VNTB: Sự kiện Nhà nước VN thả tù nhân chính trị quan trọng nhất là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải trùng hợp một cách dễ hiểu với sự có mặt của hai quan chức cấp cao Hoa Kỳ tại Hà Nội: Michael Froman – Đại diện thương mại Mỹ, và Tom Malinowski – Trợ lý ngoại trưởng đặc trách về dân chủ, nhân quyền và lao động.
Ngày hôm nay, tuy chưa biết kết quả “làm việc” của Tom Malinowski với “phía chính quyền và xã hội dân sự” ra sao, nhưng bắt đầu có tín hiệu “kết thúc đàm phán” từ Michael Froman.
Khái niệm “cam kết mạnh mẽ” hoàn toàn không phải là một thuật ngữ mới mẻ trên đầu môi của giới ngoại giao và chính phủ VN. Tuy nhiên vào lần này, khái niệm đó vừa được thực thi một cách cụ thể theo “kịch bản Miến Điện”. Điếu Cày Nguyễn Văn Hải được phóng thích, và dù anh bị tống xuất ra nước ngoài, cử chỉ này vẫn cho thấy chính thể đương nhiệm ở VN vừa có một bước nhượng bộ đáng kể, nếu đối sánh với thể diện và tính kiêu ngạo truyền thống của họ.
Nếu quả thật Froman “lạc quan”, có khả năng VN sẽ được “đặc cách” về khá nhiều thủ tục và vấn đề kỹ thuật về sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, và cả “quy chế thị trường đầy đủ”… đối với quy trình tham gia TPP.
Công việc còn lại của Froman là cố gắng thuyết phục lưỡng viện Hoa Kỳ chấp thuận cho Chính phủ nước này “quyền đàm phán nhanh” để mau chóng cho VN gia nhập TPP.
————————————
Đại diện thương mại Mỹ: “Việt Nam hưởng lợi lớn nhất từ TPP”
Đại diện Thương mại Mỹ Froman tin tưởng vào tiến trình đàm phán Hiệp định TPP với Việt Nam và mong muốn hỗ trợ Việt Nam dài lâu.
Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 22/10 tại Hà Nội, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman khẳng định: “Chúng tôi đã nhận được những cam kết mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam đẩy mạnh việc sớm kết thúc đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP)”.
Trao đổi với truyền thông, ông Michael Froman cho biết đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam và Hoa Kỳ giải quyết sự khác biệt và tồn tại giữa hai bên trong đàm phán TPP.
Ông Michael Froman cho biết, Hoa Kỳ mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia có trình độ phát triển kinh tế mạnh, thịnh vượng, có các đối tác tốt, hội nhập toàn diện hơn trên bình diện quốc tế. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trong đó có việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, việc Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Việc Việt Nam-Hoa Kỳ cùng các đối tác khác đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định TPP là một bước đi mới, sẽ thúc đẩy các cơ hội phát triển kinh tế của Việt Nam, kéo các dòng đầu tư mới vào Việt Nam.
Ông Froman nói: “Chuyến thăm Việt Nam của tôi diễn ra trùng vào thời điểm kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. 20 năm qua phát triển mạnh mẽ. TPP là bước đi mới cho thấy quan hệ hợp tác mạnh mẽ giữa 2 bên. TPP không chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam mà còn mang lại lợi ích trên quy mô toàn cầu. Đặc biệt, nó góp phần thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam-Hoa Kỳ trên nhiều lĩnh vực.”
Trả lời phỏng vấn của báo giới, Đại diện thương mại Hoa Kỳ ông Michael Froman cho biết tiến trình đàm phán đang diễn ra khả quan và ông lạc quan về cơ hội sớm kết thúc đàm phán TPP.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Froman cho biết: Theo một số nghiên cứu độc lập, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Một khi hiệp định được thực hiện đầy đủ, xuất khẩu của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng ở mức 32%, và GDP tăng 25%. TPP sẽ đưa Việt Nam sang một giai đoạn mới, sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng, và độc lập của Việt Nam, cũng như các mối quan hệ đối tác quốc tế và quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam.
Ông Froman khẳng định cũng giống như trường hợp WTO, việc ký kết TPP sẽ đem lại lợi ích lớn cho Việt Nam, như tạo đà tăng trưởng, mở rộng thương mại, thu hút đầu tư, tạo việc làm, xây dựng đội ngũ lao động mạnh.
Liên quan đến khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, vị đại diện thương mại Mỹ cho biết, trong 12 nước liên quan tới TPP có những nước rất phát triển như là Mỹ, Nhật Bản, những nước đang phát triển như Việt Nam và Peru, và một số nước ở mức giữa của 2 thái cực này. Ông Froman nói phía Mỹ đang nỗ lực để xác định các nghĩa vụ thích hợp và vẫn bảo đảm đạt được một hiệp định toàn diện, có tiêu chuẩn cao.
Đối với Việt Nam, ông nói phía Mỹ sẽ tiếp tục làm việc dài lâu với Việt Nam để xây dựng năng lực thực hiện nghĩa vụ trong nhiều lĩnh vực.
Trong thời gian ở Việt Nam, ông Froman cho biết ông đã gặp gỡ với nhiều lãnh đạo Việt Nam, cùng xem nhiều vấn đề, có nhiều cuộc thảo luận kết quả. Ông nói, vẫn có nhiều mảng mà phía Mỹ đang tiếp tục nỗ lực làm việc cùng phía Việt Nam để thúc đẩy đàm phán như là vấn đề tiếp cận thị trường, sở hữu trí tuệ, lao động…
Theo Hồ Điệp – Trung Hiếu
VOV