Khi các trưởng phòng ban, thư ký tòa soạn hoặc ban biên tập nói chung phải chịu sự kiềm kẹp gần như hàng ngày bằng những tin nhắn trực tiếp vào điện thoại (rằng vấn đề nào được phép nói với liều lượng bao nhiêu và vấn đề nào cấm được đụng đến) thì báo chí còn lâu mới “trở thành lực lượng hùng hậu, thông tin nhanh nhạy, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân” (Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son, “Cuộc sống cần báo chí ‘xông’ vào chỗ nhạy cảm”, VNN 18-6-2015).
Những phát biểu nhảm nhí như thế này vẫn được nghe hàng năm vào cái ngày được gọi là “Báo chí cách mạng Việt Nam” như một thứ điệp khúc lố bịch mà gần như bất cứ nhà báo nào cũng thấy buồn cười và buồn nôn. Trong hoàn cảnh cực kỳ bi đát với sự tuột dốc khủng khiếp của kinh doanh báo chí, sự kiểm soát và thao túng hoạt động báo chí càng khiến báo chí èo uột. Thông tin báo in nhạt nhẽo trong khi báo mạng đổ đốn với sự thoái hóa liêm sỉ không điểm dừng đang tạo ra một bức tranh vừa u ám vừa bẩn thỉu cho báo chí VN. Ý thức tự kiểm duyệt không chỉ xảy ra với ban biên tập mà với cả người viết. Những vụ án tham nhũng hoặc những bài báo “phản biện” không phải tự nhiên xuất hiện và được tùy ý ban biên tập quyết định. Lịch sử báo chí “cách mạng Việt Nam” chưa từng có một Bob Woodward. “Tự do” là khái niệm được hiểu là khoảng không gian giới hạn mà phóng viên phải mặc nhiên hiểu như một ý thức nghề nghiệp hình thành như một quán tính nhắc nhở thường trực chớ nên dại dột vượt qua.
Sự cạnh tranh giữa các báo gần như không tồn tại hoặc chỉ tồn tại ở mức tiểu xảo chứ không phải đẳng cấp. Sự nghèo nàn thông tin càng khiến báo chí nhạt nhẽo. Làng báo “cách mạng VN” không có chỗ cho phóng viên điều tra độc lập và báo chí “cách mạng VN” không có chỗ cho làm báo độc lập. Báo chí VN rất thích nói về những Seymour Hersh với những bài báo phanh phui làm xấu mặt chính quyền nhưng làng báo “cách mạng VN” chưa bao giờ có một Seymour Hersh dám “làm xấu mặt chính quyền” hay một New York Times dám bung ra một hồ sơ tương tự “Hồ sơ Lầu năm góc”. Những uyển ngữ kiểu “nhà báo là người xung kích trên mặt trận thông tin” chỉ là một khẩu hiệu thuần túy như một thứ hô hào rỗng tuếch. Cái khái niệm “nhà báo có tầm, có tâm” còn đáng buồn cười hơn nữa. Khi một phóng viên vượt rào và bị sa chân vào tù mà tổng biên tập không dám đứng lên bênh vực hoặc thậm chí còn không dám vào tù thăm hỏi thì “tâm – tầm” trở thành một thứ thước đo của sự bỉ ổi. Khi sự dối trá của chính quyền được báo chí che phủ bằng những bài viết ngụy biện hoặc khi báo chí trở thành cỗ máy “PR” đánh bóng cho một viên chức thì phải nói là làng báo này đã trở nên bẩn và trơ trẽn không chỉ bởi mông đùi mà chúng ta thấy hàng ngày trên các trang mạng.
Theo Mạnh Kim (FB Mạnh Kim)