VOV.VN – Đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH: Việc ban hành nghị quyết sẽ đẩy nhanh việc thực hiện đề xuất của người lao động,
Dự kiến, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động sau 1 năm nghỉ việc. Theo đó, người lao động sẽ tiếp tục nhận bảo hiểm xã hội một lần đến năm 2020.
Sau đó, Chính phủ có tổng kết, đánh giá, nếu tốt sẽ thực hiện điều 60, nếu không sẽ có hướng sửa luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Minh, đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những quy định tại điều 60 Luật BHXH sửa đổi đã đảm bảo tốt hơn vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo đời sống người lao động khi đến tuổi già yếu, về hưu, do vậy không cần thiết sửa đổi điều này. Tuy nhiên với đề nghị của một bộ phận người lao động có nhu cầu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần khi thôi việc cũng là vấn đề cần được giải quyết trong điều kiện người lao động chưa hiểu đầy đủ về quyền lợi và lợi ích của việc hưởng lương hưu. Vì vậy, việc Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết lùi thời hạn hưởng bảo hiểm một lần đến năm 2020 là cần thiết và chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận cao của Đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Minh nêu thực tế: “Rất nhiều lao động đã làm khoảng 15 năm, nhưng vì điều kiện người ta không tiếp tục làm, người ta lấy 1 lần, nhưng khi họ ổn định gia đình, quay lại làm BHXH phải tính lại từ đâu. Do vậy khi về hưu không đủ thời gian, họ bị thiệt thòi. Trước mắt, nó có lợi nhưng về lâu dài bị thiệt thòi về hưu trí, BHXH và một số việc khác. Câu chuyện chính ở đây, chúng ta đảm bảo quyền lợi người lao động, một cách tuyệt đối nhất. Ngay điều 60, nếu chúng ta xem một cách kỹ lưỡng sẽ đảm bảo lợi ích cho người lao động cao nhất”.
Đại biểu Mai Xuân Hùng, đoàn Hậu Giang cũng cho rằng, việc Quốc hội tiếp tục bảo lưu điểm C điều 55 trả bảo hiểm một lần đến năm 2020 là một giải pháp tình thế, giải quyết tạm thời theo nguyện vọng người lao động, còn về lâu dài phải đảm bảo đời sống cho người lao động khi đến tuổi già, không còn sức lao động vẫn phải có lương hưu.
Ông Mai Xuân Hùng nói: “Trước mắt, chúng ta giải quyết đồng ý với đề nghị là nếu người lao động làm việc 1 năm hoặc hơn cần lĩnh bảo hiểm toàn bộ năm đó, trả tiền một cục. Về chủ trương chung, chúng ta không khuyến khích việc làm này. Về lâu dài, người lao động phải có của ăn, của để, khi hết tuổi lao động về già họ hưởng lương đầy đủ và hưởng trọn bảo hiểm trọn gói”.
Trước đó, ngày 4/6, Đoàn thư ký kỳ họp đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về điều luật. Các đại biểu thống nhất chủ trương không sửa điều 60 mà ban hành Nghị quyết bảo lưu cho người lao động được tiếp tục hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần sau 1 năm nghỉ việc.
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Đoàn Thanh Hóa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. |
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Đoàn Thanh Hóa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Việc ban hành nghị quyết sẽ đẩy nhanh việc thực hiện đề xuất của người lao động, có nghĩa là khi đã có chủ trương thì đến ngày 1/1/2016 sẽ triển khai ngay.
Ông Bùi Sĩ Lợi nói: “Có 99,55% đại biểu quốc hội tán thành cao với nội dung Nghị quyết. Trong Nghị quyết lần này chúng ta nói rõ là người lao động tiếp tục được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội cho 2 nhóm, cả nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc mà nghỉ làm việc trong 1 năm và nhóm tham gia BHXH tự nguyện nhưng không đóng tiếp trong 1 năm. Ngày 1/1/2016, Quốc hội sẽ đề xuất giao cho Chính phủ thực hiện trong 5 năm sau đó tổng kết, đánh giá. Nếu thấy tốt thực hiện điều 60, còn nếu chưa đáp ứng quyền lợi của người lao động sửa luật. Lúc đó sẽ sửa tất cả những nội dung gì mà cảm thấy rằng người lao động thấy cần phải điều chỉnh”.
Như vậy, việc các đại biểu thống nhất chủ trương không sửa điều 60 mà ban hành Nghị quyết cho phép người lao động tiếp tục hưởng BHXH một lần đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách, trước mắt của một bộ phận người lao động. Điều đó đã cho thấy Quốc hội luôn luôn quan tâm và đặt lợi ích của người lao động lên trên hết, trước hết./.
Minh Châm/VOV – Trung tâm Tin