Diễm Thi
(VNTB) – WHO công bố Wuhanvirus (virus Vũ Hán) là đại dịch toàn cầu.
Hơn trăm quốc gia bị ảnh hưởng về mặt kinh tế, 120.000 người bị lây nhiễm, gần 5.000 người tử vong.
WHO công bố đại dịch trong bối cảnh Trung Quốc có những chuyển biến tích cực về phòng chống dịch bệnh. Trước đó vào ngày 10 tháng 03, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức tới Vũ Hán – khởi gốc dịch bệnh. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cũng nhanh chóng khẳng định nước này đã vượt qua đỉnh dịch do số ca nhiễm mới đang giảm nhanh.
Tại sao sau 24 giờ Chủ tịch Trung Quốc đến Vũ Hán và mở khả năng dở bỏ cách ly Vũ Hán, WHO tuyên bố đại dịch? Liệu có quan hệ gì giữa việc hỗ trợ cho Bắc Kinh giữ chân các doanh nghiệp sản xuất ở lại công xưởng lớn nhất thế giới? Hay lần công bố này diễn ra trong tình thế nền kinh tế thế giới đang đi vào quỹ đạo khủng hoảng?
Không phải ngẫu nhiên tại Trung Quốc xảy ra hiện tượng rất nhiều nhà máy bật điện, chạy sản xuất nhưng lại vắng bóng công nhân. Điều này xuất phát từ mệnh lệnh chính trị buộc tái khởi động sản xuất trong nước, bất chấp dịch bệnh vẫn còn bao quanh tại quốc gia này.
“Mở đèn và điều hòa không khí cả ngày trong các văn phòng không người, bật thiết bị, làm giả bảng chấm công và thậm chí hướng dẫn công nhân nhà máy nói dối thanh tra chỉ là một số cách mà các công ty áp dụng để có được thống kê ‘màu hồng’ cho chính quyền địa phương báo cáo lên trên. Dữ liệu tiêu thụ điện thường được xem là thước đo cho tỷ lệ doanh nghiệp trở lại hoạt động khi các tỉnh báo cáo lên chính quyền trung ương ở Bắc Kinh và công chúng.” [1]
Forbes trong một bài viết đầu tháng 3 chỉ ra, dịch virus chủng mới là cú đòn knock-out đối với Trung Quốc. Các doanh nghiệp sẽ rút ra khỏi Trung Quốc. Và ‘nếu ông Trump tái đắc cử, các công ty sẽ càng nhanh chóng rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc’.
Quan trọng hơn khi virus chủng mới đe dọa nghiêm trọng vai trò ‘công xưởng của thế giới’ Trung Quốc sở hữu trong 30 năm qua thì khủng hoảng kinh tế sẽ xuất hiện và đe doạ ổn định chính trị, đặt dấu hỏi nhiều hơn cho tương lai chính trị của Tập Cận Bình, người hiện không còn giới hạn về mặt nhiệm kỳ trong vai trò Chủ tịch nước.
Do đó có thể công bố đại dịch của WHO sẽ lôi kéo các doanh nghiệp trở lại Trung Quốc hoặc ít nhất chấm dứt tình trạng di chuyển công xưởng sản xuất ra khỏi đất nước này.
WHO dưới thời Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus bị chỉ trích là quan liêu, trì trệ. Những gì mà tổ chức y tế hàng đầu làm đến hiện nay là ‘ca ngợi’ cách xử lý của Trung Quốc với dịch bệnh, đổi tên gọi virus, và không hình dung ra được dịch bệnh sẽ đi đâu và về đâu.
Tham khảo
[1] https://news.zing.vn/den-sang-ma-khong-co-nguoi-cac-cong-ty-tq-gia-vo-hoi-phuc-the-nao-post1055754.html