Việt Nam Thời Báo

Mạng người là vô giá

VŨ HỮU SỰ

Không ai có thể tin nổi rằng có những hội đồng xét xử, người có thẩm quyền quyết định sự sống và cái chết của bị cáo Hồ Duy Hải, lại xử án một cách cẩu thả, đến mức căn cứ vào những vật chứng… mua ngoài chợ

Mạng người là vô giá
Hồ Duy Hải trong phiên xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Long An năm 2008 (bị tuyên án tử hình) – Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ
Việc chiều ngày 4/12/2014, lãnh đạo TAND tỉnh Long An quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với tử tội Hồ Duy Hải (theo lịch thì Hồ Duy Hải sẽ bị tử hình ngày 5/12/2014), để gia đình tử tội có điều kiện kêu oan, đã trở thành một sự kiện đặc biệt.
 Dù đã trôi qua được mấy ngày, nhưng sự kiện đó vẫn “nóng bỏng” trong dư luận cả nước. Đa số ý kiến là đồng tình và hoan nghênh. 
Hồ Duy Hải, 28 tuổi, quê huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, bị VKSND tỉnh Long An truy tố về hành vi “Giết người” theo khoản 1 điều 93 Bộ luật Hình sự, với nhiều tình tiết tăng nặng. 
Theo kết luận điều tra và cáo trạng, thì đêm ngày 13/1/2008, Hồ Duy Hải đã sát hại hai nữ nhân viên tại Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bằng cách dùng tay đánh, dùng thớt gỗ đập vào đầu họ và dùng dao đâm, cắt cổ. 
Bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Long An đã tuyên phạt Hải mức án tử hình. Bị cáo chống án, kêu oan, nhưng tại phiên tòa hình sự phúc thẩm ngày 28/4/2008, hội đồng xét xử vẫn tuyên y án sơ thẩm. 
Suốt từ đó đến nay, đã có hàng trăm bài báo và kiến nghị của luật sư, đề nghị làm rõ rất nhiều tình tiết vô lý trong kết luận điều tra cũng như cáo trạng, nhưng vẫn được hai cấp tòa dùng làm căn cứ để kết án. 
Ví như dấu máu và dấu vân tay thu được ở hiện trường, được cho là của hung thủ, nhưng qua giám định, lại không phải là dấu máu và dấu vân tay của Hồ Duy Hải. 
Cái thớt được cho là Hải đã dùng để đập vào đầu hai nạn nhân, cơ quan điều tra không thu giữ được, nhưng lại cho người ra chợ… mua một cái thớt rồi đưa vào làm vật chứng của vụ án. 
Con dao Thái Lan “dài 28 cm, chiều ngang 3 cm”, được cho là Hải đã dùng nó để đâm, cắt cổ hai nạn nhân, cơ quan điều tra cũng không thu giữ được. Hai ngày sau, dân phòng phát hiện tại hiện trường một con dao không dính máu. Nhưng họ chỉ báo cho cơ quan điều tra rồi đem con dao… đốt đi, sau đó mua một con dao khác ngoài chợ, nộp cho cơ quan điều tra, để làm vật chứng. 
Vậy là trong vụ án này, không có bất cứ một vật chứng phạm tội nào được lưu lại ở hiện trường hay được phi tang ở đâu đó, phù hợp với kết luận điều tra, cáo trạng. Chỉ có dấu máu và dấu vân tay, thì lại không phải là dấu máu và dấu vân tay của người bị kết tội. Tất cả vật chứng là ngụy tạo. 
Mạng người là vô giá. Một khi mũi kim tiêm thuốc độc đã xuyên vào tĩnh mạch của người bị kết tội, thì không gì có thể cứu vãn, không gì có thể bù đắp lại được nữa. 
Không ai có thể tin nổi rằng có những hội đồng xét xử, người có thẩm quyền quyết định sự sống và cái chết của bị cáo, lại xử án một cách cẩu thả, đến mức căn cứ vào những vật chứng… mua ngoài chợ. 
Cũng không có một hội đồng xét xử nào lại coi chứng cứ quan trọng nhất của vụ án, có tác dụng chứng minh sự vô can của người bị truy tố đối với vụ án, là dấu máu và dấu vân tay thu được ở hiện trường, không phải là của họ, chỉ là “sai sót không nghiêm trọng”, để ra một bản án tước đi mạng sống của một con người.
 Chưa biết tới đây, số phận của Hồ Duy Hải sẽ được định đoạt thế nào. Nhưng rõ ràng vụ án này còn rất nhiều ẩn khuất. 
Nên chăng, đã đến lúc cần có một nhóm luật sư bên cạnh Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC, xem xét lại một cách toàn diện hồ sơ của những vụ án có mức án cao nhất, giúp hai vị Chánh án và Viện trưởng những ý kiến, đề xuất cần thiết, để tránh oan sai?  
(Nông Nghiệp)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo