Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tình trạng ‘tuyên truyền, PR’ trong báo chí cách mạng?

Nguyên Khánh

(VNTB) – Nếu là một nhà báo, bạn sẽ tuyên thệ trung thành với nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp (sự thật và công bình). Nhưng nếu bạn được kết nạp là đảng viên, bạn sẽ phải trung thành với Đảng.

Lời tuyên thệ khi vào Đảng, ‘trước Quốc kỳ, Đảng kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tôi xin thề Tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Là một nhà báo, bạn cần phải trung thành hơi sự thật khách quan của tin tức. Nhưng khi bạn là đảng viên, bạn sẽ phải tuân theo chỉ đạo của tổ chức đảng.

Từng có một thời điểm, cánh nhà báo Việt Nam đặt cược số phận để phản ánh sự thật. Vụ PMu18 đã đưa báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên trở thành một ấn phẩm công chính, phục vụ cho tiếng nói của nhân dân, góp sức với nhà nước trong chống nạn tham nhũng công.

Sở dĩ có được vị trí như vậy, ngoài nhiệt huyết báo chí của những nhà báo có tâm và tầm. Cánh nhà báo lúc đó còn chưa bị ràng buộc bởi lời tuyên thệ trước Đảng. Cụ thể, trước năm 2018, theo quy định của pháp luật, có những chức danh lãnh đạo [toà soạn báo] không có yêu cầu về điều kiện là đảng viên vẫn được bổ nhiệm. Tỉnh Quảng Ninh vào đầu năm 2013 trở thành tỉnh đầu tiên công bố quy chế thi tuyển công chức, trong đó người tham dự lãnh đạo cấp sở có thể là người ngoài đảng hoặc chỉ có bằng tại chức.

Năm 2018, báo Thanh Niên thực hiện mệnh lệnh ‘chấn chỉnh báo chí’ đã cho ‘thôi chức’ 12 người đang giữ chức trưởng phó phòng/ban vì không phải là Đảng viên.

Đảng muốn củng cố lại lực lượng trong các tổ chức xã hội – chính trị – nghề nghiệp, chống cái gọi là ‘phai nhạt lý tưởng’, nhưng cùng lúc, sức chiến đấu vì sự thật của báo chí lại phụ thuộc vào điều hướng của đảng uỷ, Ban tuyên giáo trung ương.

Kết quả, từ sau vụ án PMU18, những tin tức của nền báo chí Việt Nam giảm dần độ nhạy lẫn sắc bén về câu chữ. Không thể không thừa nhận, báo chí từ ngày ‘cách mạng’ lại hụt hơi so với mạng xã hội. Định hướng ‘dòng thông tin chủ lưu’ nhằm chống lại ‘lạm dụng thù địch’ trên mạng xã hội rất khó khi báo chí đang quay trở lại vai trò định hướng, tuyên truyền.

Vào tháng 6/2017, Trương Minh Tuấn thời còn là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đã bày tỏ sự lo lắng về ‘tụt hậu’ của báo chí so với mạng xã hội.

Ông Tuấn cũng đề cập đến ‘48 triệu người làm báo’ trong ‘nền báo chí công dân’, nơi mà ‘mỗi người sử dụng mạng xã hội đều có thể làm báo.’

Nhận định ‘tụt hậu’ của ông Tuấn là phù hợp thực tế đã và đang diễn ra. Độ nhanh nhạy và đa chiều của mạng xã hội đối ngược với nền báo chí chuyên chính cách mạng. Và nếu cứ tiếp tục tăng cường tính Đảng, đề cao tuân thủ chủ trương – đường lối Đảng, thì tính phản biện trong báo chí sẽ bị triệt tiêu dần. Nền báo chí nặng tuyên truyền sẽ trở nên vô dụng trước nền báo công dân. Đó là lý do vì sao một chia sẻ thông tin điều tra của nhà báo độc lập Đỗ Cao Cường thu hút hàng trăm ngàn lượt chia sẻ và yêu thích so với vài trăm đến vài chục ở các Fanpage báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao động,… Gần đây nhất, Báo Sạch của anh Trương Châu Hữu Danh ‘khai sinh’ nhưng nhận nhiều sự phản hồi tích cực từ người dùng xã hội.

Ông Võ Văn Thưởng trong buổi chỉ đạo Hội nghị báo chí toàn quốc vào cuối tháng 12/2019 đã cảnh báo hiện trạng ‘chậm cung cấp thông tin khiến báo chí chạy theo mạng xã hội’. Đặc biệt, ông Thưởng cũng cảnh báo tình trạng PR cá nhân hoặc sử dụng báo chí cách mạng để ‘đấu đá chính trị’, làm gợi nhớ đến hình ảnh Đinh La Thăng vớt bèo tây.

Lợi dụng báo chí để đấu đá nội bộ, cạnh tranh phe nhóm, PR hình ảnh mang màu sắc dân túy, mị dân.’ – Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Thực tế, để khắc phục những vấn đề mà ông Thưởng nêu ra, ngoài quản lý nhà nước thì nhà nước Việt Nam cần phải chừa một khoảng trống cho quyền lực dựa trên tự do báo chí được vận hành. Trường hợp cần thiết lập tính đảng toàn diện trong báo chí, thì chỉ nên áp dụng đối với các cơ quan ngôn luận đặc biệt thuộc về đảng như báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Biên Phòng, thay vì áp dụng đại trà lên tất cả các báo hiện nay. 

Đóng góp xã hội của báo chí sẽ tỷ lệ thuận với tự do mà báo chí được hưởng. Nền báo chí Việt không nên trở thành một bản sao của nền báo chí Trung Quốc.

Mới đây, một bộ quy tắc đạo đức được Bắc Kinh ban hành, trong đó kêu gọi cánh phóng viên và nhà báo phải sát cánh với quyền lực ĐCSTQ và tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nền truyền thông – báo chí Trung Quốc bị siết chặt, tiếng nói bất đồng bị dập tắt hoà toàn. 48 nhà báo bị cầm tù trong năm 2019 vì dám phản bác chủ trương – đường lối của ĐCSTQ. 

Tin bài liên quan:

VNTB- Trump bỏ chương trình nghị sự về nhân quyền thế giới

Phan Thanh Hung

VNTB- Hãy vững tin Quỳnh nhé!

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhân ngày báo chí 21/06: Võ Văn Kiệt và báo chí

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo