Việt Nam Thời Báo

Pháp lên tiếng vụ GS Hoàng; các nhà tranh đấu thất vọng

VOA
Nhà tranh đấu Phạm Minh Hoàng (giữa) khi đến Pháp, ngày 25/6/2017.
Nhà tranh đấu Phạm Minh Hoàng (giữa) khi đến Pháp, ngày 25/6/2017.
Chính phủ Pháp nói họ lấy làm tiếc về việc nhà tranh đấu Phạm Minh Hoàng bị chính quyền Việt Nam trục xuất khỏi Việt Nam.
Trong thư hồi đáp gửi cho VOA-Việt Ngữ hôm thứ Hai 29/6, tòa đại sứ Pháp tại Hà Nội viết:
“Pháp lấy làm tiếc về quyết định của chính quyền Việt Nam tước quốc tịch Việt Nam và trục xuất giáo sư và blogger song tịch Pháp-Việt Phạm Minh Hoàng.”
Bí thư thứ nhất Tòa Đại sứ Pháp Fabienne Rynyo nói tiếp:
“Các quyền tự do ngôn luận, nhất là trên Internet, được công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị bảo đảm, mà Việt Nam là một nước tham gia ký kết. Pháp kêu gọi chính quyền Việt Nam phải đảm bảo tuân thủ các cam kết này.”
Một số nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam bày tỏ thất vọng về thái độ có vẻ thờ ơ của Pháp, và cho rằng phản ứng của Pháp là không đủ quả quyết. Ông Nguyễn Bắc Truyển từ Sài gòn:
“Tôi rất là thất vọng trước sự thờ ơ của đại sứ quán Pháp, cũng như Tổng lãnh sự quán Pháp tại Sài gòn về việc anh Hoàng bị tước quốc tịch Việt Nam.”
Luật sư nhân quyền Lê Công Định nhận định rằng Pháp có vẻ không quan tâm đến trường hợp này:
“Thật sự họ không quan tâm đến vấn đề chính trị nội bộ của Việt Nam cũng như vấn đề pháp lý, bởi vì đối với họ việc bị tước quốc tịch hay bị trục xuất công dân của Việt Nam họ xem như là việc của nước bên ngoài. Nhưng vì anh Hoàng trên nguyên tắc vẫn còn quốc tịch Pháp vào thời điểm bị trục xuất, cho nên phía Pháp phải tiếp nhận ảnh giống như nước mà có công dân của mình bị nước ngoài trục xuất.”
Ông Truyển nói thêm rằng chính phủ Pháp dường không quan tâm đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, và đặt quyền lợi kinh tế lên trên hết:
“Có thể nói rằng chính quyền không quan tâm lắm đến tình trạng nhân quyền Việt Nam. Một cách chung chung thì cũng dễ hiểu, vì họ đặt quyền lợi kinh tế lên hàng đầu. Nhưng anh Hoàng là một công dân Pháp, anh hưởng quyền song tịch, anh có quốc tịch Việt Nam và bị tước đi cái quyền đó một cách tùy tiện, độc đoán, sai pháp luật, nhưng chính phủ Pháp lại không can thiệp.”
Về mặt pháp lý, luật sư Lê Công Định cho rằng cả quyết định tước quốc tịch, giải pháp trục xuất và việc thi hành lệnh trục xuất của Việt Nam đối với ông Hoàng đều vi phạm pháp luật:
“Việc trục xuất anh Hoàng dựa trên một quyết định được ban hành sai pháp luật. Đáng tiếc là khi tước quốc tịch anh Hoàng, Chủ tịch nước ký một văn bản không có cơ sở pháp lý. Trong khi đang khiếu kiện quyết định này thì lẽ ra họ phải dừng lại. Đằng này họ cho thi hành quyết định. Tôi nghĩ cách thi hành cũng không đúng luật, vì việc tước quốc tịch của một người không đương nhiên dẫn đến việc trục xuất người đó ra khỏi Việt Nam. Giả định rằng việc trục xuất là hợp pháp, thì việc trục xuất cũng phải dựa trên một thủ tục đàng hoàng, chứ không thể là bắt cóc rồi sau đó tìm cách trục xuất mà không cho gia đình tiếp xúc. Tôi cho rằng cả ba bước từ lúc ban hành quyết định, chọn giải pháp trục xuất và cách thi hành đều trái pháp luật.”
Khi tới Pháp hôm Chủ Nhật, ông Hoàng nói với hãng tin AFP rằng ông rất buồn khi bị trục xuất, nhưng ông tuyên bố sẽ tiếp tục con đường tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.”
Tổ chức Human Rights Watch trong một tuyên bố nói hành động tước quốc tịch Việt Nam của ông Hoàng là “không có tiền lệ và gây sốc.”
“Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ họ sẵn sàng vi phạm nhân quyền, họ cho đó là điều cần thiết để duy trì quyền lực chính trị”.
Ngay sau khi đặt chân xuống phi trường, Giáo sư Phạm Minh Hoàng gặp khoảng 40 thành viên cộng đồng người Việt ở Paris trong một căn phòng có treo cờ Việt Nam Cộng hòa cùng hình ảnh của tổ chức Việt Tân- mà ông là một thành viên, ông kể chi tiết chuyện ông bị bắt và trục xuất, và có đề cập tới cuộc gặp với ông Tổng lãnh sự quán Pháp ở TP HCM.
“Tôi không hiểu họ sợ tôi cái gì nữa? Tôi năm nay 62 tuổi. Tôi ngồi giữa 3 người an ninh [trên máy bay]”.
Ông Hoàng cho biết 3 người này chỉ rời đi khi biết chắc ông đã nhập cảnh Pháp.
Tại cuộc gặp ở Paris, ông Hoàng cho biết nội dụng trao đổi với đại diện chính phủ Pháp vào đầu tháng này:
“Tòa đại sứ tin rằng tôi đã bị mất quốc tịch rồi, tại vì theo họ đây là chuyện xảy ra giữa hai bộ ngoại giao với nhau. Họ nói việc có quốc tịch Pháp không phải là quyền, anh phải xin, việc mất quốc tịch Pháp cũng không phải là một cái quyền, anh cũng phải xin luôn. Mà hỏi xin thì phải xét. Họ xét theo các điều kiện xem nó có cho phép hay không. Nếu mà anh đã mất quốc tịch Việt Nam thì nước Pháp cũng không thể nào hủy quốc tịch Pháp của anh được. Nước Pháp không chấp nhận vô tổ quốc.”
Bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ của nhà bất đồng chính kiến hôm 23/6 cho VOA Việt Ngữ biết rằng chồng bà đã bị “lôi ra khỏi nhà” và bà được thông báo ông Hoàng “sẽ bị trục xuất” vào ngày hôm sau, tức ngày 24/6.
Trả lời báo chí về vụ tước quốc tịch ông Hoàng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 15/6 nói rằng việc làm đó “hoàn toàn theo đúng pháp luật Việt Nam”.
Bà Hằng nói ông Hoàng “vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia”, nhưng không nêu chi tiết về cáo buộc này.
Trả lời VOA Việt Ngữ trước khi bị bắt, ông Hoàng nói hành động của chính quyền Việt Nam là nhằm “trả thù” các hoạt động ôn hòa của ông của Đảng Việt Tân, nhằm cổ xúy cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Hà Nội đã nhiều lần lên án Việt Tân, nói rằng đây là một tổ chức khủng bố. Chính phủ Mỹ nói không có bằng chứng nào để có thể quy kết Việt Tân là một tổ chức khủng bố.

Tin bài liên quan:

VNTB- Vì sao chính phủ phải ‘huy động vàng và USD trong dân’?

Phan Thanh Hung

Thư Ngỏ về Nguyễn Hữu Tấn

Phan Thanh Hung

Bắt Lê Đình Lượng, Việt Nam trấn áp tiếng nói tranh đấu

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo