Nguyễn Nam
(VNTB) – “Bạo lực có cứu rỗi được dân tộc này?” là câu hỏi của luật sư Nguyễn Văn Miếng, một tín hữu Công giáo.
Từ điển tiếng Việt giải thích, “cứu rỗi” là động từ, có nghĩa cứu vớt linh hồn khỏi sa xuống địa ngục, theo quan niệm của một số tôn giáo.
“Cứu rỗi dân tộc” và câu phán xét “dân tộc này không xứng đáng được cứu rỗi!” đang là câu chuyện bàn luận trong một số nhóm xã hội dân sự hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngà kể và góp ý kiến biện giải:
“Tôi đã từng nghe, đọc được câu “dân tộc này không xứng đáng được cứu rỗi!” từ khá nhiều người bạn của tôi. Họ buông ra lời chán nản và sau đó bỏ cuộc. Tôi rất đồng cảm với họ bởi tôi đã chứng kiến, đồng hành với họ trong khá nhiều việc và tôi biết họ đã vất vả, cố gắng đến thế nào mà kết quả nhận lại bằng không, đôi khi còn bị sỉ nhục rất ê chề. Họ, những người bạn đấu tranh, hoạt động xã hội dân sự của tôi, rơi rụng dần.
Dân tộc này không xứng đáng được cứu rỗi. Khi phát ngôn câu đó, họ không đứng ở vai trò là chúa trời hay tự xếp mình cao hơn người khác. Họ chỉ đơn giản cảm thấy tuyệt vọng, bất lực trong việc thay đổi nhận thức đám đông. Lời than đắng đót ấy vô hình chung đẩy trách nhiệm về phía đám đông. Cũng đúng. Bởi, tôi biết rõ, những người bạn tôi đã rất cố gắng thực hành trách nhiệm của mình nhưng đám đông không có phản hồi. Khi ta đập mãi một cục đá mà cục đá cứ trơ trơ thì sẽ đến lúc ta nghĩ cục đá này không thể sử dụng.
Đám đông người Việt hiện nay là một đám đông kỳ dị. Bảo vô cảm cũng không đúng, vì rõ ràng họ sẳn sàng phấn khích, xuống đường vì một trận bóng. Cũng bàn luận về chính trị xã hội nơi quán nước, vỉa hè cho đến mạng xã hội, cũng bình luận sự kiện, thậm chí rất ham mê, thì sao lại bảo họ vô cảm được? Có cảm xúc, có quan tâm đó chứ. Nhưng, họ quan tâm theo cách của họ. Và cách của họ khác với cách của chúng ta, thế thôi.
Vấn đề của chúng ta là phải tìm ra phương pháp để họ hiểu cảm xúc của ta, đồng cảm với cảm xúc của ta và quan tâm những vấn đề mà ta quan tâm. Muốn vậy, ta buộc phải là người biết hiểu cảm xúc của họ, đồng cảm với cảm xúc của họ trước. Tại sao ta phải làm điều đó trước? Vì ta có nhận thức vấn đề rõ hơn, thấu đáo hơn. Vì lẽ đó, trách nhiệm của ta là trách nhiệm của người hướng dẫn. Thay vì sỉ nhục, coi thường cảm xúc của họ, hãy đồng cảm hơn, tôn trọng hơn và giải thích, phân tích, hướng dẫn”.
Có lẽ đồng cảm với cách hiểu trên, luật sư Nguyễn Văn Miếng nói rằng liệu có nên sử dụng phương pháp bạo lực để kêu gọi người dân ý thức về quyền chính trị của mình?
Luật sư Nguyễn Văn Miếng đã gián tiếp đưa ra câu trả lời bằng góp câu chuyện thời sự về phiên tòa mà ông vừa tham gia bào chữa:
“Theo cáo trạng, những bị cáo này thuộc một tổ chức có tên gọi là “Triều Đại Việt” tại Canada do ông Ngô Hùng làm “Tổng Tư lệnh”. Họ đã gây ra 3 vụ nổ “bom” tự chế:
– Vụ nổ thứ nhất xảy ra vào lúc 2 giờ chiều ngày 20/6/2018, tại trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, làm hư hỏng trụ sở công an, gây thiệt hại 349.546.500 đồng và làm bị thương hai “đồng chí” công an bà Lê Thị Hoài My, sinh năm 1987, tỷ lệ thương tích là 8% (tám phần trăm) và ông Nguyễn Lê Hồng Việt, sinh năm 1995, tỷ lệ thương tích là 0% (không phần trăm).
– Vụ nổ thứ hai xảy ra vào lúc 2 giờ sáng ngày 05/7/2018, tại khuôn viên trụ sở Công an tỉnh Hậu Giang (đang xây dựng), không gây thiệt hại.
– Vụ nổ thứ ba không xác định được thời gian, xảy ra tại một trụ điện thuộc ấp Bình Lợi, xã Minh Hòa, huyện Châu thành, tỉnh Kiên Giang, gây thiệt hại 648.591 đồng.
“Bom” là trái nổ tự chế bằng thuốc nổ TNT trộn với bột trét tường đổ vào hũ nhựa, gắn kíp nổ và bình ắc quy, sử dụng remote để kích nổ.
Trong quá trình điều tra, có hai nghi phạm bị chết:
– Đó là Hứa Hoàng Anh, người nhận trái nổ từ Nguyễn Minh Tấn và Phạm Trần Phong Vũ để gây nổ tại Kiên Giang (vụ nổ thứ 3), Công an tỉnh Kiên Giang đã ghi lời khai Hứa Hoàng Anh. Ngày 02/8/2018, Hứa Hoàng Anh đã tự sát.
– Người thứ hai là Bùi Chí Linh, người giúp Tấn đóng giả vai “Phó Tư lệnh Quân khu 4” để đánh lừa Ngô Hùng. Ngày 11/9/2018, Bùi Chí Linh chết do bị bệnh.
Vụ án xảy ra vào tháng 6, 7 năm 2018, nhưng không mang yếu tố “Đặc Khu”.
Nét chung của ba vụ đánh “bom” là không điều nghiên trước mục tiêu, chỉ thấy thuận lợi là gây nổ như vụ đánh “bom” tại trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình, Nam và Minh đi ngang và tạt vô; Vụ đánh “bom” tại trụ sở (đang xây dựng) Công an tỉnh Hậu Giang, Tấn và Vũ không hề xác định trước mục tiêu và phải mất hai đêm mới gây nổ được, lại còn cầm cờ “Triều Đại Việt”, hô khẩu hiệu và quay phim; Vụ thứ ba vẫn còn bí hiểm vì Hứa Hoàng Anh đã chết.
Mục đích của các vụ nổ trên là gây tiếng vang, trong khi cấu thành của tội này là xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhằm chống chính quyền nhân dân.
Nhiều đối tượng được miễn tránh nhiệm hình sự, như 15 người dân tộc thiểu số chụp hình tham gia tổ chức để được nhận tiền, gạo.
Đáng chú ý, nhân vật mang bí số A99 chuyển cho Trần Văn Đoan số tiền 13 triệu đồng và 100 USD, và nhân vật mang bí số TL1 (tức “Tư lệnh Quân khu 1”) được biệt phái xuống “Vùng 4 chiến thuật” nhận súng, nhưng bị Tấn lừa và tránh mặt, cả hai đã biến mất.
Nói lời sau cùng, phần lớn các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
– Ông Nguyễn Khanh: “Bị cáo muốn được thi hành án sớm vì hơn hai năm tạm giam, mắt bị cáo đã không còn nhìn thấy được gì nữa”.
– Ông Dương Khắc Minh, người lái xe đi gây nổ tại công an phường 12, quận Tân Bình: “Tất cả các hành vi của bị cáo, bị cáo nhận. Bị cáo không muốn giảm nhẹ hình phạt nhưng chỉ mong muốn được sớm về với gia đình”.
– Ông Phạm Trần Phong Vũ xin giảm nhẹ hình phạt cho… vợ, sau đó ông lớn tiếng xin tuyên bố… Ông đã bị Tòa ngắt lời và yêu cầu về chỗ ngồi.
– Ông Hồ Nguyễn Quốc Hưng: “Cơm ăn, áo mặc của bị cáo được chế độ cộng sản ban cho. Bị cáo không hận thù chế độ. Xin Tòa giảm nhẹ hình phạt để bị cáo về sớm”.
– Ông Võ Công Hải: “Trong thời gian tạm giam tại PA08, bị cáo đã cứu người, anh Bùi Tấn Phát treo cổ tự sát. Xin Tòa xem xét cho bị cáo được hưởng án nhẹ”.
– Ông Nguyễn Thanh Bình: “Bị cáo tuổi già sức yếu, mang gánh nặng của gia đình, chỉ vì tìm thầy, chạy thuốc cho thằng con bị ung thư giai đoạn cuối, tôi đã lỡ trót tham gia tổ chức “Triều đại Việt”, xin Tòa giảm nhẹ hình phạt”.
– Ông Trần Văn Đoan: “Xin Hội đồng xét xử cho bị cáo sớm làm lại cuộc đời”.
– Ông Điểu A Nam: “Bị cáo không biết nói làm sao. Xin Tòa xem xét cho bị cáo có một con vợ, 4 con, mức án như thế nào đó, bị cáo biết nhà cầm quyền tha thứ cho bị cáo”.
– Ông Điểu Lé: “Bị cáo không biết nói gì vì pháp luật nhà nước đã giao cho Tòa”.
– Ông Nguyễn Tấn Thành: “Xin quý Tòa khoan hồng. Mẹ bị cáo bệnh nặng, bị cáo và cha bị cáo ở đây không giúp gì được cho mẹ bị cáo”.
– Bà Trương Thị Trang: “Xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo”…
Hội đồng xét xử trong phần tuyên án đã nhận định và chuyển khoản cho ba bị cáo Thành, Hạnh, Trang từ khoản 5 lên khoản 1 Điều 113, với vai trò đồng phạm giúp sức, trong khi chỉ có bị cáo Thành có luật sư, hai bị cáo còn lại không có luật sư ngay từ đầu phiên tòa. Điều này có nghĩa Hội đồng xét xử đã tước quyền có luật sư của hai bị cáo này vì khoản 1 Điều 113 bắt buộc phải có luật sư bào chữa.
Hội đồng xét xử đã tuyên một bản án gần 200 năm tù cho các bị cáo (chính xác là 198.5 năm). Người đầu vụ là ông Nguyễn Khanh nhận 24 năm tù, những người thấp nhất là các ông Nguyễn Trung Trực và Nguyễn Khắc Sinh Nhật nhận mỗi người 2 năm tù. Những người còn lại nhận từ 2.5 năm đến 18 năm tù”.
Câu hỏi tu từ của luật sư Nguyễn Văn Miếng, rằng, “Bạo lực có cứu rỗi được dân tộc này?” – Câu trả lời từ góc nhìn của bà Nguyễn Thị Bích Ngà:
“Tôi lặp đi lặp lại mãi, cuộc cách mạng ở Việt Nam hiện nay phải là cách mạng về văn hóa. Thay đổi được về văn hóa thì mới thay đổi được ý thức, thái độ. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải học để chính chúng ta có văn hóa và chia sẻ điều đã học được với người khác, chia sẻ cảm xúc với người khác, đồng cảm với cảm xúc của họ.
Người ta khóc chó chết mình chửi, thì khi mình khóc cá chết họ sẽ dửng dưng. Đừng trách họ thiển cận bởi trách thừa, quả thực họ thiển cận. Nhưng, ta làm gì để thay đổi nó? Hay ta cũng thiển cận như họ, theo cách của ta?”…
1 comment
Bài rất hay;cho nên Vụ án Đồng Tâm tôi đã viết một statuts :” Nhà ngước có TỘI,Chúng ta có LỖI với dân Đồng Tâm” !