(VNTB) – Thông tin từ Bộ Tài chính: từ 12 giờ trưa 29/8/2014, giá xăng dầu tiếp tục giảm thêm từ 160 đến 470 đồng/lít.
Phải chăng hành động nhân nhượng giảm giá xuất phát từ “dự cảm” của Petrolimex về một chiến dịch “diệt ruồi” có thể bùng phát ra ở Việt Nam trong thời gian tới?
Không tin là sự thật!
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa làm nên một thành tích không tiền khoán hậu trong lịch sử kinh doanh độc quyền của doanh nghiệp được coi là “siêu độc tôn” này.
4 lần liên tục giảm giá xăng dầu chỉ trong vòng 30 ngày (ngày 28/7 giảm 330 đồng, ngày 7/8 giảm 500 đồng, ngày 28/8 giảm 600 đồng và ngày 29/8 giảm 470 đồng) đã làm nên một sự kiện vui mừng cực kỳ hiếm hoi dành cho người tiêu dùng, trong hoàn cảnh toàn dân Việt Nam bị bóng đè siêu tưởng bởi các nhóm lợi ích đến mức không thốt nổi một lời.
Thậm chí tại lần giảm giá xăng thứ tư mới đây còn chẳng hề xuất hiện lời thuyết minh bao biện thường thấy “giá xăng Việt Nam giảm vì giá dầu thế giới giảm”. Trong thực tế, giá dầu thế giới những ngày qua hầu như vắt ngang, trong khi không khí công luận và dư luận Việt Nam bình lặng một các đáng kinh ngạc.
Người tiêu dùng không thể tin đó là sự thật.
Bi kịch bàng quan
Sau khi ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch hội đồng quản trị Petrolimex trả lời phỏng vấn báo chí vào đầu năm nay với tuyên ngôn “trân trọng quá khứ để tiến xa hơn”, chắc hẳn giới tiêu dùng và cả cánh báo chí nhà nước đã gần như tiêu tan hy vọng về sự phản kháng của họ có thể khiến cho nhóm lợi ích xăng dầu “hồi tâm”. Phản ứng của dư luận cũng bởi thế đã chìm lắng đột ngột vào những lần xăng tăng giá gần nhất.
Một nét gì đó hao hao với một số người vô cảm đến mức vô quốc khi tổ chức nhảy múa để “phản biểu tình” vào những ngày Trung Quốc xâm phạm Biển Đông, tuyệt đại đa số dân chúng vẫn như chìm khuất trong màn sương sợ hãi trước bất kỳ đợt tăng giá nào của các tập đoàn lợi ích. Có chăng chỉ là tiếng thở dài và chửi đổng cho qua chuyện.
Tâm lý trì độn như thế đã khiến cho ngay cả sau 3 lần giảm giá của Petrolimex trong tháng 8/2014, hình như phần lớn con dân nước Việt quen nhịn nhục vẫn nghĩ rằng giá chỉ giảm một chút rồi lại tăng và sẽ còn tăng nhiều hơn hẳn. Hẳn tâm lý vô cảm và đang trở nên hết sức cam chịu như thế là rất có lợi cho Petrolimex để tiếp tục chiến dịch “bù lỗ vào dân” của họ, nhất là khi tập đoàn này vẫn đang phải gánh số lỗ hơn 10.000 tỷ đồng từ cơ chế đầu tư vô tội vạ vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm từ những năm trước.
Không có bất kỳ “quyền phúc quyết” nào thuộc về dân chúng, chỉ có thể một động lực lớn và từ một cấp đủ cao mới có thể “bắt” Petrolimex tự nguyện giảm giá xăng dầu.
Thậm chí Theo Bộ Tài Chính, chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở bình quân 30 ngày từ ngày 30/7 đến 28/8 thì doanh nghiệp xăng dầu đang có lời 464 đồng/lít xăng, do vậy chính bộ này đã yêu cầu Petrolimex phải giảm tới thiểu 464 đồng/lít vào lần giảm giá mới nhất.
Thế nhưng một câu hỏi đáng kinh ngạc bật ra là nếu giảm theo cách “tối thiểu” như thế, làm sao Petrolimex còn lời lãi tối đa như tập đoàn này vẫn thường lạnh lùng manh động?
Ai sẽ là “ruồi”?
Điều được xem là lòng từ tâm đột biến của Petrolimex trong thời gian này là vô cùng khó hiểu. Chỉ thị từ “cấp đủ cao” để tập đoàn này bắt buộc phải giảm giá có thể phải vượt hơn cả Bộ Công thương – cơ quan chủ quản của Petrolimex, và Bộ Tài chính – cơ quan quyết giá cho Petrolimex.
Khách quan mà xét, cũng có vài dư luận tỏ ra công tâm. Sau vài đợt giảm giá hết sức bất thường của Petrolimex, vài blogger thuộc “lề trái” đã cất tiếng ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – người mà theo họ đã có quyết sách “hợp lòng người” làm cho dân tình bớt khổ sở trong bể khổ khôn cùng mà ông chính là một tác nhân bị chỉ trích ghê gớm nhất.
Nhưng cũng có dư luận khác cho rằng nếu thực sự “hồi tâm”, tại sao Petrolimex không giảm giá xăng dầu từ năm ngoái hay năm trước nữa, trong bối cảnh kinh tế suy thoái đậm đặc, còn các nhóm lợi ích đã ních đầy túi?
Lại nhớ vào cuối năm 2013, ông Bùi Ngọc Bảo của Petrolimex bất chợt than thở với báo chí là “chán độc quyền”. Trong khi cánh phóng viên còn chưa kịp hiểu vì sao lại có sự đột biến tâm tính kỳ lạ như thế, đến đầu năm 2014, bản thông điệp đầu năm của Thủ tướng bắt đầu để cập đến nội dung “xóa độc quyền”.
Tuy thế, sự thể sau thông điệp thủ tướng như thế nào thì tất thảy đều biết. Đã gần ba quý của năm trôi qua, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Petrolimex không còn độc tôn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Cử chỉ tế nhị duy nhất mà tập đoàn này nhân nhượng chỉ là giảm giá.
Tuy nhiên, như thế vẫn còn là tốt, nếu so với những năm trước đã hầu như như chẳng có gì. Câu hỏi còn lại là phải chăng hành động nhân nhượng như thế xuất phát từ “dự cảm” của Petrolimex về một chiến dịch “diệt ruồi” có thể nổ ra ở Việt Nam trong thời gian tới?
Có lẽ cần chờ câu trả lời sau khi đặc phái viên của Tổng bí thư đảng – ông Lê Hồng Anh – trở về từ Bắc Kinh. Còn tại Trung Quốc, cơn bão “đã hổ diệt ruồi” vẫn đang lan nhanh như một trận dịch cấp tính…
Phạm Chí Dũng