Khánh An
VOA
Blogger Mẹ Nấm trong phiên tòa ngày 29/6/2017.
Tại buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở thủ đô Washington chiều ngày 29/6, phát ngôn viên Heather Nauert kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho Blogger Mẹ Nấm, bà nói chính phủ Mỹ “quan ngại sâu sắc” về tình trạng gia tăng bắt giữ và kết án những người lên tiếng ôn hòa.
“Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho Mẹ Nấm và tất cả các tù nhân lương tâm, đồng thời cho phép tất cả mọi người dân Việt Nam được bày tỏ quan điểm tự do và ôn hòa mà không sợ bị trừng phạt. Chúng tôi thấy có một số bước tích cực về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trong vài năm qua. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng bắt bớ và kết án những người phản đối ôn hòa từ đầu năm 2016 là điều rất đáng lo ngại”.
Đại diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói thêm rằng “Tiến bộ về nhân quyền sẽ cho phép mối quan hệ đối tác Mỹ – Việt đạt được tiềm năng to lớn nhất”.
Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, vừa bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa kết án 10 năm tù vào ngày 29/6 về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Ngay sau khi tòa tuyên án, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Liên hiệp châu Âu và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đồng loạt ra tuyên bố, đòi Việt Nam lập tức trả tự do cho bà.
Trưởng Cao ủy Nhân quyền LHQ, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, trong tuyên bố hôm thứ Sáu 30/6 bày tỏ quan ngại về tình trạng đàn áp ngày càng tăng của chính quyền Việt Nam đối với các nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có việc bắt giữ và kết án Mẹ Nấm.
Ông Zeid nói: “Điều 88 rất hiệu quả trong việc biến thành tội phạm bất kỳ công dân Việt Nam nào thực thi các quyền tự do căn bản như bày tỏ quan điểm, thảo luận hoặc thắc mắc về chính quyền hay các chính sách. Phạm vi quá rộng và mơ hồ của điều luật này tạo điều kiện để nhà cầm quyền dễ dàng ngăn chặn bất kỳ quan điểm bất đồng nào, và bắt giữ những cá nhân dám phê phán các chính sách của chính phủ”.
Blogger Mẹ Nấm bị chính quyền tỉnh Khánh Hòa bắt vào tháng 10/2016. Trong suốt thời gian từ khi bị bắt cho đến vài ngày trước khi ra tòa, bà không được tiếp xúc với gia đình hay luật sư. LS. Võ An Đôn, một trong 3 luật sư bào chữa cho Mẹ Nấm, còn cho VOA biết rằng trại giam thậm chí không cho Mẹ Nấm mặc đồ lót và dùng băng vệ sinh.
Đại diện của LHQ nói giam giữ và cấm người bị giam cầm tiếp xúc với người thân trong một thời gian dài như vậy có thể được coi là một hình thức tra tấn, vi phạm Công ước chống tra tấn (CAT) mà Việt Nam đã ký kết vào tháng 2 năm 2015.
Ông Zeid Ra’ad Al Hussein nói:
“Tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền, hủy cáo trạng đối với bà Quỳnh và trả tự do cho bà ngay lập tức”.
Đại diện Liên hiệp châu Âu tại Việt Nam cũng khẳng định việc bắt giữ Mẹ Nấm là “đi ngược lại các cam kết về quyền con người của Việt Nam với quốc tế và trong nước”, theo Reuters.
Nhiều luật sư tại Việt Nam cũng lên tiếng chỉ trích bản án đối với Mẹ Nấm là quá nặng và không công bằng.
Các luật sư, giới quan sát và hoạt động dân chủ tại Việt Nam nói bản án 10 năm cho thấy sự sợ hãi của chính quyền. Một số ý kiến khác cho rằng bản án nhằm để “mặc cả” và “đổi chác” sau này cho những mục đích chính trị và trao đổi nhân quyền.
LS. Lê Công Định viết trên trang Facebook cá nhân:
“Bản án 10 năm tù thật bất ngờ với tôi. Không phải vì tính chất phi nhân tàn bạo của nhà cầm quyền đối với một bà mẹ trẻ đơn thân, mà bởi tôi không ngờ đảng cầm quyền hoảng loạn đến mức như vậy”.
Bà Tuyết Lan, mẹ Blogger Mẹ Nấm, cũng bày tỏ quan điểm tương tự và nói bản án là một “đòn thù” đối với con gái và gia đình bà.
“Họ sợ hãi con tôi, sợ cái cộng hưởng lan rộng, được nhiều người hưởng ứng, nên họ phải bóp cổ, bóp miệng con tôi”.
Trong khi đó, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào chiều 29/6, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Phiên tòa xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đang diễn ra công khai đúng theo các quy định pháp luật Việt Nam”.
Bà nói: “Như tại các nước khác trên thế giới thì tại Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam”.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nhận được nhiều giải thưởng quốc tế, nhờ nhiều bài viết trên mạng xã hội về các vấn đề chính trị xã hội như trưng thu đất đai, công an bạo hành, bảo vệ chủ quyền, môi trường và các hoạt động cổ xúy cho tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam,
Gần đây nhất, vào tháng 3/2017, Mẹ Nấm được Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump vinh danh với “Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế”. Trước đó, bà được trao giải Người Bảo vệ Quyền Dân sự của tổ chức Người bảo vệ Quyền Dân sự năm 2015, và giải Hellman/Hammett của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 2010.
1 comment
"LS. Võ An Đôn, một trong 3 luật sư bào chữa cho Mẹ Nấm, còn cho VOA biết rằng trại giam thậm chí không cho Mẹ Nấm mặc đồ lót và dùng băng vệ sinh."
Chỉ có loài sản mới có thể có những hành dộng bỉ ổi và vô nhân đạo như thế!