Việt Nam Thời Báo

VNTB- Như Quỳnh sẽ không phải ở tù hết 10 năm!

Phạm Chí Dũng
VOA
Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ của nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – người vừa bị Tòa án “nhân dân” Khánh Hòa xử đến 10 năm tù trong một phiên tòa được tuyên truyền là “công khai” – không nên quá xúc động khi thốt lên với cháu mình: “Khi con 21 tuổi con mới được gặp mẹ!”.
Bởi một lần nữa trong bao lần của lịch sử, nước Việt đang bước vào thời đoạn “cùng tắc biến”.

Chỉ là những con số

Vào giờ phút này, ở vào tình thế 5 mối nguy mất nước “Trẻ không kính già, Trò không trọng thầy, Tham nhũng tràn lan, Binh kiêu tướng thoái, Sĩ phu ngoảnh mặt với thời cuộc” mà cổ nhân Lê Quý Đôn đã đúc kết, 10 hay 20 hoặc cả 30 năm tù cũng chỉ là những con số. Những con số ấy có thể đột ngột rút ngắn tuổi thọ của chúng một cách đáng kể theo đà sóng lừng dồn đến sóng thần của biển cả dân tộc.
Nhớ lại năm 2012, vụ Câu lạc bộ Nhà báo tự do bị đem ra xét xử. Những nhà đấu tranh cho tự do báo chí là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần đã bị chính quyền xử án lần lượt đến 12 năm và 10 năm tù. Những viên công an đanh ác hả hê trước Tần: “Cứ thế mà ở cho đủ 10 năm đấy!”.
Nhưng chỉ 2 năm sau, Điếu Cày đã được tự do bởi nguyên cớ chính quyền Việt Nam khi đó tràn trề hy vọng được Hoa Kỳ chấp nhận cho tham gia vào Hiệp định TPP. Một năm sau đó, Tạ Phong Tần cũng được tự do.
Song đó là chuyện cũ. Chuyện “đổi tù nhân lương tâm lấy lợi ích thương mại” đã ăn vào bản chất của chính quyền Việt Nam.
Còn 2017 – năm xử án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – lại khác xa bối cảnh năm 2012. Câu chuyện của những người như Quỳnh cũng sẽ khác.
Nếu năm 2012, tình hình kinh tế mới dợm chân vào suy thoái, nội bộ đảng còn chưa phân hóa mạnh dù bắt đầu xảy ra mâu thuẫn đủ lớn “Trọng – Dũng”, còn xã hội chưa đến mức hỗn loạn dù đã bùng nổ “người nông dân nổi dậy” Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng…, thì từ đó đến năm 2017 đã có hàng loạt bằng chứng không thể che giấu về một cơn khủng hoảng kinh tế đang ập tới, kéo theo rất nhiều dấu hiệu cho thấy ngân sách đang cạn kiệt với gia tốc nhanh hơn hẳn, hàng loạt dấu hiệu hiển hiện về phân hóa và phân rã trong đảng, và đặc biệt là những cái tên sôi sục như Formosa, Đồng Tâm…
Bầu không khí xã hội và chế độ đã trở nên kích nén, bấn loạn, khẩn cấp lắm rồi!
Cả đất nước như một lò lửa không chỉ còn âm ỉ.
Bức nén và bấn loạn đến mức ngay cả một nhân vật nguyên thứ trưởng Bộ công an là ông Võ Viết Thanh còn phải ấp ủ ao ước có được “đối lập xây dựng” trong đảng Cộng sản. Bức bối kìm nén đến mức nhiều trí thức, cựu quan chức và cả quan chức đang vận động để đảng cầm quyền trở về tên đảng Lao Động thời Hồ Chí Minh, cho dù một số chủ nhân ông của kế hoạch đó vẫn thầm thì với nhau “chỉ là thay áo thôi mà”…
Với một bầu không khí dễ kích nổ đến thế, lấy đâu ra cơ sở luận chứng để giới bảo thủ trong đảng cầm quyền tưởng tượng về “tầm nhìn đến năm 2030” cùng các kế hoạch cho sự tồn tại của đảng trong hàng chục năm nữa?

