Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giấc mơ của Hoàng đế Đỏ Tập Cận Bình

Ngọc Lan dịch

 

(VNTB) – Lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, coi mình như một vị cứu tinh, được xức dầu thánh để đưa Đảng Cộng sản và Trung Quốc thoát khỏi tham nhũng và ảnh hưởng của nước ngoài, bước vào một ‘kỷ nguyên mới’ của thịnh vượng, quyền lực và sự tận tụy về chính trị. Liệu tầm nhìn của Tập có phù hợp với thực tế hay không lại là một câu hỏi khác.

 

Alice Su

Các ngôi sao từ trên trần rơi xuống khi các diễn viên treo người bằng dây thừng chạy trên không. Giọng một người đàn ông vô hình vang lên trong rạp hát: “Tôi đã đi theo lá cờ đỏ này, đi bộ hàng ngàn cây số với niềm tin của một Đảng viên Đảng Cộng sản trong trái tim tôi!”

Ở đây trên vùng đất linh thiêng ở phía bắc tỉnh Thiểm Tây, huyền thoại thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc được trưng bày đầy đủ. Một vở nhạc kịch được biểu diễn hai lần mỗi ngày miêu tả các nhà cách mạng giải thoát Trung Quốc khỏi ách ngoại xâm và tham nhũng: Tướng lĩnh bắt các phụ nữ Thượng Hải ăn mặc như vũ công nhảy múa. Sinh viên cộng sản bị treo cổ. Các nghệ sĩ trong trang phục quân đội bị cắm đầu vào giữa đống tuyết giả.

Một khẩu hiệu đã bão hoà trên cả nước gần đây đang được khuấy động lại sôi nổi: “Buwang chuxin, laoji shiming” – “Đừng quên ý định ban đầu; bám chặt lấy nhiệm vụ ”.

Các thông số thay đổi của sứ mệnh đó là chìa khóa để hiểu lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập thường bị so sánh với Mao Trạch Đông, người sáng lập đảng CS và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một á thần tàn phá đất nước để theo đuổi lý tưởng cộng sản dẫn đến nạn đói trên diện rộng và giết người tùy tiện, nhưng vẫn chiếm được sự tôn thờ từ quần chúng.

Quyền lực vô biên

Kể từ đó, không có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào nắm giữ nhiều quyền hành như vậy – cho đến thời Tập Cận Bình. Nhưng Tập không phải là Mao 2.0. Là một nhà kỷ luật, không phải một nhà cách mạng, ông Tập bị thúc đẩy bởi nhu cầu kiểm soát. Tập Cận Bình là một nhà luật học theo truyền thống của Hàn Phi Tử, nhà triết học đã dạy hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng, rằng con người hay thay đổi và ích kỷ và phải tuân theo luật pháp cũng như sự trừng phạt.

Là một người theo chủ nghĩa dân tộc, Tập Cận Bình có tầm nhìn về sự phục hưng của Trung Quốc dựa trên những ám chỉ đến các đế chế trong quá khứ. Ông ta nói theo chủ nghĩa Mác về đấu tranh giai cấp và sử dụng các thủ đoạn của Mao như tự phê bình và cải chính, nhưng nhãn hiệu chủ nghĩa cộng sản của ông ta cũng thúc đẩy Khổng Tử và thương mại điện tử.

Chủ tịch Trung Quốc coi mình như một vị cứu tinh, được xức dầu thánh để dẫn dắt đất nước bước vào một “kỷ nguyên mới” vĩ đại được thúc đẩy bởi sự thịnh vượng ngày càng tăng và sự tận tâm chính trị. Liệu tầm nhìn của Tập có phù hợp với thực tế hay không là một câu hỏi khác.

Cái giá để đạt được kế hoạch lớn lao của Tập là rất lớn. Sự cai trị của Tập đã dẫn đến các cuộc đàn áp sâu rộng nạn tham nhũng và giới bất đồng chính kiến ​​ở trong nước cùng với một chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán, bao gồm các cuộc tập trận hải quân khiêu khích ở Biển Đông và mối quan hệ căng thẳng của Bắc Kinh với Washington về thương mại, gián điệp, công nghệ và đàn áp các phong trào ủng hộ dân chủ ở Hongkong.

Để đánh giá cao sự bám sát của Tập đối với đất nước, người ta chỉ cần nhìn vào virus corona – Trung Quốc đã sớm vấp phải đợt bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán, nhưng đã nhanh chóng phục hồi thông qua việc phong toả nghiêm ngặt, truy tìm liên hệ và thử nghiệm hàng loạt. Họ hầu như đã ngăn chặn được căn bệnh này trong khi đang chạy đua để trở thành quốc gia đầu tiên có vắc xin công khai. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng gần 5% trong quý thứ ba trong khi Hoa Kỳ và châu Âu tiếp tục vật lộn với COVID-19. Ông Tập và đảng chỉ ra những dấu hiệu đó như là bằng chứng về tính ưu việt của hệ thống Trung Quốc.

Khu Lưu niệm Diên Xuyên

Cách nhà hát ở Giang Nam hai giờ xe, du khách đến thăm một loạt hang động ở Diên Xuyên, nơi ông Tập đã sống bảy năm trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Tập Cận Bình là một trong số hàng triệu thanh niên thành phố “được gửi xuống” làm việc ở các vùng nông thôn vào những năm 1960, chính thức để “học hỏi từ nông dân” nhưng cũng để giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị và dẹp yên bạo lực của các nhóm sinh viên cấp tiến.

Một hướng dẫn viên cho biết: “Đây là nơi ông chủ tịch đã ăn bánh ngũ cốc thô với những người nông dân,” một hướng dẫn viên cho biết khi một nhóm giáo viên từ Quảng Châu chăm chú vào bên trong một trong những hang động. Những tờ báo được cắt ra với tiêu đề về Mao và một bức ảnh thời thiếu niên của Tập, hơi mỉm cười nhìn xa xăm, treo phía trên những tấm chăn cuộn lại và một tấm thảm rơm trên nền bùn cao. Một túi bột chống bọ chét được bày nổi bật trên gờ cửa sổ, một minh chứng cho sức chịu đựng bọ chét cắn của chàng trai trẻ Tập Cận Bình.

Một bảo tàng nhỏ đan xen câu chuyện của Tập với sự nhân từ của Đảng Cộng sản, giải thích rằng Tập đọc truyện và đào giếng cho dân làng khi còn là một thiếu niên, sau đó lập biểu đồ mức tăng thu nhập bình quân mỗi người gần đây của làng – từ 25 đô la một năm năm 1984 lên 3.218 đô la một năm trong năm 2019.

Khi ông Tập nói về tuổi trưởng thành của mình, ông chỉ vào Diên Xuyên . “Bắc Thiểm Tây đã cho tôi một niềm tin. Bạn có thể nói rằng nơi đó đã vach ra con đường cho phần đời còn lại của tôi,” ông Tập nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2004 với People’s Daily.

Niềm tin từ Thiểm Tây

Khởi đầu khi đến làng, Tập lười biếng và yếu đuối, nhưng cuối cùng sau bảy năm thì lại trải nghiệm lao động khổ sai và thích ăn rau muối của nông dân. Đó là một câu chuyện dân gian gợi nhớ đến những tuyên bố của Mao về việc tìm kiếm sự giải phóng cho tầng lớp bị áp bức bên dưới. Nhưng trong khi Mao kích động các phong trào cơ sở và đấu tranh vũ trang, thì cách tiếp cận quyền lực của Tập lại tránh huy động quần chúng.

Có thể thấy điều này nhấn mạnh rất nhiều vào trật tự và kỷ cương. Đó dường như là một phản ứng rất mạnh mẽ chống lại sự thái quá của Cách mạng Văn hóa và cách tiếp cận hỗn loạn của Mao,” Ryan Mitchell, giáo sư luật tại Đại học Trung Quốc Hồng Kông, nói. Ông nói, dưới thời Mao, hệ thống luật pháp đã bị “tàn lụi”. “Thay vào đó, ông Tập đang cố gắng thể chế hóa mọi thứ, kể cả quyền lực của chính mình”.

Hạt giống của quyết tâm và phong cách cai trị của Tập là quá trình giáo dục của ông ta. Khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu vào năm 1966, cha của ông, Xi Zhongxun, một nhà cách mạng sáng lập đã gia nhập đảng khi đang ngồi tù ở tuổi 14 vì cố đầu độc thầy giáo “phản động” của mình, đã bị thất sủng.

Xi Zhongxun đã sống qua thời kỳ địa ngục của chủ nghĩa bè phái trong nội bộ đảng. Ông ta đã bị thanh trừng nhiều lần – bị tước bỏ quyền lực, bị tống giam, thậm chí bị đe dọa chôn sống – vì liên kết với các cá nhân và “băng nhóm” bị coi là không trung thành. Một số cố vấn và cộng sự của ông đã tự sát. Tuy nhiên, ông vẫn cống hiến, thậm chí tự hào về sự đau khổ của mình dưới bàn tay của đảng.

Joseph Torigian, giáo sư lịch sử và chính trị tại Đại học Hoa Kỳ, người đang viết tiểu sử về Xi Zhongxun, cho biết: “Thật khó để nghĩ có một người nào đó cuồng tín hơn khi đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích của mình. Rất nhiều người trong thế hệ đó tự hào về việc họ đã có thể chịu đựng bao nhiêu mà không mất niềm tin vào đảng. Họ thường viết về điều đó như một loại quá trình rèn giũa ”.

Ở quê nhà, Xi Zhongxun – đã có lúc từ phó thủ tướng chuyển sang làm việc tại một nhà máy máy kéo khi bị thanh trừng – là một “người kỷ luật tàn bạo”, ông ta phải vật lộn với chứng trầm cảm, theo như trong hồi ký, nhật ký chưa xuất bản và các cuộc phỏng vấn với bạn bè của gia đình. Khi còn nhỏ, ông Tập Cận Bình có thể đã thấy cha mình thỉnh thoảng khóc lóc, la hét và đánh người, ngồi trong phòng tắt hết đèn và mắng nhiếc vợ.

Sự sỉ nhục và ngược đãi của gia đình đã khiến một trong những người chị kế của ông Tập phải tự sát. Ông Tập Cận Bình đã nhiều lần bị nhốt vì địa vị của cha mình và phải đấu tố cáo cha trước công chúng, ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1992 với Washington Post: “Ngay cả khi anh không hiểu, anh buộc phải hiểu,” ông nói với vẻ cay đắng. “Nó khiến anh trưởng thành sớm hơn.”

Củng cố bản sắc đỏ

Đồng thời, các đồng nghiệp của ông Tập, những “con nhà nòi” khác của các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc có cha mẹ chưa bị thanh trừng, đang hung hãn càn quét Bắc Kinh với tư cách là Hồng vệ binh, được trao quyền tra tấn và thường giết giáo viên, trí thức và các nhân vật có quyền lực. Họ tin rằng họ đang mang lại điều không tưởng. Ông Tập không được phép tham gia cùng, ngay cả khi ông coi mình là một đệ tử chân chính của đảng.

Một số học giả cho rằng sự xấu hổ của thời kỳ đó đã khiến ông Tập không đặt câu hỏi hoặc từ bỏ các điểm cực đoan trong vai trò lãnh đạo của Mao, mà để chứng tỏ mình xứng đáng làm lãnh đạo.

Yinghong Cheng, giáo sư lịch sử tại Đại học bang Delaware, cho biết: “Ông ấy tự coi mình là người kế thừa hợp pháp của triều đại đỏ của ĐCSTQ.” Nhiều lãnh đạo thuộc thế hệ của ông Tập coi quyền lực nhà nước là “cơ nghiệp của gia đình”. “Họ được quyền có nó, phải nắm chắc nó, và mất nó có nghĩa là mất tất cả.”

Hầu hết thế hệ của ông Tập đều là những người theo chủ nghĩa lý tưởng khi còn trẻ, một nhà sử học nổi tiếng của Trung Quốc, người cũng đã trải qua nhiều năm là “thanh xuân thất vọng” và yêu cầu không sử dụng tên thật. Nhưng đối với ông và nhiều trí thức theo chủ nghĩa tự do, việc trở lại trường đại học năm 1977, sau khi Mao chết và Cách mạng Văn hóa kết thúc, đã gây ra một cuộc đánh giá lại một cách đau đớn.

Tất cả mọi thứ tôi đã xây dựng – Marx, Lenin, Mao – đều sai. Tôi cần phải điều chỉnh từ gốc rễ, để nhổ ra những thứ độc hại mà tất cả chúng ta đã thâu nạp, ”nhà sử học nói. “Từng chút một để xây dựng lại thế giới quan của mình. Phải mất nhiều thập kỷ mới biết rõ ‘Chúng ta đã sai ở đâu? Trung Quốc là gì? Chúng ta là ai?'”

Nhà sử học cho biết ông Tập đã không trải qua quá trình đó. Tập rời Diên Xuyên để đến Đại học Thanh Hoa năm 1975 làm một sinh viên “công nhân-nông dân-binh lính”, là một trong số những thái tử đỏ được đội lao động của họ đề cử trở lại trường trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Nhà sử học cho biết họ được chọn vì thành tích tốt trong hệ thống của Mao, nhiều sinh viên như vậy đã “củng cố bản sắc đỏ của chính họ” hơn là phá vỡ nó.

Sau khi cha ông Tập được phục hồi chức vụ năm 1978, Tập Cận Bình làm cán bộ đảng ở một số tỉnh ven biển. Chính ở đó, ông đã tận mắt chứng kiến ​​cách thức cải cách thị trường mang lại sự giàu có và nâng cao mức sống – nhưng cũng là sự bùng nổ của tham nhũng. Những trải nghiệm đó được Tập lưu giữ. Năm 2012, ngay sau khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã thực hiện một “chuyến công du phía Nam” tới Thâm Quyến, theo bước chân của Đặng Tiểu Bình trong những năm 1970 và 80 khi Đặng Tiểu Bình đi giám sát quá trình mở cửa kinh tế của Trung Quốc.

Nhưng tầm nhìn về cải cách của Tập lại khác hơn. Theo quan điểm của ông, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang gặp khủng hoảng: Bất bình đẳng và tham nhũng tràn lan và người ta từ bỏ lý tưởng của mình. Ông nói trong một bài phát biểu năm 2012, quốc gia này có nguy cơ lặp lại số phận của Liên Xô, khi họ “không có ai có đủ mạnh” để khẳng định quyền kiểm soát ý thức hệ và chống lại các “ý tưởng phương Tây” như dân chủ, tam quyền phân lập hay pháp quyền. Trung Quốc cần một “người đàn ông” mạnh mẽ để khẳng định lại sức mạnh của đảng và truyền cảm hứng cho quần chúng.

Hoàng đế Tập Cận Bình

Kể từ năm 2012, sau khi thăng tiến ổn định trong đảng từ vị trí bí thư Quân ủy Trung ương lên thành ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị rồi lãnh đạo tối cao, ông Tập đã trở thành người đàn ông đó. Ông nhắm mục tiêu tham nhũng, xử các quan chức quyền lực như Chu Vĩnh Khang, cựu bộ trưởng bộ máy an ninh của Trung Quốc. Tập cho tái cơ cấu quân đội, truyền thông và các tổ chức kỷ luật pháp lý để khẳng định sự kiểm soát của đảng mạnh hơn. Ông đã loại bỏ các giới hạn về nhiệm kỳ – thực tế là tự biến mình trở thành lãnh đạo suốt đời – và ghi “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Hiến pháp, khiến bản thân không thể tách rời khỏi một đảng xuyên suốt mọi khía cạnh của xã hội Trung Quốc.

Ông đã có những bài phát biểu nổi tiếng trấn an các công ty tư nhân của Trung Quốc, như các đại công ty công nghệ như Huawei và Alibaba, rằng họ đóng vai trò quan trọng cho giấc mộng Trung Hoa – nhưng cũng yêu cầu họ “lắng nghe đảng, đồng hành với đảng” và củng cố các chi bộ ‘vai trò trong việc ra quyết định của công ty’.

Chủ nghĩa dân tộc chủ chiến của ông Tập cũng gây ra phản ứng dữ dội. Quân đội Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập gây hấn ở Biển Đông và quấy nhiễu Đài Loan khi đưa máy bay chiến đấu vào không phận của nước này. Quân đội Trung Quốc đã có các cuộc đụng độ chết người trong những tháng gần đây với binh sĩ Ấn Độ dọc theo biên giới tranh chấp. Các lực lượng an ninh được tổ chức lại đã gia tăng bắt giữ tùy tiện người nước ngoài là công dân Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông, Belize, Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan.

Một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy quan điểm bất lợi về Trung Quốc đã đạt mức cao nhất từ trước tới giờ ở 14 nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, với trung bình 78% số người được hỏi nói rằng họ “không tin tưởng” vào cách xử lý các vấn đề thế giới của Tập – mặc dù xếp hạng đối với Trump là thậm chí còn tệ hơn.

Trớ trêu thay, một biệt danh nổi tiếng của Tập trên mạng Internet Trung Quốc là “tổng tài tăng tốc”, có nghĩa là cách tiếp cận tích cực của Tập đối với “sự ổn định” đã gây ra nhiều xung đột trong nước và quốc tế hơn và đang đẩy chính phủ của ông ta tới chỗ tự sụp đổ. Thậm chí, những lời chỉ trích đã dấy lên từ các đồng chí thái tử đảng: Cai Xia, cháu gái của một nhà lãnh đạo cách mạng từng dạy ở trường đảng trung ương trong bốn thập kỷ, gọi Tập là “trùm mafia” trong năm nay.

Cai nói: “Ông ta đã biến 90 triệu đảng viên thành nô lệ sử dụng họ làm công cụ cho lợi ích cá nhân của mình.”

Ren Zhiqiang, một trùm bất động sản xuất thân từ tầng lớp thượng lưu đỏ, đã gọi Tập là “một gã hề bị lột trần” trong một bài phê bình về phản ứng COVID-19 của ông Tập năm nay. Ren nói: “Thực tế cho thấy trong đợt dịch bệnh này là đảng bảo vệ lợi ích của mình, các quan chức chính phủ bảo vệ lợi ích của họ, còn quốc vương chỉ bảo vệ địa vị và lợi ích cốt lõi”.

Ông Ren và bà Cai đã bị khai trừ khỏi đảng. Bà Cai hiện đang ở Hoa Kỳ. Ông Ren đã bị kết án tù 18 năm.

Theo quan điểm của ông Tập, sự nổi dậy của giới tinh hoa và các thế lực nước ngoài là một phần cần thiết trong cuộc đấu tranh của Trung Quốc trên con đường xã hội chủ nghĩa. Giới trí thức có thể được báo động, nhưng không phải quần chúng. Một nghiên cứu gần đây của Trường Harvard Kennedy về dư luận Trung Quốc từ năm 2003 – 2016 cho thấy mức độ hài lòng với chính phủ đã tăng lên, đặc biệt là ở những người nghèo nông thôn ở các vùng nội địa, những người nhận được nhiều trợ cấp xã hội hơn trong những năm khảo sát.

“Điều này hoàn toàn phù hợp với sự tự hiểu của ông ấy:” Tôi ở đây vì mọi người và đó là lý do tại sao tôi chống lại những nhà tư bản, giới tinh hoa và trí thức tham nhũng “, nhà sử học nói. ” Ông ấy nghĩ rằng ông ấy đang cứu lấy đảng.”

Tuy nhiên, mọi người có nhìn nhận ông Tập theo cách đó hay không thì khó nói hơn. Ở Diên Xuyên, hai người phụ nữ mang ô đi theo một phóng viên của tờ Times đến mọi nơi cô ấy đến. Khi hai người dân làng, một người đàn ông khoảng 60 tuổi và một người phụ nữ họ Ma bán đồ lưu niệm và bánh trung thu, bắt đầu nói với phóng viên rằng họ đang gặp khó khăn về kinh tế, hai người phụ nữ tiến lại và trừng mắt nhìn dân làng, họ ngừng nói.

Cuộc sống thật khó khăn, nhưng họ sẽ không cho chúng tôi nói về điều đó,” Bà Ma nói nhỏ khi những người phụ nữ tự nhận họ cũng là người dân địa phương, đến gần.

Bà Ma đã cho phóng viên số điện thoại của bà, nhưng khi tờ Times gọi lại sau đó, bà Ma chỉ nói: “Chúng tôi không gặp vấn đề gì. Chúng tôi rất hạnh phúc. Chúng tôi rất cảm ơn chính phủ ”.

Đừng đến làng tôi. Chúng tôi sẽ không dám nói chuyện với cô ngay cả khi cô đến, ” bà Ma nói thêm rồi cúp máy.

Nguồn: https://www.latimes.com/world-nation/story/2020-10-22/china-xi-jinping-mao-zedong-communist-party

Tin bài liên quan:

VNTB – Căng thẳng giao thông Hà Nội những ngày tiếp đón Tập Cận Bình

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Việc xây dựng chùa Tam Chúc có vi phạm pháp luật hay không?

Do Van Tien

VNTB – Một đứa trẻ kêu khóc ở Myanmar … và Trung Quốc giả vờ không nghe thấy

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo