Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nước ngọt… mặn như nước mắt

Nước ngọt - nước mắt

Hiền Vương

(VNTB) – Bởi vậy nước ngọt có vị mặn đắng như nước mắt khốn cùng của người dân Việt hôm nay.

 

Dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long giảm so với tháng 2. Dự báo tổng lượng dòng chảy trong tháng 3 và tháng 4 sẽ thấp hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 50-60%. Đến cuối tháng 3 các sông Nam Bộ chịu ảnh hưởng của triều cường, trong đó kỳ triều cường rằm tháng 2 âm lịch (giữa tháng 3 dương lịch) đỉnh triều sẽ ở mức cao…

Những bản tin với các con số nặng nề. Độ mặn cao nhất năm có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 3 ở khu vực hạ lưu sông Cửu Long (sông Tiền, sông Hậu). Còn trên hệ thống sông Vàm Cỏ sẽ vào cuối tháng 5. Độ mặn năm nay có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn thiên tai năm 2016. Ranh mặn 4 g/l xâm nhập sâu nhất khoảng 60 – 80km trên hệ thống sông Tiền, sông Hậu và khoảng 100 – 110 km trên hệ thống sông Vàm Cỏ.

Nguyên nhân được cơ quan chuyên xác định do đầu tháng 2, lượng nước sông Mekong về đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 40 cm và 20 cm so cùng kỳ năm 2016. Kết hợp với triều cường rằm tháng Giêng và gió mùa đông bắc làm cho độ mặn trên các sông Tây Nam Bộ lên cao và xâm nhập 50 – 95 km (ranh mặn 4 phần nghìn), sâu hơn năm 2016 từ 2 đến 11 km.

Thế nhưng người dân ở Bến Tre, nơi hạn mặn đã ‘phủ sóng’ toàn bộ diện tích cả 3 xứ cù lao (cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh), thì nước nhiễm mặn vào Bến Tre đã bắt đầu từ giữa tháng Chạp và tăng dần cho tới hôm nay. Nguồn nước từ các nhà máy cấp cho người dân ở thành phố Bến Tre hiện độ mặn đã dao động từ 3 – 4 phần ngàn nên không thể nấu nướng, tắm giặt gì được.

Liệu có phải tất cả là ‘tại ông trời’? Câu trả trả lời trúng nhất ở đây, thì trách nhiệm ‘bao trùm’ phải là Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa 11, 12.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long và sông Mê Kông, cho biết “điểm nhấn” trong sự nghiệp của mình, là khi ông tham gia nhóm chuyên gia quốc tế thực hiện Đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính Mê Kông năm 2009.

“Trước đó, tôi chỉ loay hoay làm những việc bảo tồn đa dạng sinh học ở những khu bảo tồn đất ngập nước ở đồng bằng. Sau khi tham gia nhóm chuyên gia, tôi chợt giật mình ngẩng đầu lên, ngó rộng hơn và ngộ ra rằng những việc mình làm sẽ bị phủi sạch bởi những chuyện lớn như biến đổi khí hậu và các đập thủy điện ở thượng nguồn”, ông Thiện nhớ lại.

Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính Mê Kông (SEA) được Tổ chức Quốc tế về đánh giá tác động môi trường (AIAI) trao giải Sáng kiến hợp tác diễn ra ở Bồ Đào Nha vào tháng 5/2012.

AIAI đánh giá nhóm thực hiện SEA có nhiều đóng góp trong dự báo, đánh giá tác động của việc xây dựng 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông và quá trình ra quyết định xây đập. Cụ thể, trong báo cáo đã khuyến nghị việc xây dựng các con đập hạ nguồn Mê Kông sẽ gây ra những tác động không thể cứu vãn đối với hệ sinh thái của con sông, ảnh hưởng đến sinh kế và an ninh lương thực của hàng triệu người phụ thuộc vào nguồn tài nguyên của dòng Mê Kông; vì vậy, các quốc gia dọc Mê Kông cần dừng quyết định xây đập thủy điện trên dòng sông này ít nhất là 10 năm nữa.

Sau khi tham gia nhóm chuyên gia quốc tế nghiên cứu về Mê Kông năm 2009, ông Thiện quyết định trở thành người hoạt động độc lập, không làm cho một cơ quan tổ chức nào nữa.

“Len lỏi lội rừng bên Lào, tôi hiểu được suối nguồn tạo dòng Mê Kông như thế nào. Lội sình phơi nắng cả tháng bên Campuchia, tôi thấy sếu đầu đỏ ăn trong nước mặn ra sao. Về Đồng Tháp, tôi hiểu tại sao người dân trồng lúa ba vụ mà vẫn nghèo. Về miền biển, tôi hiểu cá biển đồng bằng mình nhiều là nhờ nước đục phù sa”, ông Thiện chia sẻ.

Hiểu nhiều nên ông càng trăn trở, nhất là chuyện thủy điện trên dòng chính Mê Kông. Ông lý giải từ hàng ngàn năm trước, dòng nước Mê Kông như một băng chuyền vĩ đại, miệt mài mang phù sa về kiến tạo nên đồng bằng sông Cửu Long. Phù sa sông Cửu Long còn tràn ra biển, tạo thành một vùng nước đục khoảng 20 – 30 km tính từ bờ ra. Nó chính là chiếc áo giáp của đồng bằng.

Vì nước đục nặng hơn nên sóng biển gặp lớp phù sa sẽ giảm bớt sức mạnh đánh vào bờ. Nhưng, khi thủy điện chặn mất phù sa, chiếc áo giáp bị mỏng, sạt lở sẽ gia tăng, một quá trình ngược với kiến tạo sẽ bắt đầu. Lo ngại của ông Thiện là có cơ sở. Theo số liệu của Ủy hội Sông Mê Kông, năm 1992 lượng phù sa lơ lửng trên sông là 160 triệu tấn/năm.

Nhưng đến năm 2014, sau khi hàng loạt dự án thủy điện được xây ở thượng nguồn Mê Kông, lượng phù sa chỉ còn 85 triệu tấn/năm, giảm gần một nửa. Riêng cát sỏi chìm dưới đáy sông gần như không còn về hạ nguồn…

Đáng tiếc là tất cả những khuyến cáo định kỳ của Tổ chức Quốc tế về đánh giá tác động môi trường (AIAI) về dòng chảy Mê Kông, những chủ động lên tiếng bằng các công trình khảo cứu của nhóm chuyên gia độc lập như các ông Nguyễn Hữu Thiện (email của ông Thiện: Email: savingwetlands@gmail.com); ông Lê Văn Tuấn, ông Dương Văn Ni, ông Nguyễn Đức Tú (cả 3 đều là giảng viên trường Đại học Cần Thơ); ông Lê Phát Quới ở Sài Gòn; ông Đào Trọng Tứ ở Hà Nội…, gần như đã không được Bộ Chính trị các khóa 11, 12 quan tâm, cầu thị để có thể hoạch định ra sách lược phù hợp với Trung Quốc – quốc gia đang được cho là nơi tạo ra sự cạn kiệt dòng chảy của Mê Kông.

Bởi vậy cho nên nước ngọt có vị mặn đắng như nước mắt khốn cùng của người dân Việt hôm nay.

Tin bài liên quan:

VNTB – Mùa Noel đó…

Do Van Tien

VNTB – Thầy Thích Pháp Hoà: “Quê hương tôi đất rộng, cò bay thì được, tôi về thì không…”

Do Van Tien

VNTB – Yêu cầu độc lập và yêu cầu phản tố trong vụ án dân sự ở Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo