Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ký sự Cuba: ‘Che – một tượng đài sừng sững’

Phương Thảo

 

(VNTB) – Che một người Argentine bị tử hình ở tuổi 39 tại Bolivia nhưng lại được tôn sùng gần như ở rất nhiều quốc gia Nam Mỹ.

 

Ở Cuba, Che hiện diện ở khắp nơi: áo quần, mũ nón, giỏ xách, bưu thiếp, tranh cổ động, tranh tường, đề can dán trên xe taxi các loại, cờ… Trong khi người lãnh đạo vĩ đại Fidel, dù sống và lãnh đạo Cuba hơn nửa thế kỷ lại không có được sự ưu ái như vậy. Ai cũng yêu Che như người Việt ở Việt Nam yêu ông Hồ Chí Minh vậy. Trẻ em từ nhỏ đã được dạy phải sống như Che.

Thành phố Santa Clara là một điểm dừng chân khá thường cho du khách vì một trên đường từ tây sang đông hay ngược lại vì đây là nơi có tượng đài cũng như nơi yên nghỉ cuối cùng của Che. Xe taxi các loại ở trung tâm chỉ có một lời mời chào “Đi tượng đài và mộ Che Guevara không?”

Nằm trên quảng trường lớn trong một công viên cây xanh, đi từ phía xa đã có thể nhìn thấy tượng đài Che sừng sững. Tiếng là trong công viên, nhưng tượng đài và quảng trường rộng mênh mông phía trước là nơi hứng nắng chói chang, không một bóng cây trừ hàng cây bao xung quanh.

Phía dưới chân tượng đài là bảo tàng và nơi chôn cất những gì còn lại của Che.

Ngay trước cửa có 2 người phụ nữ ngồi canh. Nếu thấy khách xăm xăm đi vô mà còn giỏ và máy hình thì người phụ nữ lớn tuổi sẽ thông báo bằng tiếng Anh bồi rằng giỏ xách, và máy hình không được phép mang theo mà phải mang sang một toà nhà khác ở phía bên tay trái cách đó chừng một trăm mét để gởi.

Sau khi lặp lại 3 lần mà du khách vẫn ngơ ngơ ngác ngác thì lúc bấy giờ người phụ nữ trẻ tuổi sẽ lặp lại lời hướng dẫn bằng thứ tiếng Anh với giọng Mỹ hoàn hảo. Không hiểu tại sao họ không dán thông báo, hoặc để cho người phụ nữ trẻ tuổi nói ngay với chúng tôi cho tiện ngay từ đầu.

Quay trở lại thì người phụ nữ lớn tuổi lại làm thêm một việc là hỏi quốc tịch của khách tham quan và ghi chép vào sổ. Những người đã từng tham quan kể lại rằng du khách quốc tịch Mỹ đôi khi không được phép vào bảo tàng mà không biết lý do tại sao.

Bảo tàng Che là nơi lưu trữ những hình ảnh, vật dụng của Che từ hồi còn nhỏ cho đến khi qua đời. Mọi thứ, thật ra đều đã có ở trên internet. Thông tin chung vẫn là người thanh niên học y khoa, với hoài bão đem đến sự công bằng cho mọi người và là người sát cánh bên cạnh Fidel – một mẫu số chung của những người tôn sùng Che. Nhưng cũng thú vị khi nhìn thấy Che đã từng sử dụng máy ảnh Nikon và radio Panasonic.

Kề bên bảo tàng Che là nơi được cho là có những gì còn lại của Che. Khi vô đó du khách không được phép nói chuyện. Một căn phòng nhỏ, tối âm u và lạnh ngắt. Trên tường là phù điêu có tên của những đồng đội của Che, mỗi người có một viên gạch nhỏ nhỏ có khắc tên, không họ. Riêng Che thì có một nơi trang trọng và lớn hơn những người xung quanh. Tôi không biết xương cốt Che được để đâu vì không có thuyết minh cũng không có bảng hướng dẫn, sau khi đọc tên mấy chục người thì chúng tôi đi ra.

Bức tượng bằng đồng đen trên bệ đá cao chót vót hiện diện trên đồng tiền 3 CUC. Bệ đá cẩm thạch trắng bao quanh gồm nhiều bậc cấp du khách có thể leo trèo lên thoải mái nhưng không ai ở lại quá 10 phút vào buổi trưa chiều nắng nóng. Khu vực này lúc nào cũng có người canh gác đi tới đi lui.

Đứng đây mới thấy sự sùng bái Che thật khủng khiếp. Quảng trường Cách mạng ở Habana cũng thật lớn, nhưng chỉ là mô hình chân dung Che trên bức tường một toà nhà cao tầng. Còn ở đây, đồng đen, đá hoa cương lộng lẫy nhưng lại tương phản hoàn toàn với những toà nhà đổ nát không có tiền tân trang lại mà người dân vẫn bình thản sống trong đó ngay trong lòng thủ đô.

Nếu Che không chết đi ở tuổi 39, và trở thành một lãnh đạo độc tài thì có lẽ chuyện đã khác.

Di sản gần 60 năm

Là bộ trưởng bộ tài chính trong những năm đầu cách mạng, Che cũng là người đã đưa việc sử dụng tem phiếu mua thực phẩm nhằm đảm bảo sự bình đẳng cho mọi người dân Cuba. Sau hơn nửa thế kỷ, chế độ tem phiếu vẫn còn được duy trì. Bên cạnh đó là hệ thống y tế và giáo dục miễn phí mà nhiều người Cuba vẫn tự hào và không ít người dân Việt Nam ngưỡng mộ.

Sự bình đẳng ở Cuba đảm bảo cho người dân không ai bị chết vì đói nhưng cũng chẳng ai được no.

Mỗi một đầu người trong một tháng được 3,5 kg gạo – trong đó có 2,5kg gạo nguyên và 1 kg gạo vỡ, một gói cà phê nhỏ, 250 gram đậu, 5 cái trứng gà, 2 kg đường, 250gram dầu ăn, 1 hộp diêm, 250 gram muối, mỗi ngày một cái bánh mỳ 80 gram, thịt gần 1 kg.

Sữa chỉ dành cho trẻ dưới 7 tuổi và người già trên 65 tuổi. Giá cả thật rẻ, mua hết cả mớ chừng đó cho cả gia đình chưa tới 50 peso – 50 ngàn nhưng chỉ đủ ăn trong 2 tuần. Nếu hết phải mua với giá cao, ví dụ một lít dầu ăn giá cao là 1,95 CUC tức đã gần 50 peso, còn gía mua theo tiêu chuẩn là 2 peso. .

Người ta tự hào hệ thống y tế miễn phí. Thế nhưng để được bác sỹ giúp thì người dân phải tặng quà. Tiền thì nghiêm cấm vì đó là hối lộ. Quà có khi chỉ là trái đủ đủ, gói bánh, hộp nước, nên cuối ngày các bác sỹ ra đường vẫn còn mặc nguyên áo blue trắng và trên tay cũng lủng lẳng bao xốp với đủ thứ bên trong mà tôi cứ tưởng họ đã kịp đi chợ trong giờ giải lao buổi trưa rồi.

Giáo dục Cuba đúng là miễn phí, có sức học lên đến tiến sỹ cũng sẽ không phải trả đồng nào. Chính vì vậy mà hai vợ chồng Rafael và Daisy đều học xong thạc sỹ tin học. Trước đây Rafael và kiến trúc sư và có thời gian đi làm việc ở Châu Phi, còn Daisy là giáo sư dạy tiếng Tây Ban Nha vì không dễ kiếm việc làm nên họ đã học ngành học mới để dễ kiếm việc hơn.

Cả hai thứ miễn phí này thường được đem ra để làm phép so sánh sự ưu việt của chế độ cộng sản với chế độ tư bản hà khắc, bóc lột người dân tới tận việc phải đóng tiền chữa bệnh và học hành thật cao.

Thế nhưng người Cuba đã phải đóng hụi chết cho hai thứ miễn phí này suốt đời mà họ không chịu thừa nhận. Sức lao động của họ chỉ đổi lấy được có thực phẩm cho 12 -14 ngày. Những ngày còn lại họ sống bằng sự lạc quan, lòng yêu Che, và niềm tin có được y tế và giáo dục miễn phí. Sức lao động thật sự của họ được anh em nhà Castro giữ lại để chi trả cho bệnh viện, trường học, điện nước, và hàng trăm thứ bà rằng khác.

“Ai cũng ăn cắp”

Cũng với câu hỏi về việc họ – người Cuba – đào đâu ra tiền để sống và lại còn dư để xây nhà cho tây thuê. Jorge trả lời tôi gọn lỏn:

“Thì cũng có người có tiền Mỹ… Nhưng ai cũng ăn cắp!”

Cuba có vô số các khu resort được du khách Canada và Âu châu lựa chọn để đến tránh đông. Khắp nơi đều có hiện diện các khu nghỉ dưỡng trọn gói. Khách trả tiền một cục và họ được phục vụ ăn uống thả cửa từ lúc mở mắt ra cho tới khi đi ngủ.

Tất cả mọi thứ đưa ra cho khách sử dụng là đều do khách đã tự thanh toán trước. Nếu xài hết không hết thì nhân viên bảo vệ sẽ làm ngơ cho nhân viên phục vụ mang về nhà với giá 50-70 peso. Nhân viên phục vụ sẽ nói với xếp là do khách xài hết. Và như vậy đầu mối của chợ đen bắt đầu.

Một chai rum giá chính thức là 6-8 CUC (150 -200 ngàn), nhưng giá chợ đen chỉ có phân nửa hoặc một phần ba. Tương tự như vậy với cà phê, đường, xà bông, giấy vệ sinh,… bất cứ thứ gì mà họ có thể tuồn ra ngoài bán được. Nhân viên ăn cắp kiểu nhỏ, cấp trên ăn cắp kiểu lớn. Và cứ thế ai cũng là kẻ cắp. Nhưng đặc biệt mỗi người chỉ ” chuyên” một món mà không giẫm chân lên nhau.

Jorge là kỹ sư điện, vốn từng được đưa đi Habana học để về làm quản lý khu nghỉ dưỡng. Nhưng chỉ sau hai ngày làm việc thì anh từ chối không chịu làm giám đốc nữa.

“Tôi không thể nhắm mắt làm ngơ khi biết người ta ăn cắp. Nhưng tôi cũng không thể báo cảnh sát bắt những người bạn học chung trường từ nhỏ, hay người hàng xóm của tôi.”

Tôi hỏi chợ đen họp ở chỗ nào sao tôi không thấy có. Jorge cho hay, tiếng là chợ đen nhưng không họp mà cần phải biết ai bán cái gì rồi đi tới nhà người ta mua. Ví dụ như cô em họ của Jorge thì bán cà phê, còn anh chàng ở ngay cách đây mấy nhà thì chuyên rượu Rum.

Chưa kể nhà có phòng cho Tây thuê thì nếu có 2 phòng thì chỉ khai một. Nhà có máy lạnh thì khi công ty điện tới kiểm tra thì tặng quà hay tiền cho nhân viên để không bị ghi nhiều số. Mọi thứ đều có qua có lại hết.

Và ai cũng sống vậy.

“Không ăn cắp làm sao họ sống được chớ!”

Bức tranh hiện ra đúng y như ở Việt Nam trước đây và có thể bây giờ vẫn đúng. Cách xa nhau nửa vòng trái đất, mà lại giống nhau đến lạ kỳ. Thật… anh em có khác!


 

Tin bài liên quan:

Những ngày cuối cùng của Đảng Cộng sản? (Phần 1)

Phan Thanh Hung

VNTB – Việc vắng mặt của chủ tịch nước Việt nam làm dấy lên những nghi ngờ

Phan Thanh Hung

VNTB – Vắc xin Abdala mà Việt Nam vừa mua của Cuba có gì đặc biệt?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.