Nguyễn Lễ
Chua chát, cay đắng, chán chường, tức tưởi, tủi hổ – thất bại của đội tuyển Việt Nam trong trận bán kết lượt về AFF Cup đau như ai lấy nghìn mũi kim nhọn chích vào tim!
Đang lâng lâng trên mây người hâm mộ Việt Nam bỗng bị kéo xuống tận cùng của sự ê chề nhục nhã.
Bất ngờ thì có bất ngờ. Nhưng lạ thì không có gì lạ.
Đã không ít hơn đôi lần – hễ lần nào người dân Việt Nam chờ đợi nhiều nhất thì y như rằng các cầu thủ của họ lại thua đau đớn nhất.
Tâm lý ỷ y?
Lúc gian nan tứ bề – trong lòng ‘địch’, dính ‘đạn’ trước, bị chơi xấu, đấu trọng tài, ngại khán giả – các cầu thủ Việt Nam đã chơi một trận tưng bừng khói lửa để giành chiến thắng.
Khi đủ điều thuận lợi – sân của ta, khán giả nhà, ưu thế sẵn, mục tiêu nhàn – thì cũng các tuyển thủ đấy lại lơi lỏng buông xuôi đến thảm bại.
Trước trận đấu, tôi có phỏng vấn một khán giả Malaysia, anh ta nói với tôi rằng đội của anh sẽ thắng vì ‘bị đặt vào tình thế phải chiến đấu hết mình’.
Tôi không nắm chuyên môn nên không hiểu tại sao đội tuyển Việt Nam lại thua. Nhưng thiết nghĩ, nếu các cầu thủ Việt Nam thi đấu với tinh thần của đội bạn trong lượt về hay như chính họ trong lượt đi thì có lẽ đã không thua và thua đau như vậy.
Đặt trường hợp, các cầu thủ vào sân với tâm lý ỷ y: ‘Đội mình giỏi. Đã thắng rồi. Thắng dễ thôi’ – khi cảm thấy mọi việc tưởng chừng dễ dàng như thế thì tự dưng họ sẽ mất hết mọi sự tỉnh táo trước đối thủ, sự tập trung cao độ và tinh thần thi đấu quyết liệt. Mà đội bạn đâu phải ‘tay mơ’ để cho Việt Nam bắt nạt?
Không chỉ các cầu thủ. Trước trận đấu, nhiều khán giả Việt Nam trong men say chiến thắng đã mỉa mai ‘đội bạn nên mang thúng sang để nhận quà về nhà’.
Mà kinh nghiệm ‘xương máu’ này, như trên đã nói, không chỉ xảy ra với các cầu thủ và khán giả Việt Nam một lần.
Chẳng thà đội tuyển Việt Nam gặp khó còn hơn gặp dễ. Rõ ràng, trong trường hợp này gian nan thì thành mà dễ dàng thì bại.
Ngạn ngữ có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức.” Con người cần gian khổ, sự khắc nghiệt, cần sức ép để thành công.
Câu chuyện ‘thiếu sức ép’ trên xảy ra trong bóng đá nhưng thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay, đáng buồn thay, cũng y như vậy.
Từ đó mà suy, ta sẽ thấy được phần nào tại sao xã hội Việt Nam lại trì trệ, tụt hậu như hiện nay.
Thích dễ bỏ khó
Lẽ tự nhiên, con người ai mà không thích sự dễ dàng, sung sướng hay hưởng thụ?
Nếu không có sức ép nào đó mắc gì chúng ta lại đâm đầu vào cái khó, cái khổ hay cái chịu đựng? Mắc gì phải cố gắng, quyết tâm? Mắc gì phải vượt qua cám dỗ của bản thân?
Nếu không có sức ép thì chúng ta không những không tiến được về phía trước mà, nguy hiểm hơn, còn trượt dài về phía sau – lún ngày càng sâu trong vũng lầy của sự trì trệ.
Đành rằng nếu ai đó có ý chí phi thường thì cũng có thể tự mình thoát khỏi vũng lầy kia. Và khi không thể trông chờ vào ý chí thì chỉ còn nhờ sức ép nào đó kéo chúng ta lên và đẩy chúng ta đi mà thôi.
Trong câu chuyện các cầu thủ Việt Nam, hoàn cảnh khắc nghiệt của trận lượt đi dồn ép họ đến ‘cửa tử’ buộc họ phải vùng lên mạnh mẽ để vượt qua.
Và khi không còn phải quyết đấu sống còn, khi chiến thắng đã thênh thang thì các cầu thủ còn đâu cảm giác sức ép để vượt lên đối thủ mà khi cùng đường đã trở nên khó chịu hơn nhiều?
Các bạn có bao giờ đặt ra cho mình một mục tiêu, lên danh sách một công việc nào đó nhưng không có cái gì bắt bạn phải hoàn thành, không có thời hạn hoàn thành, nên các bạn cứ hẹn lần hẹn lữa, lúc này để lúc khác, hôm nay để ngày mai, ngày mai để ngày kia để rồi không bao giờ thực hiện được?
Chúng ta có thấy ngoài kia áp lực chính là sự vận động muôn đời của cuộc sống?
Từng phút từng giây muôn loài bước đi giữa sự sống và cái chết. Sự chạy đua để tồn tại trong thế giới tự nhiên tàn nhẫn và khốc liệt đã khiến muôn loài tiến hóa không ngừng.
Xã hội cũng vậy. Muốn vào đại học học sinh phải học hành cật lực. Muốn có việc làm ứng viên phải thể hiện hết mình. Muốn được thăng tiến nhân viên phải phát triển khả năng. Muốn đạt giải thưởng các đối thủ phải cạnh tranh quyết liệt.
Thương trường vốn dĩ luôn là chiến trường. Ở đó cái sai, cái dở, cái yếu sẽ bị triệt tiêu. Ở đó thành công được làm bằng xương máu và nước mắt và còn thất bại là sụp đổ cơ đồ. Nhờ thế mà nền sản xuất hàng hóa và tiện ích của cuộc sống luôn được đẩy nhanh về phía trước.
Trên chính trường, các đảng phái tranh đấu không khoan nhượng để được giao quyền và giữ được quyền. Đảng mà không mạnh, người mà không giỏi, lòng dân mà không thấu thì đời nào được nắm quyền.
Việt Nam thì sao?
Các lãnh đạo Việt Nam quyết tâm giữ ‘quyền lãnh đạo của Đảng’ |
Đó là quy luật vận động của muôn loài, của xã hội và của các quốc gia trên thế giới. Nhưng đến Việt Nam quy luật này đảo lộn hoàn toàn.
Công chức vào cơ quan nhà nước thông qua hoặc gốc gác hoặc nhờ vả. Đã vào biên chế thì cứ tằng tằng sáng cắp ô đi chiều cắp về. Chả bao giờ sợ mất việc!
Còn doanh nghiệp Nhà nước? Miễn cạnh tranh đi nhé! Hưởng bao nhiêu ưu ái, được biết bao thuận lợi để cuối cùng bị tố cáo “ăn tàn phá hại” của dân.
Trong chính trị, có chính phủ nào sướng như ở Việt Nam? Chẳng cần dân bầu, không lo mất ghế, cứ bình tĩnh mà làm cho đến hết nhiệm kỳ, làm ăn bết bát thế nào cũng không mất chức, dân có than trời thì cũng chẳng rờ đến được.
Và suy cho cùng, trên thế giới có đảng nào sướng như Đảng Cộng sản Việt Nam? Một mình chễm chệ trên đỉnh quyền lực. Chẳng cạnh tranh với ai nên chẳng phải lo ngay ngáy. Có tốt có xấu gì thì cũng vẫn là ‘vua’. Làm hay làm dở gì cũng vẫn làm tiếp.
Tuy nhiên, Việt Nam ‘rừng vàng biển bạc’ chưa chắc đã là may, Nhật Bản thiên tai triền miên không hẳn là rủi. Sinh ra trong nghèo khổ khốn khó cũng không chắc là rủi mà được sống trong nhung lụa đủ đầy cũng chưa hẳn đã là may!
Tại sao các đời vua gian nan lập quốc thì anh minh thần võ còn các đời vua an nhàn hưởng thụ thì ngày càng u mê hôn ám? Tại sao lúc còn trong hang trong rừng, trong bưng trong biền thì Đảng lập hết chiến công này đến chiến công khác nhưng khi hòa bình lên nắm trọn quyền thì lại bị cho là “trượt dốc không phanh” từ bấy đến nay? Tại sao Đảng hô hào chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng mấy chục năm nay mà không bao giờ làm được?
Thế mới hay, sự khó khăn trui rèn ta thế nào thì sự dễ dàng hủy hoại ta thế đó. Chuyện Đảng nằm ngất ngưỡng trên tuyệt đỉnh quyền lực có thể coi là cái họa sát thân!
Thế nhưng tại sao các nhà lãnh đạo của Đảng – chắc chắn phải có tầm nhìn nào đó – sao không thấy được hiểm họa này mà cứ khư khư ôm trọn quyền lực?
Đã có biến chuyển?
Việc lấy phiếu tín dụng có tác dụng nhiều không? |
Tuy nhiên, theo chuyển động thời cuộc, gần đây nền chính trị vốn dĩ ù lì của Việt Nam dường như có thêm chút sinh khí khi bắt đầu có áp lực.
Khi chức danh cục trưởng Cục đường bộ được mở cho thi tuyển, nhiều người đã nghi ngờ về mức độ công bằng minh bạch. Điều này cũng dễ hiểu vì trong một nền chính trị đã quá quen chuyện mua quan bán tước thì việc sát hạch khác nào sấm nổ giữa trời quang.
Quan chức Cục đường bộ phải tuyển mới được làm, còn quan chức công trình ở Thành phố Hồ Chí Minh làm không được thì đuổi. Lời đe dọa sẽ cách chức những ai tắc trách ở phố đi bộ Nguyễn Huệ của ông phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín ít nhất cũng khiến các vị bị dọa không dám lơ là.
Không rõ họ làm thiệt hay nói miệng nhưng dẫu sao nó cũng tiếp thêm một chút động lực để thúc đẩy sự ù lì, trì trệ, tệ hại đang lan tràn trong tất cả các lĩnh vực của đất nước.
Nhưng trên hết chính là việc Quốc hội Việt Nam đã bước đầu đánh giá khả năng làm việc của các vị lãnh đạo, điều hành đất nước – gọi là ‘lấy phiếu tín nhiệm’.
Cách nay năm, mười năm thì nằm mơ cũng không nghĩ tới có ngày các quan chức cao cấp nhất ở Việt Nam được đưa ra đánh giá trước bàn dân thiên hạ. Xét trong nền chính trị độc quyền khép kín của Việt Nam thì đây là một nỗ lực đáng ghi nhận.
Ít nhất, các vị bị đưa ra lấy phiếu cũng nên biết sợ, sợ mất thể diện nếu kết quả thấp và sợ mất chức nếu bị tín nhiệm quá thấp (trên lý thuyết).
Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói với cử tri Hà Nội: “Ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Văn Bình lần trước có phiếu tín nhiệm thấp khi góp ý kiến sửa đổi thì (lần sau) phiếu tăng ngay.”
Mặc dù độ chính xác của việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn còn phải bàn, nhất là khi các đại biểu Quốc hội phải theo dõi công việc của đến 50 vị trong hơn một năm hay một số chức danh được tín nhiệm cao, như chủ tịch và phó chủ tịch nước chẳng hạn, làm dở còn khó hơn là làm tốt nhưng rõ ràng sức ép của lá phiếu tín nhiệm đã khiến các vị nắm trọng trách phải cố gắng có tiến bộ trong công việc của mình.
Khoan dung hay thẳng thừng?
Dù lĩnh vực y tế có thành tích tệ hại nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn tại vị |
Tuy nhiên xét cho cùng, một sinh hoạt dân chủ ở các nước đa đảng để đảm bảo chính phủ phải có tính giải trình thì khi được áp dụng trong đất nước độc đảng thì liệu có còn dân chủ và có đủ sức ép?
Câu trả lời là ‘Có’, nhưng rất hạn chế. Hãy nhìn vào sự chỉ trích và thất vọng của người dân vào hai lần lấy phiếu tín nhiệm sẽ biết.
Theo lý mà suy, tín nhiệm thấp là làm không tốt, tín nhiệm là làm được việc thì tín nhiệm cao phải cao hơn làm được việc, tức là có thành tích vượt bậc.
Chẳng hạn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được nhiều phiếu ‘tín nhiệm cao’ thì nền kinh tế-xã hội đất nước chắc đang lên như diều gặp gió?
Chẳng hạn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến điều hành chống dịch sởi làm sao mà hơn 100 em nhỏ phải chết oan mà vẫn được phiếu tín nhiệm cao thì không hiểu các vị đại biểu bỏ phiếu cao đấy nghĩ gì?
Ở nước người ta, chỉ cần một vài trẻ em chết vì bệnh dịch thì Bộ trưởng Y tế của họ sẽ xấc bấc xang bang, bị các nghị sỹ ‘đập’ tới bến và có khi phải từ chức.
Có lẽ các đại biểu Quốc hội Việt Nam, đúng như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trước cử tri, học theo truyền thống cha ông ‘Đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại’, nên bỏ phiếu nhẹ nhàng, răn đe chăng?
Đúng là người Việt có truyền thống độ lượng, nhưng trong những việc ảnh hưởng đến sinh mạng con người, tác động đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân và liên quan đến an nguy đất nước thì nên khoan dung hay thẳng thừng?
Có lẽ đảng đã quen sự dễ dãi với chính mình nên cũng trở nên dễ dãi với người của mình.
Nhìn xa hơn, nếu ‘lấy phiếu tín nhiệm’ là tích cực và có hiệu quả giúp các quan chức chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn như lãnh đạo Đảng đã nhìn nhận thì tại sao không để Đảng cho người dân đánh giá, nếu sai thì chịu phạt để ‘lần sau làm tốt hơn’?
Và nếu Đảng thấy cạnh tranh để tuyển người như cách làm của Cục đường bộ là tốt thì liệu Đảng có chấp nhận cạnh tranh để được ‘tuyển’ hay không?
Còn nếu Đảng vẫn cứ sự dễ dãi, vẫn không có sức ép nào thì vẫn sẽ tiếp tục đắm chìm trong vũng lầy của sự trì trệ và không khá lên được.
Không ít người đã đặt câu hỏi về chuyện Đảng lãnh đạo mà tham nhũng và quan liêu, cửa quyền tiếp tục hoành hành thì đất nước sẽ đi về đâu?
Nguyễn Lễ
(BBC)