rằng “lúc này cháu Y. bất tỉnh”. Và trong một đoạn mô tả hành vi phạm tội đã cho thấy một loạt điểm bất hợp lý, không phù hợp với logic khách quan chứng tỏ nhiều khả năng tội phạm được thực hiện với tư thế, diễn biến, cách thức khác, có thể ở một địa điểm khác chứ không giống như thực nghiệm hiện trường và qua cách hình dung của cán bộ điều tra.
Thứ hai, hồ sơ vụ án mô tả: Sau khi thực hiện hành vi hiếp dâm tại bờ mương bê tông, bị cáo đã bế cháu bé tới một đoạn mương nước có bờ đất, đặt cháu bé ngồi trên bờ rồi đẩy cháu ngã xuống nước, bị cáo quay đầu bỏ chạy về nhà…
Kiểm tra mương nước cho thấy: Lòng mương rộng 1,6m, có nhiều cỏ và khoai nước, sâu 35cm, từ mặt nước lên bờ mương 40cm. Hai bên bờ mương bằng đất rộng trung bình 1,2m. Trong khi đó, cháu bé 5 tuổi có chiều cao 1,07m trong thể chết đuối với mực nước 35cm. Khám nghiệm tử thi thấy trong phế quản nạn nhân có dị vật lẫn bùn đất, chứng tỏ trước khi chết, cháu đã hít thở rất mạnh có thể do bị dìm cho chết ngạt.
Theo kết luận điều tra và cáo trạng thì bị cáo đã đẩy cháu bé ngã xuống mương rồi bỏ chạy, không dìm cháu bé, như thế hành vi mô tả trong hồ sơ không phù hợp với kết luận giám định pháp y, không phù hợp với phân tích khoa học đưa đến nguyên nhân cái chết cho cháu bé. Đây là một tình tiết đặc biệt quan trọng cho thấy tội phạm đã được thực hiện theo một diễn biến, cách thức khác, không đúng với mô tả trong hồ sơ.
Thứ ba, theo kết luận điều tra lại số 73, ngày 30-8-2010, trong thời gian chờ xát gạo, Long ra nhà Y. ở gần đấy và lợi dụng trời nhá nhem tối, Long bế Y. chạy ra đường, rồi lòng vòng ra đồng, đổi hướng liên tục, vừa chạy vừa làm động tác xoa âm hộ của cháu để kích dục, sau đó đặt cháu xuống bờ mương.
Sau khi chạy lòng vòng, Long ném cháu Y. xuống mương nước. Khi chạy về, Long bị vấp ngã trước khi lên đến đường để về nơi xát gạo. Điều lạ là, khi quay về nơi xát gạo, không ai phát hiện được điều gì bất thường về tinh thần cũng như quần áo của Long.
Đây cũng là điểm rất phi lý, nhưng vẫn không được các cơ quan tố tụng lưu tâm. Mặt khác, khi làm thực nghiệm, với quãng đường cả đi và về tổng cộng 1.756,6m, làm rất nhiều động tác như vậy, nhưng chỉ hết tổng cộng có 20 phút 50 giây. Với thời gian như vậy không thể đủ thời gian để Long thực hiện hành vi như kết luận điều tra.
Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định thời gian bắt đầu xảy ra vụ án là 18g30′. Vào thời điểm đó, chị Lê Thị Hải, người cùng thôn có gặp Long đạp xe ra chỗ xát gạo nhưng tình tiết này lại không được nhắc đến trong hồ sơ…
+ Bài 3: “Nghiệp vụ điều tra nhìn từ một vụ án”.Luật sư Ngô Ngọc Trai cho biết bất chấp bao nhiêu sự vô lý không thể chấp nhận, cơ quan điều tra vẫn gò ép tiến hành thực nghiệm điều tra từ đó cho ra kết quả làm căn cứ để định đoạt mạng sống người khác.