Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam: Ly hương từ mảnh đất cách mạng




LS (VNTB) – Úc và Việt Nam chưa bao giờ thân thiết với nhau như hiện nay. Cả hai nước hợp tác trên nhiều phương diện từ giáo dục đào tạo, thương mại cho đến… chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh chống đưa người di cư trái phép.

Việt Nam lại lọt top quốc gia có người nhập biên trái phép bằng thuyền vào Úc. Vì thế, ngay từ tháng 9/2014, thiếu tướng Chris McDevitt – Trưởng sỹ quan liên lạc Cảnh sát liên bang Úc (AFP) tại Việt Nam cùng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) đã cùng nhau chia sẻ “kinh nghiệm đấu tranh” trong chống di cư lậu.

Tháng 11/2014, tại thành phố Hà Tĩnh, Tổ chức Di cư Thế giới (IOM) tại Việt Nam phối hợp Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tổ chức hội thảo về phòng chống di cư trái phép từ Việt Nam sang Úc bằng tàu thuyền và tập huấn cho cán bộ truyền thông tại cộng đồng.

Vượt biên, di cư bất hợp pháp bằng thuyền vô tình nhắc lại một nỗi đau về việc di tán, bỏ xứ mà đi trong giai đoạn 1975 – 1990, mà trong lịch sử gọi là “thuyền nhân”.

Nỗi đau ly tán của hơn 30-40 năm về trước được xem là bi sử thời hiện đại Việt Nam thì nay người con đất Việt ly hương bằng con tàu gỗ nhỏ bùng phát trở lại, khi hàng loạt các chuyến tàu cá tìm cách đưa người di cư sang Úc, ngoại trừ sự lừa lọc, thì hiện tượng này phản ánh đúng thực trạng… người dân đang muốn bỏ chính quê cha đất tổ để đi tìm một vùng đất mới mẻ hơn.

Nếu năm 2010 chỉ có 31 người, năm 2011 có 101 người thì đến năm 2013, đã có 796 người tìm đến Úc bằng thuyền. Trong đó, có Nghệ An – Hà Tĩnh, hai vùng đất được mệnh danh là “giàu truyền thống cách mạng”, lại là nơi có số lượng người tìm đến Úc bất hợp pháp cao nhất Việt Nam. [1].

Cái gì đã khiến người dân chấp nhận “tin tưởng” vào kẻ môi giới và tổ chức di cư trái phép, cái gì đã khiến cho họ bỏ ra số tiền lên đến 6.000-15.000 USD/trường hợp để đổi lấy “quyết định sai lầm”? Và cá cược mạng sống của mình, người thân mình trên con thuyền vượt biên sang Úc?

Tỵ nạn chính trị? Lý do kinh tế? Hay bởi sự lọc lừa quá cao siêu của những đầu nậu, khi phả vào đầu những người đi một viễn cảnh thiên đường thực?
Kinh tế và thế hệ thuyền nhân mới

Nếu sau ngày thống nhất, hàng triệu người ly hương vì tự do, chính trị thì giờ đây, số người ly hương vì yếu tố kinh tế lại nổi bật.

Nghệ – Tĩnh là một trong hai tỉnh có điều kiện thiên nhiên hạn chế, đất chật người đông, lại thêm hệ thống chính quyền ở đây tham ô, quan liêu theo đúng nghĩa “bòn vét” thay vì quản trị nhà nước (đào tạo công ăn việc làm, chuyển giao kỹ thuật, trợ giúp về nghề nghiệp), đẩy họ vào con đường cùng. Đó là vì sao, ngoài con đường bất hợp pháp, Nghệ – Tĩnh còn là nơi cung cấp lượng lao động xuất khẩu, một “mặt hàng” mà còn ý nghĩa lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo của hai tỉnh.

Ly hương, bỏ lại sau lưng vùng đất giàu truyền thống – văn hóa, nhưng cằn cỗi về mặt kinh tế.

