Phạm Chí Dũng
Tom Malinowski
“Sẽ không có tiến triển nếu cứ thả một chục người này lại bắt thêm chục người khác” – phát biểu nổi bật và khác lạ nhất của Phụ Tá Ngoại Trưởng Mỹ Tom Malinowski trong buổi họp với báo chí ở Hà Nội ngày 26 Tháng Mười, sau khi ông kết thúc làm việc với các quan chức Việt Nam về nhân quyền.
Tom cũng đặc trách về dân chủ, nhân quyền và lao động, là nhân vật có xuất xứ từ một tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, và được xem là chính khách cứng rắn nhất từ trước tới nay trong các cuộc đối thoại với giới chức Hà Nội về việc “Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người.”
Cách đây một năm rưỡi, cuộc đối thoại song phương về nhân quyền đã được nối lại tại Hà Nội, sau một thời gian dài bị phía Hoa Kỳ đình hoãn. Trưởng phái đoàn nhân quyền Mỹ khi đó là ông Dan Baer, một người có gương mặt điển trai, có vẻ nhu hòa hơn ông Tom Malinowski, nhưng cuộc đàm phán đó đã kết thúc vào Tháng Tư, 2013 mà không đi đến một kết quả cụ thể nào.
Còn vào lần này, dường như Tom Malinowski đã nắm rõ người Mỹ có những ưu thế cụ thể gì trong tay. Không có gì phải vội vã. Gò má và ánh mắt kiên quyết của Tom là sự kết luận cuối cùng cùng. Quả bóng được chuyển vào chân Hà Nội. Tất cả tùy thuộc vào thái độ “hồi tâm” của họ.
Nếu thực sự diễn ra một chuyển biến “có thể chứng minh được” từ phía Hà Nội, những người như ông Malinowski mới có thể tiếp tục báo cáo cho Ngoại Trưởng John Kerry để hy vọng Quốc Hội Hoa Kỳ xem xét lại vấn đề TPP cho Việt Nam.
Dương Khiết Trì
Rất có thể, Bắc Kinh muốn chuyến “Nam triều” của ông Dương Khiết Trì vào cuối Tháng Mười vừa cân bằng vừa đối sánh với sự xuất hiện đồng thời của ba viên chức Hoa Kỳ về chính trị, thương mại và quân sự ở Hà Nội trong thời gian gần đây, gắn liền với việc Hà Nội chấp nhận thả một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng chống Trung Quốc là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.
Ngoài một viên chức về quốc phòng và Tom Milinowski, sự xuất hiện đáng chú của một nhân vật khác cao giá hơn là Michael Froman – đại diện thương mại Mỹ.
Mọi việc hình như vừa lặp lại theo trình tự người trước kẻ sau. Vào Tháng Sáu, sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 và ngay sau khi tư lệnh quân đội Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Đô Đốc Samuel Locklear, lên tiếng gợi ý về triển vọng “đối tác chiến lược” giữa Mỹ và Việt Nam, ông Dương Khiết Trì lập tức được biệt phái đến Hà Nội.
Như vậy, hai chuyến “Nam Triều” của người mang chức ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc chỉ diễn ra cách nhau bốn tháng.
Điều có vẻ trùng hợp kỳ lạ là sau chuyến công du Hà Nội vào lần trước của ông Dương Khiết Trì, khi cuộc đấu tố trên Biển Đông do Trung Quốc khơi mào chỉ mới tạm xẹp xuống và hội nghị trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chẳng có nổi một lời lên án “đồng chí tốt,” vị thế của những người bên đảng cầm quyền ở Việt Nam dần lấy lại phong độ và thậm chí còn vượt hơn phía chính phủ. Minh chứng cho tương quan biến đổi thấy rõ này là chuyến đi bất ngờ của ông Phạm Quang Nghị, ủy viên Bộ Chính Trị, kiêm bí thư Thành Ủy Hà Nội, đến Washington, DC, để kéo theo đó là hai chuyến đi của các thượng nghị sĩ John McCain và Whitehouse, cùng chủ tịch liên quân Hoa Kỳ, Tướng Martin Dempsey, đến Hà Nội.
Đối ngoại lại liên quan đến đối nội. Sau chuyến đến Hà Nội Tháng Sáu của ông Dương Khiết Trì chỉ một tháng, có đến ba đại gia Ngân Hàng Xây Dựng đã bị Bộ Công An khởi tố và bị bắt giam. Ngân Hàng Xây Dựng được một số dư luận cho là có mối quan hệ “ruột rà” với Ngân Hàng Nhà Nước và người đứng đầu cơ quan này. Người đứng đầu ấy lại được xem là “cánh tay phải của thủ tướng.”
Còn lần gần nhất vào cuối Tháng Mười, ông Dương Khiếu Trì đến Hà Nội trong bối cảnh cuộc họp trung ương cuối năm được xếp sau kỳ họp lần thứ 8 của Quốc Hội Việt Nam; còn nội bộ các nhà lãnh đạo Việt Nam lại đang hiện ra những tín hiệu “cơm không lành canh không ngọt.”
Một chi tiết trùng hợp cũng rất đáng xem xét là chỉ một ngày trước chuyến đến lần này trong hai ngày 26-27 Tháng Mười của ông Dương Khiết Trì, một nhân vật được một số dư luận xem là thân cận với Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng là ông Hà Văn Thắm, người Bắc Giang, đã đột ngột bị Bộ Công An bắt tạm giam.
Nhìn chung từ cuối Tháng Bảy, dường như một sự hồi sinh đã bừng dậy trong lòng đảng. Khác khá nhiều với tư thế chậm chạp trong nhiều tháng trước đó, giới quan chức cao cấp của đảng vươn vai thể diện trên chính trường quốc tế. Người ta thấy chính ông Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn tùy tùng đã hiện ra ở Nam Hàn với nghi thức tiếp đón cấp nguyên thủ quốc gia. Chỉ sau những chuyến đi của ông Nghị và ông Trọng, phía chính phủ mới lần lượt hé ra những cái tên như Phạm Bình Minh đi Mỹ và Nguyễn Tấn Dũng đi Tây Âu.
Việc ông Dương Khiết Trì “xuống” Hà Nội vào đúng kỳ họp quốc hội lần thứ 8 cũng là một ẩn ý cần xem xét. Đây là kỳ họp với chủ ý là bỏ phiếu tín nhiệm, cùng dư luận đang ngày càng nóng lên về việc sẽ có một số nhân vật cao cấp có thể phải “ra đi” nếu bị trên một nửa số phiếu tín nhiệm thấp.
Chuyến đi lần này của ông Dương Khiết Trì lại diễn ra vài ngày ngay sau chuyến thăm Bắc Kinh của 13 tướng lĩnh cấp cao thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Nam, do Đại Tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu. Tuy nhiên, điều chua chát là theo truyền thông Trung Quốc, mục đích chuyến đi của Bộ Trưởng Phùng Quang Thanh và các tướng lãnh là để “cầu hòa” với Trung Quốc.
Vấn đề là nếu Bắc Kinh muốn câu chuyện ở Hà Nội vẫn nằm trong vòng quỹ đạo tương đối của họ, phái thân thiện Trung Quốc ở Hà Nội chắc chắn sẽ nhận được hứa hẹn “tài trợ” của Dương Khiết Trì.
Ba Sàm
Tin xấu nhất vào cuối tuần trước là Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bị cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công An chuyển hồ sơ truy tố sang Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao.
Trước đó, một số thông tin cho biết ông Vinh nằm trong danh sách được phía Mỹ yêu cầu Hà Nội trả tự do. Tuy nhiên, hình như mọi chuyện đã xôi hỏng bỏng không sau chuyến công du của ông Dương Khiết Trì tới Hà Nội. Bởi ngay sau khi ông Dương trở về Trung Quốc và gần trùng thời gian hội nghị hợp tác của Tướng Trần Đại Quang với Bộ Công An Trung Quốc, Bộ Công An Việt Nam đã lập tức “xuống tay” với Ba Sàm.
Với nhà cầm quyền Việt Nam, dường như việc phải trả tự do cho tù nhân chính trị quan trọng nhất và cũng mang tính thách thức nhất là Điếu Cày, dù là tống xuất ra nước ngoài, đã trở nên quá tầm thể diện đến mức không thể chịu đựng nổi. Bởi thế, họ cần vớt vát lại bằng một số hành động “trả đũa” nào đó sau đó, dù điều đó chẳng mấy có ý nghĩa dành cho họ.
Những ngày gần đây, liên tiếp rộ lên tin tức về vợ và con trai Điếu Cày bị chính quyền địa phương và công an sách nhiễu, một số tù nhân lương tâm bị ngăn chặn quyền tự do đi lại, bị bắt giữ và còn bị đánh đập dã man. Rồi đến chuyện “chém” Ba Sàm.
Câu hỏi tiếp tới là người Mỹ sẽ làm gì để cân bằng với ông Dương Khiết Trì. Một chuyến đi của Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel đến Việt Nam vào Tháng Mười Một này như đã dự kiến?
Hay là không?
Người Việt