Chiều tối ngày 21-10-2014, giới hoạt động nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam xôn xao trước thông tin blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) buộc phải đi tỵ nạn ở Hoa Kỳ. Sau đó đài SBTN xác nhận việc ra đi này của ông lúc 21 giờ ngày 21-10 từ Bộ ngoại giao Hoa Kỳ rằng ông đang trên đường đến Los Angeles thuộc tiểu bang California, Hoa Kỳ.
Chiến thắng hay thất bại?
Blogger Điếu Cày, một biểu tượng cho việc “thoát Trung” được tự do đối với người viết bài là một niềm vui khôn tả. Rất nhiều lời chúc mừng được gửi tới cho ông. Họ cho rằng việc ông Hải thoát ra khỏi nhà tù nhỏ để đến một đất nước tự do là thuận lợi hơn cho việc đấu tranh dân chủ sau này của ông.
Có người đánh giá sự tự do của ông là một sự chiến thắng, vì công sức của nhiều người bỏ ra để vận động trả tự do cho ông suốt 6 năm rưỡi vừa qua cũng đã đến ngày đơm hoa kết quả. Còn nhớ, nhân ngày tự do báo chí 3-5-2012, ông Tổng thống Obama từng nhắc đến blogger Điếu Cày như một biểu tượng cho việc tranh đấu cho quyền tự do báo chí. Obama nói: “Chúng ta không được quên những người khác như blogger Ðiếu Cày, người bị bắt giữ vào năm 2008 trùng với cuộc trấn áp hàng loạt đối với báo chí công dân ở Việt Nam.”
Nhưng sau khoảnh khắc vui buồn lẫn lộn đó, nhiều người ngẫm lại và quay sang chỉ trích việc ra đi của ông là sự thất bại. Họ lập luận rằng: họ đấu tranh cho ông ra khỏi tù là để “chiến đấu” ở Việt Nam chứ không phải là để ông đi tỵ nạn như thế! Có người còn không vui về quyết định của phía Mỹ khi lần lượt mang những người có tâm có tầm như ông Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày đi khỏi Việt Nam. Phía Mỹ có thể đã đổi chác bằng vũ khí sát thương, bằng TPP khi thương thảo thành công trong “thương vụ” Điếu Cày.
Lập luận này cũng có phần đúng khi chúng ta nhìn sang những trường hợp trước như nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ. Hình ảnh của họ dần trở nên nhạt nhòa hơn với những người hoạt động vì ít gây được ảnh hưởng đến Việt Nam.
Vậy đối với chúng ta, những người bình tĩnh hơn nên nhìn cuộc ra đi của ông với con mắt như thế nào?
Không thể đòi hỏi nhiều hơn từ ông!
Chúng ta có vô lý không khi một mặt yêu cầu phía chính giới Hoa Kỳ gây sức ép thả Điếu Cày, một mặt đòi hỏi Hoa Kỳ không được đem Điếu Cày đi. Chúng ta nên nhớ Điếu Cày năm nay đã 62 tuổi và phải chịu án thêm 8 năm nữa nếu không được phóng thích.
Liệu rằng năm ông 70 tuổi trở về nhà với cơ thể toàn vẹn? Chúng ta cần phải xem lại những trường hợp thả tù vừa qua trước hạn như người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu ra ngoầi năm 67 tuổi với một cơ thể hom hem gầy yếu, suy kiệt, mang nhiều bệnh trong người.
Mới đây thôi chúng ta không khỏi xót xa khi nhìn thấy người tù chính trị Nguyễn Tuấn Nam ra tù năm 76 tuổi, sức ông còn gì để có thể làm nhiều việc hơn?
Chúng ta có phải trải qua 6 năm rưỡi trong nhà tù cộng sản với nhiều sức ép từ phía công an, trong khi đó tin tức ông nhận được từ ngoài là rất ít? Rồi nếu ông ở Việt Nam, ông có được tự do hoạt động hay là bị bám sát bởi lực lượng công quyền lúc nào cũng thừa công cụ và con người để đàn áp?
Theo tôi được biết dân chủ là tôn trọng ý kiến khác biệt, không ai muốn đấu tranh phải bị ở tù, mất việc, cuộc sống khó khắn,… nhưng họ chấp nhận nó. Họ cũng có quyền dừng lại việc đấu tranh vì khi họ tham gia là tự nguyện và khi họ dừng lại chúng ta cũng nên vui vẻ với quyết định đó.
Còn nhớ khi thủ lĩnh học sinh Hồng Kông Joshua Wong trả lời báo đài về việc có nhiều sinh viên đã bỏ cuộc giữa chừng và quay về nhà, anh cho rằng sự việc đó là bình thường và anh tôn trọng quyết định đó.
Điều 14 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền nêu rõ:
“Trước sự ngược đãi, mọi người đều có quyền tị nạn và tìm sự dung thân tại các quốc gia khác.”
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng viết trên trang cá nhân của mình: “Thực ra nếu anh Vũ hay anh Hải ở nhà cũng khó làm được gì, bản thân tôi hay những anh em khác dù đang tự do nhưng cũng rất khó cựa quậy… nổi rồi là chặn phát là chết cứng ngay… Vì thế các bạn đừng buồn, đừng mất hy vọng, mà phải coi đây chính là cơ hội để các bạn bước ra khỏi bóng tối mà hành động… Đất nước này thay đổi khi tất cả chúng ta thức tỉnh!”
Chúng ta hãy nhìn sự ra đi của blogger Điếu Cày bằng con mắt bao dung hơn. Hãy nhìn ông như một người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với công cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở trong nước. Và giờ đây chúng ta hãy nhìn ông là một người lãnh nhận “nhiệm vụ” mới phù hợp hơn với mình!