Tuổi trẻ
TTO – Ông Trần Văn Tĩnh, người nắm giữ 48,5% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Long Biên (Lobico) và hiện giữ chức phó chủ tịch HĐQT Lobico – “ông chủ” của sân golf Tân Sơn Nhất (TP.HCM), khẳng định như vậy.
Ông Trần Văn Tĩnh – Ảnh: HỮU KHOA |
“Nếu Nhà nước muốn thu hồi dự án để phục vụ nhu cầu an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng, bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ bàn giao. Với sân golf Tân Sơn Nhất, chúng tôi cũng sẵn sàng bàn giao nếu Nhà nước thu hồi để mở rộng sân bay”.
Không đòi bồi thường khu đất khác
* Nếu sân golf bị thu hồi, ông “tâm tư” chứ?
– Tôi thấy bình thường. Bởi bất cứ doanh nghiệp nào khi đầu tư cũng phải chấp nhận rủi ro, trong đó có rủi ro về chính sách. Tất nhiên, một số cổ đông cũng sẽ buồn nhưng mọi chuyện sẽ ổn.
* Có tin được không khi ông nói “thấy bình thường” trong khi doanh nghiệp đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào dự án?
– Chúng tôi đầu tư đúng luật. Dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý, được Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt trước khi thực hiện. Do đó, nếu dự án bị thu hồi, chắc chắn doanh nghiệp sẽ được bồi thường xứng đáng.
Sẽ có những khoản thiệt hại không đo đếm được, như thời gian bỏ ra để theo đuổi dự án cũng như nhiều cơ hội khác đã bị bỏ qua. Nhưng trong kinh doanh, không thiếu gì cơ hội khác, vấn đề là doanh nghiệp có nắm bắt được hay không thôi. Hơn nữa, lợi ích của xã hội phải đứng trên lợi ích doanh nghiệp.
* Nghe nói phía công ty “đòi” Nhà nước bồi thường một khu đất khác để làm sân golf chẳng hạn?
– Chắc chắn là không. Việc bồi thường cho doanh nghiệp bị thu hồi dự án sẽ theo đúng luật định, còn hình thức như thế nào do Nhà nước quyết định, nhưng phải đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư.
Sân bay nhìn từ phía sân golf Tân Sơn Nhất – Ảnh: HỮU KHOA |
“Không xin xỏ, lo lót gì cả”
* Khi bắt tay thực hiện dự án này, ông có lường trước những “lùm xùm” như thời gian qua?
– Không. Chúng tôi không hình dung được. Chỉ cần biết phức tạp như ngày hôm nay chúng tôi đã không đầu tư chứ đừng nói đến nguy cơ dự án bị thu hồi.
Hơn nữa, dự án cũng đã được Chính phủ và các bộ, ngành cho phép thực hiện, doanh nghiệp làm sao lường hết những vấn đề phát sinh.
* Dư luận nghi ngờ có lợi ích nhóm trong việc đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất, thưa ông?
– Chắc chắn là không có lợi ích nhóm. Chúng tôi không xin xỏ hay lo lót gì cả. Vào năm 2005, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đi công tác nước ngoài thấy bên cạnh các sân bay tại Singapore, Thái Lan, Ấn Độ… đều có sân golf, thu hút rất nhiều khách du lịch.
Trong khi đó, đất dự trữ quốc phòng cạnh sân bay Tân Sơn Nhất bị bỏ hoang, nên lãnh đạo Bộ Quốc phòng có chủ trương tận dụng để làm sân golf, vừa giữ đất vừa có thêm kinh phí và thu hút khách du lịch nước ngoài.
Dự án do một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng là Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển Trường An làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do nguồn vốn của doanh nghiệp này hạn chế nên Bộ Quốc phòng cho phép doanh nghiệp kêu gọi sự tham gia góp vốn của nhiều cổ đông.
* Nhưng việc Công ty Trường An thoái vốn sau khi dự án hoàn tất các thủ tục liệu có phải bước đi có tính toán trước?
– Thông tin này là chưa chính xác. Dự án bắt đầu khởi động từ năm 2006 và sau 5 năm, đến năm 2011 mới hoàn tất các thủ tục đầu tư.
Nhưng sau 3 năm triển khai dự án, năm 2014, Công ty Trường An mới quyết định thoái vốn khỏi dự án do năng lực tài chính bị hạn chế, không vay được vốn trong khi nguồn vốn đầu tư vượt khỏi dự tính ban đầu của các cổ đông.
Cũng xin nói thêm là trước khi dự án được triển khai, khu đất này vẫn đang bỏ hoang, cỏ lút đầu người, các doanh trại quân đội cũng chỉ là nhà cấp 4 (xây trước năm 1975), trong khi bên ngoài là đường Phạm Văn Bạch toàn ổ gà, ổ voi.
Chỉ riêng tiền cải tạo lại doanh trại đã gần 1.000 tỉ đồng, chưa kể tiền thực hiện dự án và cơ sở hạ tầng bên ngoài nên đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.
Hàng xe đón khách vào chơi sân golf Tân Sơn Nhất – Ảnh: HỮU KHOA |
Lỗ hơn 400 tỉ đồng
* Tổng vốn đầu tư của dự án đến nay là bao nhiêu và hiệu quả hoạt động thời gian qua thế nào, thưa ông?
– Đến nay chúng tôi đã đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng vào dự án, nhưng dự án vẫn đang trong giai đoạn thua lỗ, dù mức lỗ đang giảm dần. Theo số liệu chưa đầy đủ, tổng số lỗ lũy kế của dự án đến nay khoảng hơn 400 tỉ đồng.
Thực tế hầu hết các sân golf đều thua lỗ, nên bất cứ dự án sân golf nào cũng có các công trình dịch vụ kèm theo.
Riêng dự án sân golf Tân Sơn Nhất, ngoài sân golf còn có các dự án thành phần khác như khách sạn 500 phòng và một dự án căn hộ cho thuê 1.000 căn.
Chính các công trình dịch vụ này mới kéo được nhiều khách cho sân golf, du khách ở lại mới đánh golf vào buổi tối, sân golf mới khai thác hết công suất.
Tuy nhiên, do các công trình này chưa được phép triển khai nên chỉ cuối tuần sân golf mới đông khách đến chơi, còn ngày thường cũng không nhiều, chủ yếu là khách nước ngoài.
* Dư luận cũng nghi ngờ rằng các công trình phụ trợ được xây trong khuôn viên dự án này là một bước để sau này chuyển đổi trở thành dự án bất động sản?
– Dự án này được đầu tư trên đất dự trữ quốc phòng nên chắc chắn là không có việc đó. Nếu có thì nhà đầu tư đã xin Bộ Quốc phòng làm thủ tục chuyển đổi ngay từ đầu và vĩnh viễn không có việc nhà đầu tư thúc đẩy việc chuyển đổi các khu đất phụ trợ thành dự án bất động sản.
Sân golf là một dự án du lịch, cần phải có các công trình phụ trợ kèm theo mới thu hút được du khách đến lưu trú, nghỉ ngơi và chơi golf.
Như tôi đã nói, họ có đến thuê ở lại qua đêm sân golf mới khai thác được hết công suất, nhất là vào ban đêm.
Hơn nữa, đây là đất dự trữ quốc phòng, với sự tham gia quản lý của Bộ Quốc phòng mà cụ thể là vị trí chủ tịch HĐQT Lobico do người của Bộ Quốc phòng nắm giữ, nên không có chuyện “thuận gió bẻ măng”, chuyển đổi đất quốc phòng thành dự án bất động sản tại khu vực này được.
Sân golf… giúp sân bay bớt ngập (?)
* Nhiều ý kiến cho rằng chính sân golf góp phần làm ngập sân bay Tân Sơn Nhất?
– Hoàn toàn ngược lại. Chính sân golf giúp cho đường băng không bao giờ ngập. Bởi đường băng sân bay cao hơn hai bên và nước mưa thường có xu hướng đổ ra hai bên, một bên là hướng sân golf và phía còn lại là sân đỗ máy bay.
Về hướng sân golf, kênh Hi Vọng dẫn nước ra kênh Tham Lương lúc nào cũng thông thoáng và hầu như không bao giờ gây ngập.
Hơn nữa, trong khu vực sân golf có các hồ điều tiết với tổng diện tích hơn 15ha, sâu 3-4m. Do đó, ngay cả khi mưa rất lớn, nếu con kênh này không rút nước kịp, các hồ điều tiết sẽ phát huy tác dụng.
Còn về phía đường lăn sân đỗ, do nước từ đây được thoát ra bởi kênh A41 (thoát ra đường Cộng Hòa, đổ vào Nhiêu Lộc) và kênh Nhật Bản (thoát ra phía công viên Gia Định), nhưng hai kênh này bị nghẽn vì bị lấn chiếm cũng như không được nạo vét duy tu. Do đó, khi có mưa lớn, đường lăn sân đỗ máy bay thường bị ngập.
|
3 comments
Quá chuẩn ! Nếu nhà nước kg bồi thường thì kg đi dời , nếu bị ăn cướp thì là làng , nếu … thì khởi kiện nhà nước ra toà án nhân dân , nếu nhân dân la làng thì kiện nhân dân ra toà án nhà nước . Bàn tới bàn lui theo kế sách này , sân golf ta cứ tiếp tục thu tiền ….
Chính người ký giấy phép và người lo lót để có giấy phép để xây sân golf phải bồi thường thiệt hại cho toàn dân Việt Nam trong thời gian các ông chiếm lĩnh phi trường để làm lợi cá nhân.
Trong thời gian qua vì phi trường TSN chật hẹp người dân khốn khổ khi đi máy bay, kinh tế, du lịch VN thua kém các nước . Việc này ai chịu trách nhiệm?
Trước đây đất ruộng của cha ông chúng tôi để lại chúng tôi vui lòng giao cho hợp tác xã. Nay đất ấy nhà nước xây trường, xây bệnh viện, xây đường chúng tôi vui lòng không đòi lại. Đất Tân Sơn Nhất đâu phải của cha ông các ông để lại, các ông cấu kết với kẻ nắm quyền, kẻ lo hối lộ, kẻ bán quyền thế làm điều xằng bậy. Bây giờ các ông đòi bồi thường. Đáng lẽ các ông phải bị truy tố ra tòa về tội lạm dụng quyền lực, hối lộ, làm điều sai. Các ông phải đi ở tù, Đất TSN phải trả lại cho toàn dân xây dựng kinh tế, phục vụ lợi ích chung.
"Vào năm 2005, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đi công tác nước ngoài thấy bên cạnh các sân bay tại Singapore, Thái Lan, Ấn Độ… đều có sân golf, thu hút rất nhiều khách du lịch".Vị này là ai vậy?