Thiên Điểu
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Việc ban hành Quyết định 50/2013/QĐ/TTg cho thấy thêm một ví dụ về cung cách quản lý yếu kém và thiếu thực tế. Nó không chỉ nói lên khả năng điều hành của Thủ tướng mà còn cho thấy bộ máy tham mưu thiếu vắng năng lực thật sự.
Theo Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 01/01/2015, toàn bộ các điện thoại di động quá hạn sử dụng sẽ bị thu hồi, tiêu hủy.
Mặc dù quyết định được ký từ 2013, nhưng đến nay mới được công bố trên báo Thanh Niên.
Từ trước khi có quyết định tới nay chưa hề nghe bất cứ thông tin về một cuộc thảo luận hay điều tra nào về vấn đề này. Điều đó cho thấy một kiểu ra quyết định một cách ngẫu hứng, không dựa vào cơ sở nào cả. Một chuyện thật như đùa và chắc chắn một điều: Không thể thực hiện.
Một quyết định bất khả thi.
Điện thoại di động là phương tiện liên lạc ngày càng được sử dụng rộng rãi và đóng vai trò quan trọng trong đời sống, sinh hoạt của con người. Điều đó không có gì phải tranh cãi.
Thị trường điện thoại di động của Việt Nam có tới hơn 90% có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ước tính khoảng 50% trong đó là điện thoại nhập lậu. Riêng yếu tố nguồn gốc nhập từ Trung Quốc không thể kiểm soát được về số lượng lẫn chất lượng. Trong khi đó, kể cả các hãng sản xuất điện thoại danh tiếng hàng đầu thế giới chưa có bất cứ quy định hay tiêu chuẩn nào về hạn sử dụng điện thoại cũng như các thiết bị điện tử khác được đề cập trong quyết định này: Máy tính, máy in, máy fax, máy scaner, máy chụp ảnh, quay phim, DVD v.v. Vậy dựa trên cơ sở nào để xác định hạn sử dụng?
Ở các nước phát triển, điện thoại di động được bán với hình thức hợp đồng cam kết sử dụng mạng. Người dùng điện thoại không phải trả tiền mua điện thoại mà trả tiền cho gói cước mình đăng ký sử dụng. Vì thế, khi hết thời hạn hợp đồng của gói cước, điện thoại thường được thải bỏ vì người dùng sẽ ký hợp đồng khác, sẽ nhận được điện thoại khác. Nếu có hư hỏng trong thời gian hợp đồng thì tùy theo lý do, người sử dụng sẽ phải trả thêm tiền điện thoai nếu lỗi do người dùng hoặc được cấp điện thoại khác nếu do lỗi kỹ thuật, lỗi do nhà sản xuất. Người sử dụng cũng có thể yêu cầu đổi điện thoại mình ưa thích bằng cách bù tiền nếu điện thoại yêu cầu có giá trị cao hơn loại đi kèm hợp đồng đã ký. Đây vừa là hình thức kinh doanh liên kết hữu hiệu, cạnh tranh công bằng, vừa là cơ sở kiểm soát chất lượng điện thoại, thời gian sử dụng… rất văn minh, thực tế.
Ở Việt Nam, thiết bị di động được bán riêng, phí dịch vụ tính riêng. Nhà nước cấp phép cho Doanh nghiệp bán thiết bị điện tử, điện thoại di động để thu thuế. Cho phép bán một món hàng hoàn toàn không có thời hạn sử dụng rồi lại tự đặt ra quyết định thu hồi, tiêu hủy vì lý do “hạn sử dụng” thì cơ sở nào để thực thi?
Việt Nam trong tương lai là một bãi rác thải công nghiệp khổng lồ
Việc ra quyết định 50/2013/QĐ/TTg làm liên tưởng tới một số quyết định trước đây như:
– Quyết định phạt nông dân dùng phân bón giả (BNN&PTNT)
– Quyết định xử phạt người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng (BCA)
– Thu hồi xe cơ giới, xe gắn máy hết hạn sử dụng (BCA, BGTVT).
v.v…
Bài học rút ra từ những quyết định kiểu “trời ơi” như thế là: Một quyết định, một chế tài pháp luật sẽ không thể thực hiện nếu nó không được xem xét một cách hợp lý và mang lại hiệu quả thực tiễn.
Điện thoại di động mới có ở Việt Nam trong khoảng gần hai chục năm trở lại đây. Các loại điện thoại cũ chỉ cách đây 3-4 năm đã gần như hoàn toàn không còn thấy cả ở cửa hàng lẫn người dùng do sự cuốn hút của các loại điện thoại thế hệ mới. Vậy tại sao không nghĩ đến kiểm soát chất lượng đầu vào của thị trường mà lại đi chú ý vào đầu cuối là rác thải của nó?
Thực tế cho thấy các tai nạn liên quan điện thoại đều là do điện thoại kém chất lượng – chủ yếu do Trung Quốc sản xuất. Một vài sự cố cá biệt do người dùng sử dụng ở nơi nguy hiểm gây cháy nổ (cây xăng). Như vậy, ở Việt Nam chỉ cần kiểm soát được chất lượng điện thoại khi nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc thì vấn đề an toàn (môi trường, sức khỏe) sẽ được giải quyết.
Về vấn đề môi trường, phải thừa nhận là các thiết bị điện tử không còn sử dụng là loại rác thải nguy hại. Nguy hại chính của rác thải thiết bị điện tử cơ bản là từ hai lý do: Là loại chất thải rắn, khó xử lý và lý do thứ hai: Các loại chất độc hại sinh ra khi để ngoài môi trường rác. Như vậy vấn đề đặt ra là phải có phương án thu gom rác thải là thiết bị điện tử chứ không thể là thu hồi!
Không lẽ ông Thủ tướng không thể suy luận nổi cái lý lẽ đơn giản như vậy trước khi ký một quyết định lạ lùng đến vậy?
Bỏ cái lớn, cái đáng lo để lo cái vụn vặt
Nói về thiết bị điện tử nói chung. Việt Nam đã và đang là bãi rác thật sự của các loại thiết bị, máy móc công nghiệp quá hạn sử dụng. Từ các loại phương tiện cơ giới cồng kềnh, tới các thiết bị điện tử sconhand bị thải loại ở nước ngoài được nhập về là một vấn nạn mà trong tương lai gần Việt Nam khó mà xử lý. Việc quản lý và kiểm soát được chất lượng các sản phẩm này là điều cần quan tâm trước hết. Việc ban hành Quyết định 50/2013/QĐ/TTg cho thấy thêm một ví dụ về cung cách quản lý yếu kém và thiếu thực tế. Nó không chỉ nói lên khả năng điều hành của Thủ tướng mà còn cho thấy bộ máy tham mưu thiếu vắng năng lực thật sự.