Lan Hương, phóng viên RFA
2017-05-31
Ảnh minh họa.
Ngày 23/5 Bộ Chính trị đã ban hành quy định kiểm tra, giám sát kê khai tài sản khoảng 1000 cán bộ và cơ quan giám sát chính là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra trung ương. Chuyện kê khai tài sản công chức đã được thực hiện nhiều năm nay nhưng đa số ý kiến cho rằng chưa hiệu quả.
Không chỉ là chống tham nhũng
Ngay sau khi quy định kiểm tra, giám sát kê khai tài sản khoảng 1000 cán bộ được Bộ chính trị đưa ra, một số nhà quan sát đã nhận thấy chiến dịch năm nay khác với các năm khác ở chỗ không chỉ chú trọng đến chống tham nhũng mà còn là kiểm soát quyền lực.
Nói với đài RFA, Nhà báo Phạm Chí Dũng – TS. Kinh tế ở Sài Gòn cho rằng những chiến dịch kiểm tra tài sản trước đây được nói là nhằm chống tham nhũng nhưng chỉ mang tính hình thức vì số vụ bị phanh phui thiếu trung thực rất nhỏ nhoi. Ông phân tích yếu tố kiểm soát quyền lực trong chiến dịch lần này:
Sau đại hôi XII, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành nhân vật số 1 của Việt Nam và vấn đề kiểm soát quyền lực được đặt lên gần như hàng đầu và cực kỳ quan trọng. Vừa rồi chuyện ông Nguyễn Phú Trọng loại ông Đinh La Thăng ra khỏi bộ Chính trị đã cho thấy ông Trọng tiến được một bước không nhỏ trong việc kiểm soát quyền lực. Mà kiểm soát quyền lực của phe đối trọng có nghĩa là gia tăng quyền lực về phe mình.
Sau đại hôi XII, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành nhân vật số 1 của Việt Nam và vấn đề kiểm soát quyền lực được đặt lên gần như hàng đầu và cực kỳ quan trọng.
– Nhà báo Phạm Chí Dũng
Đầu tháng 5 vừa rồi, ông Đinh La Thăng, nguyên bí thư thành ủy TP.HCM, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã bị kỷ luật và cho thôi chức ủy viên bộ Chính trị vì những sai phạm ông này mắc phải khi còn lãnh đạo PVN, làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước.
Truyền thông trong nước ngày 29/5 trích dẫn lời bà Lê Thị Thủy, Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ nói rằng việc kê khai tài sản cán bộ từ trước đến nay chưa được làm đầy đủ, bài bản. Bà khẳng định rằng quy định mới của Bộ Chính trị sẽ được làm một cách nghiêm túc, không ngoại trừ ai.
Quy định mới này đưa ra 3 căn cứ để kiểm tra đó là khi cơ quan có thẩm quyền yều cầu, khi có phản ánh đơn thư tố cáo và khi có dấu hiệu vi pham quy định về kê khai tài sản.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định thêm một số điểm khác biệt trong chiến dịch kiểm tra kê khai tài sản lần này so với những lần trước:
Lần này chiến dịch kê khai kiểm tra tài sản cán bộ được tung ra ngay sau khi xử lý kỷ luật ông Đinh La Thăng, ủy viên bộ Chính trị. Thứ hai là có con số cụ thể. Theo bà Lê Thị Thủy, phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đảng thì con số đó lên tới khoảng 1000 quan chức. Tôi hiểu số này bao gồm 200 ủy viên trung ương, gồm cả bộ Chính trị và ban bí thư. 800 còn lại là ủy viên thường vụ các tỉnh ủy và thành ủy. Một điểm quan trọng nữa đó là sau khi kiểm tra xong phát hiện sai phạm thì sẽ công khai lên báo đài. Chuyện này trước đây không có.
Còn theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Qúy Thọ, chuyên gia phân tích chính sách của Bộ kế hoạch và đầu tư, những chiến dịch kê khai tài sản lần trước chưa thành công là do các vấn đề về khủng hoảng kinh tế:
Đặc biệt là nhiệm kỳ trước của Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải đối phó với những khó khăn như lạm phát, nợ xấu, doanh nghiệp phá sản nên người ta tập trung vào làm chuyện đó nhiều hơn. Gần đây người ta cho rằng kinh tế dần đi vào quỹ đạo. Tuy nhiên những sai lầm về kinh tế giai đoạn trước để lại hậu quả nghiêm trọng trong đó có sự suy thoái của nhiều cán bộ. Cho nên việc này là một giải pháp để kiểm tra sự minh bạch tài sản của các cán bộ.
Đồng tình với quan điểm Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, ông Phạm Qúy Thọ cũng cho rằng đây là một giải pháp kiểm soát quyền lực đang được dư luận đề xuất là một trong những biện pháp chủ yếu để tiến tới cải cách thể chế thực chất hơn.
Từ nói đến làm…
Việc kê khai tài sản, thu nhập được chính thức thực hiện từ tháng 12/2013 theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ, nhưng nhiều ý kiến nói rằng việc thực hiện chưa hiệu quả, dẫn đến những lo ngại về chiến dịch lần này. Tiến sĩ Phạm Qúy Thọ nhận định:
Tất nhiên khi nhìn vào quá khứ người ta vẫn nghi ngờ tính khả thi của giải pháp này. Tuy nhiên công chúng vẫn hy vọng rằng nếu thực hiện tốt sẽ mang lại những chuyển biến về thể chế. Thậm chí người ta cho rằng việc này phải làm và làm từ trên xuống dưới, phải làm từ cấp cao nhất xuống.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nghĩ rằng không ai có thể nói trước là chiến dịch lần này có khả thi hay không. Theo ông, muốn làm được trước hết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải huy động được lực lượng lớn người làm công tác nghiệp vụ kiểm tra kê khai, đặc biệt những người trong hệ thống điều tra pháp luật.
Bây giờ trong tay ông Nguyễn Phú Trọng có Uỷ ban kiểm tra Trung ương. Nhưng ông ấy nên nhớ là ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Trung Quốc muốn làm được thành công chiến dịch kiểm tra tài sản cán bộ thì Tập Cận Bình đã phải nắm được cả hai Bộ quốc phòng và Bộ Công an. Còn ông Trọng, mặc dù ông ấy phụ trách quân ủy trung ương và ông ấy nằm trong thường vụ đảng ủy công an trung ương nhưng nhiều ý kiến nói rằng ông Trọng chưa nắm được cả hai bộ quốc phòng và công an, đặc biệt là bộ công an. Nếu chưa nắm được bộ Công an thì lấy đâu hồ sơ để kiểm tra cán bộ.
Tuy nhiên công chúng vẫn hy vọng rằng nếu thực hiện tốt sẽ mang lại những chuyển biến về thể chế.
– Tiến sĩ Phạm Qúy Thọ
Một thách thức khác Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu ra đó là việc các quan chức liên kết với nhau chống đối lại chiến dịch này để bảo vệ tài sản của họ. Ông cho rằng đây sẽ là một trở ngại lớn cho ông Nguyễn Phú Trọng vì quân số cán bộ rất đông.
Mới hôm 16/3 vừa qua, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục chống tham nhũng nói tại Hội nghị tổng kết dự án đánh giá công tác phòng chống tham nhũng rằng thời gian qua nhiều địa phương không phát hiện ra trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực và không xử lý trường hợp nào về tham nhũng.
Còn theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015 số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên một triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực.
Trong khi đó báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ cho thấy trong số 1 triệu bản kê khai, các cơ quan chức năng xác minh 414 người nhưng lại chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Việt Nam đã bắt đầu thực thi Luật phòng chống tham nhũng từ năm 2006 và Nghị định 78 của Chính phủ về minh bạch, tài sản thu nhập từ năm 2013. Tuy nhiên, Báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế hồi đầu năm nay cho thấy Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong châu Á về tỷ lệ tham nhũng, chỉ sau Ấn Độ, và đứng thứ 113/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu về tham nhũng.