Vượt biên lậu để đi tìm một cơ hội mà họ không tìm thấy ở quê hương mình.
Nỗi lo gieo rắc văn hóa xứ lạ

Dù biết rằng, việc vượt biên giai đoạn này thường rơi vào trường hợp thuần kinh tế, do đó, những thuyền nhân hiện nay khác thế hệ thuyền nhân trước đó ( vốn mang theo hành trang là sự chăm chỉ, tuân thủ luật lệ sở tại), cụ thể, người Việt tìm đến Úc để tìm kiếm một cơ hội đổi đời bằng mọi giá và, gieo rắc cái văn hóa “xứ lạ”, khiến dân Úc khiếp đảm. Họ đánh cược sang Úc và họ sẽ làm mọi giá để thu hồi chi phí bỏ ra, kể cả hành nghề bất hợp pháp, trong đó có “trồng cỏ” (cần sa) là một trong những “nghề” mà hầu hết, những ai vượt biên trái phép đều hướng tới.

Không lạ khi vào cuối năm 2010, lực lượng cảnh sát bang Victoria  đã mở chiến dịch Operation Entity, thực hiện cuộc bố ráp lớn nhất lịch sử và tịch thu gần 8,000 cây cần sa đang chờ thu hoạch, người Việt lại góp mặt, chưa kể tại Sydney, người Việt “làm chủ” các đường dây trồng cần sa.

Người Việt làm liều bởi họ bị cái văn hóa “ăn xổi ở thì” trong nước làm tiêm nhiễm đầu óc, lại thêm sống trong một xã hội mà luật pháp gần như không được coi trọng, ngày từ trong nền kinh tế kế hoạch tập trung cho đến nền kinh tế ½ thị trường như hiện nay vẫn là sự luồn lách để làm ăn đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến “lòng quyết tâm làm giàu” nơi xứ người, bằng mọi giác. Vùng đất Nghệ – Tĩnh lại có thêm cái “điều kiện thuận lợi” nữa là yếu tố cục bộ, bè phái, khiến cho việc lôi kéo họ hàng, bè bạn, người thân, đồng hương tìm đến Úc bất hợp pháp, hình thành băng đảng vòi bạch tuộc, đường dây chân rết trồng cỏ mạnh mẽ hơn so với người các tỉnh thành khác.

Lẽ đó, nên người dân hai tỉnh sẽ ít đoái hoài đến chiến dịch “Operation Sovereign Borders” đang được chính phủ Úc tài trợ rầm rộ, cá cược luôn “mạng sống của mình và sinh mạng của gia đình mình” cơ hội đổi đời.

Con tàu cá Hải Hồng từng gây ám ảnh cộng đồng thế giới về quyết tâm ly hương, thì nay, người Việt – thế hệ thuyền nhân mới cũng gây ra một sự ám ảnh tương tự, nhưng thay vì sự tích cực thì đổi lại, nó là cái nhìn tiêu cực từ người bản xứ.

Úc trở thành “quê hương trồng cỏ” đúng nghĩa của người Việt nói chung và người dân Nghệ-Tĩnh nói riêng và vô tình, cộng đồng người Việt tại Úc châu bị tiếng xấu lây từ đó. Đến nỗi, khi cụm từ cần sa đồng nghĩa với cụm từ Việt Nam.
* Theo thống kê đến hết tháng 6/2014 Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng người bị tạm giữ cao nhất tại các trại xét đơn cho người di cư của Úc, với tổng cộng 586 người Việt Nam đang bị tạm giữ tại trại di cư của Úc, chiếm 16% số người bị tạm giữ.


Tin bài liên quan:

VNTB – Khu du lịch Thiên Cầm sạc nghiệp vì Formosa

Phan Thanh Hung

“Bây giờ là 19h00”: Truyền thông, báo chí và thứ bệnh mang tên “Kịch Bản”

Phan Thanh Hung

VNTB- NGUOICAOTUOI bị “đánh” theo chỉ đạo?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo