Việt Nam Thời Báo

Ủy ban Kinh tế: Bội chi hơn 7%

Cộng với 85 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ thì mức bội chi đã lên đến hơn 7%, trong khi Nghị quyết của QH đến năm 2015 bội chi ngân sách đạt dưới 4,5%.

Đó là nhận định trong báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 và 4 năm 2011-2014; Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 của UB Kinh tế của QH.
Đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế từ năm 2011-2014 của Chính phủ, UB Kinh tế cho hay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân dự kiến đạt khoảng 5,67%/năm, thấp so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5% – 7%).

Đáng lưu ý, UB Kinh tế đánh giá chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước trong 4 năm qua là 5% GDP, nếu cộng với 85 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ thì mức bội chi đã lên đến hơn 7%, trong khi Nghị quyết của QH đến năm 2015 bội chi ngân sách đạt dưới 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 là 30,1% GDP, kế hoạch năm 2015 là 28% và dự báo 5 năm là 30,1%. UB này cho rằng chỉ tiêu này so với kế hoạch 5 năm thì đạt mức quá thấp, còn nặng mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, chưa có giải pháp phù hợp đảm bảo tăng trưởng hợp lý, nhất là chưa đánh giá hết các tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Tỷ lệ thất nghiệp chung giảm nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Năng suất lao động xã hội thấp và có xu hướng tăng chậm lại.
Nhiều ý kiến cho rằng với thực trạng nền kinh tế và tình hình doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong những năm qua nhưng số liệu liên quan đến việc làm, thất nghiệp không có biến động lớn là chưa phản ánh đúng thực tế, cần đánh giá thực chất hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, khó khăn của các doanh nghiệp với chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp.
Bán nợ xấu cho nước ngoài khó khăn
Theo báo cáo thẩm tra, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn thấp, khoảng 17% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại, năm 2013 là 3,61%, cuối tháng 5/2014 là 4,07% và đến tháng 7/2014 là 4,17%.
Tỷ lệ nợ xấu gia tăng được lý giải là do tăng trưởng tín dụng tăng thấp và quá trình hạch toán lại các khoản nợ theo chuẩn mực mới trong khi tiến độ giải quyết nợ xấu của Công ty mua bán nợ xấu (VAMC) còn chậm.
Số lượng nợ xấu được VAMC xử lý thấp do khả năng bán nợ xấu cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các khoản nợ có tài sản bảo đảm bằng bất động sản còn gặp nhiều khó khăn.
Đề cập năm 2014, UB Kinh tế nhận định tình hình kinh tế – xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, nổi lên là vấn đề tổng cầu suy giảm, chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013.
Số DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn, bắt đầu đã có một số DN quy mô trung bình và lớn đến nay phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tội phạm kinh tế.
UB Kinh tế cho rằng, việc cân đối ngân sách nhà nước hiện rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho năm nay mà sẽ không đủ vốn đầu tư bố trí phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo.

Cẩm Quyên
TIỀN PHONG

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo