VNTB: Tin tức từ Bs Nguyễn Đan Quế cho biết, vào 16g hôm 6-11-2014 nhân viên tòa TLS Mỹ ở Saigon đã đến thăm ký giả Trương Minh Đức ở Bệnh viện Hoàn Mỹ. Ông cho biết sẽ gặp Bộ Ngoại Giao Việt Nam để yêu cầu có câu trả lời về vụ hành hung hôm 2-11-2014 vừa, cũng như hai vụ đánh ký giả Đức hôm 8-9-2014 ở Hà Nội và ngày 11-9-2014 ở nhà ông Đức ở Bình Dương.
————
Tôn Phi
vợ chồng nhà báo Trương Minh Đức |
Ngày 5/11/2014, tôi và nhà báo Nguyễn Thiện Nhân đến BV Hoàn Mỹ ở Sài Gòn để thăm anh Trương Minh Đức. Vợ của anh nói rằng hôm qua anh Đức đã chụp CT, bác sĩ nói không có chấn thương sọ não. Tuy nhiên do bị đánh mạnh và nhiều vào đầu nên phần mềm trong não bị tổn hại, đây là loại tổn thương rất nguy hiểm. Anh Đức chỉ nằm được ở một tư thế, khi cử động đầu (nghiêng sang một bên) thì anh cảm thấy mình choáng như bị “rớt xuống” sâu thẳm. Hai mắt anh vẫn còn bị bầm tím, trong tròng mắt còn tổn thương. Hiện sức khỏe anh đang rất bất an. Tối qua anh còn ăn được một ít cháo nhưng hôm nay không ăn được gì, phải uống sữa. Theo suy đoán ban đầu của bác sỹ thì đó có thể là một trong ba trường hợp, máu tụ chèn ép tiểu não, dây số 8 hoặc tổn thương tiền đình.
Vào khoảng 20:30’ tối ngày 2/11/2014, nhà báo tự do Trương Minh Đức đã bị một nhóm công an chặn đường truy sát và đánh đập hết sức tàn nhẫn tại khu vực Ngã 3 Suối Giữa (quốc lộ 13, Bình Dương).
Anh cố gắng thoát vào một quán cà phê gần đó, nhưng toán người lạ mặt này ngang nhiên đuổi theo và đánh tới tấp vào người vào đầu anh, rồi bỏ đi bỏ mặc anh nằm mê man đó. Chị Thanh vợ anh Trương Minh Đức cho biết anh hiện thở rất khó khăn và bị nhiều vết thương hiện thở rất khó khăn.
Vào lúc xảy ra vụ hành hung, nhà báo Trương Minh Đức bị một người lấy thùng sơn úp vào đầu. Vì trong đó có sơn ướt nên cả đầu anh bị dính sơn nên không nhìn thấy gì, về sau chị phải lau từng giọt sơn đã đóng khô. Sau khi úp thùng sơn vào đầu anh Đức, những người hành hung dùng mũ bảo hiểm liên tiếp dội nhiều phát rất ác ý cũng vào đầu anh. Vừa đánh, chúng vừa la lên rằng anh là “cướp”, vì vậy nhân viên trong quán cà phê và những người qua đường không ai dám xông vào can ngăn.
Một nhân viên trong quán cà phê gần nơi xảy ra hiện trường vụ án nói với chị Trinh lúc đưa anh lên taxi về Bình Dương rằng đám “côn đồ” vẫn tiếp tục bám theo taxi cấp cứu đó trong đêm tối. Điều này càng chứng tỏ đám người hành hung anh được đào tạo bài bản và đã quan sát anh từ lâu.
Anh Đức không có thù oán cá nhân gì với ai, từ đó suy ra nguyên nhân khiến anh bị đánh hội đồng dã man xuất phát từ lí do chính trị.
Nhà báo Trương Minh Đức kể rằng mình đã nhận diện được một vài người trong số những người hành hung mình, đó chính là những người tới nhà riêng của anh để “làm việc”. Khi được hỏi về đám người hành hung mình, bằng một thái độ từ bi, anh nói rằng họ cũng chỉ là những con tốt đen bị cấp trên sai khiến, đến khi có chuyện gì thì chính họ – những người ra tay hành hung, phải nhận trách nhiệm thay những người chủ mưu.
Ngoài việc bị cướp điện thoại, máy tính bảng và gần 600 $ tiền mặt, anh còn bị lấy mất CMND, lại không có sổ hộ khẩu, làm lại giấy tờ cũng rất khó khăn. Không còn giấy tờ tùy thân, khi đi ra khỏi tỉnh sẽ rất dễ bị công an kiểm tra giấy tờ và làm khó dễ, công an dễ dàng lấy lý do đi khỏi địa phương mà “không có giấy tờ tùy thân” để mời về đồn công an mỗi khi họ muốn.
Tình hình anh Đức càng ngày càng bế tắc, rất bất an. Trong khi viện phí tại bệnh viện tư nhân Hoàn Mỹ khá đắt đỏ, trên 1 triệu đồng mỗi ngày chỉ riêng tiền phòng. Anh Đức hiện không có bảo hiểm và vợ anh phải khóa nhà để vào bệnh viện chăm nuôi anh.
Nhìn lại lịch sử
Việc hành hung những người bất đồng chính kiến đã được lịch sử chứng minh. Khi chế độ Liên Xô sụp đổ, những người bị án oan hay bị hành hung đã tìm đến nhà những thẩm phán hay những quan chức an ninh đầu sỏ để trả thù. Nhiều quan chức của chế độ độc tài đã phải nhảy lầu tự tử .
Một chế độ không thể coi là mang đến tự do cho dân chúng khi chế độ đó không dám chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Không có một ý thức hệ nào biện minh được cho việc đánh người trái phép như vậy. Việc Việt Nam ký công ước quốc tế chống tra tấn đang bị đặt những dấu hỏi lớn đối với cộng đồng thế giới. Nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã đồng loạt lên tiếng tố cáo cơ quan an ninh của nhà cầm quyền. Nhưng vẫn với truyền thống ngoại giao lì lợm, các ban ngành nhà nước có liên quan đều từ chối phỏng vấn và không ai lên tiếng chịu trách nhiệm về vụ việc này.
Trương Minh Đức là một nhà báo nổi tiếng, anh có nhiều bài viết lên án những bất công trong xã hội. Thế nhưng, không thấy bất kỳ báo lề phải đăng vụ này, một vụ việc mà cả xã hội ai cũng biết thì Thanh Niên, Tuổi Trẻ… lại cố tình “không biết”.
Trải qua bao nhiêu năm, những lời huấn thị Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao Lô II- chủ nhân giải Nobel Hòa Bình năm 2004 càng có ý nghĩa sâu sắc đối với bầu không khí tiến lên dân chủ của Việt Nam ngày hôm nay: “Chính phủ không thể hủy bỏ những quyền mà con người đã sở hữu từ khi mới sinh ra. Chính phủ không thể thay thế cảm thức về công lý bằng một loại dùi cui gậy gộc được. Chính phủ nào bôi nhọ thanh danh mình như thế thì rồi sẽ đi tới chỗ bị hủy diệt. Mọi sự vi phạm đến quyền tự do đều là việc phá vỡ trật tự luân lý và xã hội. Đối với tất cả những gia đình nào có những người cha, người mẹ hay những đứa con đã phải chết vì bảo vệ sự tự do, đối với tất cả những ai vì bảo vệ sự tự do mà phải chịu đau khổ, thì hãy nhớ rằng, những đau khổ mà họ phải chịu sẽ không trở thành vô ích… Khốn cho những chính phủ nào đã gây nên những cuộc chiến tranh trong hoặc ngoài nước của họ. Khốn cho những chính phủ nào làm cho dân chúng của mình phải chết đói, hoặc dùng những hình thức thủ tiêu và tra tấn dã man.”
* Tác giả gửi bài cho VNTB