Nhà tù nhỏ và nhà tù lớn

Năm 1986, tình hình Liên Xô trước khi tan rã vẫn có vẻ ổn định vào. Kể cả đến năm 1988 vẫn chưa có gì xáo động lớn, ít ra trên bề mặt xã hội. Nhưng chỉ một vài năm sau, bức tường Berlin bất thần sụp đổ trước làn sóng khổng lồ của người dân Đông Đức, còn 20 triệu đảng viên cùng vài triệu binh sĩ và công an xô viết đã trở nên tê liệt trước hình ảnh chấm dứt độc quyền của đảng cộng sản ngay tại đất nước này.
Mọi chuyện cũng có thể diễn biến nhanh, thậm chí rất nhanh ở Việt Nam. Dân chủ và quyền dân đã bị dồn vào chân tường để luôn có thể bật ra, bùng lên bất cứ lúc nào. Cái gọi là “dân chủ nội bộ” cũng nghẹt thở. Tưởng chừng sau Đại hội 12 vào dầu năm 2016, chính trường sẽ “thống nhất”. Nhưng ngược lại là đằng khác, bầu không khí chính trị như trở về thời tiền Mười hai sứ quân. Nhanh đến phát sợ, ngày càng nổi lên nạn cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương. Hừng hực và mê muội như thiêu thân, các nhóm lợi ích móc chặt cùng các nhóm thân hữu trong chính quyền và trong đảng đua nhau lao theo “chuyến tàu vét”. Xung đột tràn lan và tàn nhẫn từ địa phương đến trung ương, thật như thời Lê mạt.
Nhưng xung đột ghê gớm không kém là giữa một bên là chủ nghĩa Mác – Lê với bên kia là thuyết kim tiền.
Kể từ thời Liên Xô tan vỡ và khủng hoảng Đông Âu vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, chưa bao giờ có nửa năm đầu đầy biến động hỗn tạp cả về chính trị, kinh tế, xã hội và đối ngoại như năm 2017 này. Tất cả cứ như bị siết nghẹt trong một cái áo quá chật hẹp, những đường chỉ chỉ chờ chực nứt tung. Sau tất cả các cuộc xung đột triền miên, phần đông đang nhìn thấy một cơn sóng thần lừng lững xô đến. Nhưng bi kịch thay, tất cả vẫn còn nguyên trong vòng luẩn quẩn. Tất cả vẫn còn nguyên bế tắc.
Nếu những người như Như Quỳnh bị giam hãm trong nhà tù nhỏ, chắc chắn những kẻ cầm quyền cũng chẳng sung sướng gì: họ đang nằm trong một nhà tù lớn.

Lối thoát

Nhưng kém may mắn hơn Như Quỳnh rất nhiều, những kẻ cầm quyền không có nhân dân bên cạnh. Xung quanh họ và trong họ chỉ là một sự cô độc mênh mông, một sự cô đơn tự nguyền rủa.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi một bộ phận đảng viên và một số thế lực trong đảng đang ngày càng nhiều hơn những biểu hiện muốn “tự cải cách” để thoát khỏi con tàu sắp đắm… Đây mới chính là tác nhân lớn nhất, hiện thực nhất và khả thi nhất dẫn đến một cuộc đảo lộn và bắt buộc phải dân chủ hóa chính thể trong những năm tới, chứ không chỉ là tác động từ yếu tố đối ngoại và cộng đồng nhân quyền quốc tế.
Thời gian không còn nhiều nữa. Mà lại thật ngắn ngủi cho những cá nhân cầm quyền muốn tìm lối thoát. Có lẽ nửa cuối năm 2017 sẽ chứng kiến những bùng nổ xung đột cùng những chuyển động không những “thay da” mà còn phải dần “đổi thịt” cho năm 2018 và những năm sau đó.
Không hẳn giống với kịch bản một Miến Điện chuyển tiếp dân chủ từ năm 2012 khi có đến vài trăm tù nhân chính trị được trả tự do theo lộ trình, nhưng Việt Nam cũng phải chuyển biến theo cách đó, không khác hơn được. Nếu không, chế độ và cả đất nước này sẽ bị cô lập như một ốc đảo giữa đại dương cuồn cuộn sóng dữ.
Cũng không thể khác hơn, những người đấu tranh nhân quyền bị xử án tù ở thời điểm này đều có hy vọng sẽ phải được trả tự do sớm. 10, 20 hay cả 30 năm tù đều chỉ là những con số tự huyễn hoặc về ảo tưởng sức mạnh của buổi chợ chiều chính thể.
Là một cựu đảng viên đảng cộng sản và có lẽ đã quá hiểu cái đảng này, tôi tin chắc rằng những người đấu tranh vì nhân quyền, vì nhân dân như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ không phải thụ hết cái án tù 10 năm. Thậm chí ngay cả một nửa hay một phần ba của con số đó sẽ là quá bội thực đối với giới cầm quyền đã nhốt giam Như Quỳnh.

Tin bài liên quan:

VNTB – Biếm họa Chủ nhật: mình ơi, CNN

Phan Thanh Hung

Rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu Tổng thống Mỹ đã trao “món quà chiến lược” cho Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VNTB – Bi kịch một đời thơ Chế Lan Viên

Phan Thanh Hung

5 comments

Nặc danh 01.07.2017 12:42 at 00:42

CÁI MÀ TÔI SỢ NHẤT HIỆN NAY LÀ NẾU NHÀ CẦM QUYỀN TIẾP TỤC "NGOAN CỐ " chuyện tắm máu có thể xảy ra nếu cứ cố gắng dốn dân vào chân tường và luật rừng như hiện nay ! NGÀY ĐÓ CHẮC CHẮN PHẢI ĐẾN DÙ SỚM HAY MUỘN

Reply
Nặc danh 01.07.2017 3:58 at 03:58

Đọc bài này của Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng, tôi bỗng thấy ý kiến của tác giả Anh Văn -cũng của Việt Nam Thời Báo- không nên cho công an làm kinh tế là rất chính xác . Tôi ủng hộ ý kiến này của tg Anh Văn .

Để làm được chuyện này, Đảng cần vặt lông vịt, lộn, tăng thuế & dồn tiền thuế đó tăng lương cho riêng ngành công an . Nếu lương công an dư giả, công an không phải làm kinh tế thì có thể tập trung cao hơn cho nhiệm vụ chính của mình là bảo vệ Đảng . Bây giờ vừa làm kinh tế vừa bảo vệ Đảng mà còn lập được những chiến công vang dội, thì khi công an chỉ làm mỗi việc tập trung toàn bộ trí lực vào công cuộc bảo vệ Đảng thì tôi tin chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cùng những người đồng cảnh ngộ dư sức qua cầu 10 năm . Có thêm 10, 20, 30 năm nữa, với bộ máy công an hoàn hảo vì không phải làm kinh tế -ý của tg Anh Văn- cũng đủ sức để bảo vệ Đảng .

Đó là chưa kể giới trí thức nước nhà đang canh cánh nỗi lo về sự sinh tồn của Đảng đấy . Cộng 2 thứ đó vô, Đảng sẽ có khả năng lãnh đạo đất nước & dân tộc đến ngàn đời luôn . 10 năm thấm thía gì .

Reply
Nặc danh 01.07.2017 5:35 at 05:35

Trình duyệt Opera đã bán cho Tàu khựa lâu rồi tại sao lại khuyến khích bạn đọc cài đặt trình duyệt này vậy? Mặc dù Opera có các tính năng hay khi vượt tường lửa nhưng có ai dám đảm bảo rằng Tàu khựa nó không xử dụng Opera để theo dõi user và cung cấp thông tin của user cho tên đàn em CSVN của chúng?
Đề nghị bộ phận IT của tòa báo xem lại để bảo vệ an toàn cho người dùng.

Reply
Nặc danh 01.07.2017 11:14 at 11:14

Bài viết này của anh Phạm Chí Dũng là cảm nhận sâu sắc thế cuộc. Tình hình lúc này như nồi súp de chuản bị nổ mà đảng cầm quyền cứ ảo tưởng rằng nó còn mạnh lắm, còn doạ được dân, còn đánh đạp, giết người, bỏ tù …. Nó đang đổ dầu đốt nồi.
Hỡi ôi.
KGB ngồi từng nhà, súng ống xe tăng trùm thiên hạ rồi cũng bất lực mà sụp đổ tan tành.
Những kẻ điên cuồng rồi cũng kết thúc thê thảm như vợ chồng Ceausescu.

Việt nam những ngày này không gì ngu ngốc điên khùng hơn nếu chọn đánh đập dân và bỏ tù người yêu nước. Đó là chọn con đường chết. Đó là chọn con đường nô lệ cho TQ.

Thế và lực đã xoay chuyển rồi.
Hãy nhớ lấy. Điên khùng không còn doạ được dân Việt nam nữa rồi.
Sự kết thúc đang phải đến, điều đó đang diễn ra dữ dội ngay cả trong cái đảng cs thối nát này.
Tất cả đều biết đảng không thay đổi, toàn dân sẽ tự làm. Không gì cản được. Đó là điều chắc chắn.
Tự do cho dân tộc. Tự do cho Mẹ Nấm đang đến.

Reply
Nặc danh 02.07.2017 9:45 at 09:45

Nên nhớ Việt Nam ta thì phải khác .

Đúng, nếu là thế giới thì nhận định của Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng (đã) trễ 10 năm . Nhưng Việt Nam ta thì phải khác, nên có thể độ chính xác sẽ là – (âm) 100 %, tức là nghĩ ngược lại thì hoàn toàn chính xác .

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo