Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bị can Nguyễn Đức Chung xin tại ngoại để điều trị ung thư

Hà Nguyên

(VNTB) -Trước khi làm chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung là giám đốc Công an TP Hà Nội, hàm thiếu tướng. Trước đó ông là phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội.

Có phải do có lý lịch “đỏ hoét đến vậy” nên bị can Nguyễn Đức Chung có thể xin tại ngoại để điều trị ung thư? Câu trả lời: phải, và cũng không hẳn là thế!

Vì sao là “phải”…

Ngày 28-8, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội, để điều tra hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, quy định tại điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Thiếu tướng Tô Ân Xô – chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an – cho biết theo điều tra ban đầu, ông Nguyễn Đức Chung có liên quan đến ba vụ án:

Một, vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước mà Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án.

Hai, vụ án buôn lậu – vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng – rửa tiền – vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng – xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Sở Kế hoạch – đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Ba, vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại TP Hà Nội.

Như vậy, trong vị trí của một người từng đeo cấp hàm thiếu tướng công an, việc “biết luật – am tường luật – vi phạm pháp luật” như ông Nguyễn Đức Chung, thì việc “xin tại ngoại để chữa bệnh” dễ đưa đến nghi vấn đây là cái cớ cho “tại ngoại hầu tra”.

Thế nhưng theo luật, thì việc “tại ngoại hầu tra” như ông Nguyễn Đức Chung là có căn cứ pháp lý.

Theo Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, một người có thể được tại ngoại khi: Tội phạm gây ra không phải tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng; Nếu là tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng thì phải: Không vi phạm biện pháp ngăn chặn khác: Cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh,…; Có nơi cư trú rõ ràng hoặc xác định được lý lịch của bị can rõ ràng; Không phải bị bắt theo quyết định truy nã; Không có dấu hiệu bỏ trốn; Không có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này…

Chiếu những trường hợp cụ thể kể trên, với ông Nguyễn Đức Chung thì “tại ngoại để điều trị bệnh ung thư” là phù hợp.

Theo quy định tại Điều 121 và Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm, thì hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định về việc bảo lĩnh gồm:

Văn bản đề nghị xét phê chuẩn và quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh; Giấy cam đoan có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh đối với trường hợp cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh cho bị can; Giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người nhận bảo lĩnh cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người nhận bảo lĩnh làm việc, học tập đối với trường hợp cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can (phải có giấy cam đoan của ít nhất 02 người bảo lĩnh); Giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ của bị can được bảo lĩnh theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự; Chứng cứ, tài liệu về hành vi phạm tội, nhân thân của bị can để xác định tính chất, mức độ hành vi của bị can không cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giam.

Từ những quy định kể trên của pháp luật, việc gia đình ông Nguyễn Đức Chung muốn làm đơn xin tại ngoại để ông điều trị bệnh ung thư, là có cơ sở pháp lý.

…rồi lại “không hẳn thế”?

Vậy thì vì sao lại đặt tiếp vấn đề mang tính ngờ vực của “không hẳn thế”?

Xin nêu ví dụ cụ thể từ bị can Phạm Chí Dũng. Tin tức từ người thân của ông Phạm Chí Dũng cho biết ở tuổi ngoài 50, là người bị nghiện thuốc lá, lại hay mất ngủ, sức khỏe của ông Dũng bị giảm sút rất nhanh kể từ khi ông vướng vòng lao lý.

Lý lịch nhân thân của ông Phạm Chí Dũng là rõ ràng, gia đình của ông thuộc thành phần cách mạng, và trong bối cảnh dịch bệnh Covid đang kéo dài suốt từ đầu năm đến nay, thì trường hợp bị can như ông Phạm Chí Dũng cần thiết được xem xét theo Điều 119.4.d của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 trong yêu cầu tại ngoại hầu tra: “d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia”.

Trong trường hợp là bị can của án an ninh quốc gia như ông Phạm Chí Dũng, thì việc được quyền lợi tố tụng tương tự như ông Nguyễn Đức Chung như nói ở phần trên, cho thấy hoàn toàn phù hợp luật định; bao gồm cả việc thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, được ghi tại Điều 121 “Bảo lĩnh”, Điều 122 “Đặt tiền để bảo đảm”.

Và cũng không chỉ mỗi trường hợp như ông Nguyễn Đức Chung hay ông Phạm Chí Dũng, mà theo nguyên tắc luật định, nếu như bị can nào đáp ứng được các yêu cầu tố tụng về “Bảo lĩnh”, thì cần được áp dụng việc thay đổi biện pháp ngăn chặn; trong đó có thể trong tương lại gần là gồm luôn cả việc sử dụng dụng cụ “vòng kim cô” – một thiết bị giám sát điện tử như vụ án mà báo chí Việt Nam từng đưa tin với hình ảnh rất rõ ràng, khi ‘Công chúa Huawei’ hầu tòa tại Canada, với thiết bị giám sát ở cổ chân.

Thiết bị này được gọi là vòng kiểm soát điện tử (Electronic Monitoring bracelet). Việt Nam đã tuyên bố từ năm 2021 sẽ áp dụng căn cước điện tử với con chip chuyên dụng, thì chuyện áp dụng công nghệ kiểu như “Electronic Monitoring bracelet” hoàn toàn trong tầm tay. Điều này sẽ mang đến cái nhìn về giá trị nhân đạo mà nhà chức trách Việt Nam chọn để áp dụng với các bị can, bị cáo ở những vụ án hình sự.

Tin bài liên quan:

VNTB – Tách, nhập vụ án hình sự: tùy nghi vào cách nhìn nhận của tư pháp

Do Van Tien

VNTB – Nên công khai tài sản của Tổng bí thư

Do Van Tien

VNTB – Bắt tổng giám đốc Công ty Hải Hà vì sử dụng tiền quỹ bình ổn giá xăng dầu trái pháp luật

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo