Minh Tâm
(VNTB) – Báo Tuổi Trẻ ngày 28/11/2014 đã có bài viết với tựa “Giam, giữ quá hạn một ngày có thể bị khởi tố” (http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20141128/giam-giu-qua-han-mot-ngay-co-the-bi-khoi-to/677625.html)
Bài viết dẫn lời ông Lê Minh Thuận – trưởng Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và quản lý giáo dục người chấp hành án phạt tù Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, để nhắc lại một điều luật đã có, nhưng có lẽ không có mấy người dân am hiểu về điều luật rất nhạy cảm và vẫn bị coi là thuộc “vùng kín” này.
Bình luận về bài viết này, một nhà báo độc lập cho rằng ở đây có ẩn ý, bởi nhiều năm qua, tình trạng phổ biến bắt người vô tội vạ và giam giữ công dân trái phép đã xảy ra ở rất nhiều địa phương.
“Nhắc lại điều luật trên cũng trùng với bối cảnh mà Quốc hội Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, thông qua Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc. Sự kiện có vẻ “chẳng đặng đừng” này diễn ra một năm sau khi Nhà nước Việt Nam được chấp nhận vào Hội đồng nhân quyến Liên hiệp quốc. Thực tế ở Việt Nam cho thấy nhiều công dân đã không chỉ bị bắt giam và tạm giữ trái phép mà còn bị tra tấn nặng nề về tinh thần và thể xác. Từ đầu năm 2014 đến nay đã có gần hai chục trường hợp “đột tử” nơi công đường công an…”. Nhà báo này chia sẻ.
Với những động thái điều chỉnh về pháp luật như nói trên – Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc, liệu có quá sớm cho niềm tin giờ đây tình thế đã không còn thuận lợi để cơ quan công an các cấp ở nhiều địa phương muốn làm gì thì làm?. Liệu vụ việc một lãnh đạo công an ở Tuy Hòa bị khởi tố vì dùng nhục hình sẽ là “điều răng” đắt giá cho những kẻ làm càn?.
Cũng kể từ nay, liệu có thể hy vọng những công dân thường xuyên phải chịu thiệt thòi và rủi ro xã hội như dân oan đất đai, nạn nhân môi trường, những người cùng đường phải đi biểu tình, các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ… sẽ bớt bị đàn áp và bị tống giam theo lối côn đồ?. Thậm chí ngược lại, họ hoàn toàn có thể kiện ngược những cơ quan và “công bộc” vi luật và xúc phạm đến thân thể họ.
Câu trả lời ở đây là: “Chưa thể”.
Đã 12 năm rồi còn gì…
Những điều được ông Lê Minh Thuận nhắc lại tại Hội nghị do Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM tổ chức hôm 28-11 vừa qua, thực ra là câu chuyện của 12 năm về trước rồi. Và điều không được nhắc đến trong bài báo lẫn tại Hội nghị là: nếu để xảy ra “giam, giữ quá hạn một ngày”, thì trách nhiệm trước hết cần xem xét khởi tố ông, bà trưởng phòng “Phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam quản lý, giáo dục ngưởi chấp hành án phạt tù và thi hành án hình sự” (trong ngành gọi tắt là Phòng 4).
Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2002, tại Điều 28, cho biết trong quá trình kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm cụ thể như sau:
1. Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp oan, sai trong tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù; quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ và trái pháp luật;
2. Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù thì khởi tố hoặc yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố về hình sự.
Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân yêu cầu trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, Viện kiểm sát nhân dân phải:
1. Thường kỳ và bất thường trực tiếp kiểm sát tại nhà tạm giữ, trại tạm giam và trại giam;
2. Kiểm tra hồ sơ, tài liệu của cơ quan cùng cấp và cấp dưới có trách nhiệm tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù; gặp, hỏi người bị tạm giữ, tạm giam và người chấp hành án phạt tù về việc giam, giữ;
3. Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù;
4. Yêu cầu cơ quan cùng cấp và cấp dưới quản lý nơi tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù kiểm tra những nơi đó và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân;
5. Yêu cầu cơ quan cùng cấp, cấp dưới và người có trách nhiệm thông báo tình hình tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù;
6. Kháng nghị với cơ quan cùng cấp và cấp dưới yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật và yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật.
Như vậy, về nguyên tắc, nếu thực hiện theo đúng quy trình luật định thì rất ít xảy ra những oan sai trong cả khâu xét xử lẫn thi hành án.
Tuy nhiên trên thực tế lại đầy oan sai. Trên diễn đàn Quốc hội gần như chưa có đại biểu nào đặt vấn đề tại sao không có lá phiếu “bất tín nhiệm” dành cho ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, khi ông đã dung túng thuộc cấp lơ là trách nhiệm công vụ, dẫn tới oán than của người dân người càng nhiều hơn.
Từ góc nhìn đó, có thể chia sẻ nỗi lo rằng chuyện thông qua Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc, thật ra chỉ là son phấn trang điểm cho mặt nạ quyền con người ở Việt Nam – nhất là giai đoạn Đảng cầm quyền đang tranh thủ lá phiếu để “cơ cấu ghế”.
Thế nhưng vì sao bài báo Tuổi Trẻ hôm 28-11 lại nhấn đến vấn đề cũ rích?