Phạm Chí Dũng
Người Việt 22/8/2017
Câu hỏi trên có thể bị xem là “phạm thượng,” bởi lẽ đương nhiên ông Trần Ðại Quang vẫn còn là chủ tịch nước mà chưa có bất cứ một quyết định nào của Bộ Chính Trị đảng CSVN nhằm thay thế ông, không giống với một tiền lệ mới đây khi Tổng Bí Thư Trọng cho Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Trần Quốc Vượng “tham gia thường trực Ban Bí Thư” thay cho ông Ðinh Thế Huynh “bị bệnh.”
“Bàn giao quyền lực” hay thay thế?
Tín hiệu mang tính đòi hỏi thay thế rõ nhất lại thuộc về một blogger mạng xã hội nhưng mang đậm dấu ấn “lề đảng” là Huy Ðức. Chỉ ít ngày sau thời điểm 26 Tháng Bảy khi ông Trần Ðại Quang chính thức vắng bóng trên chính trường cho tới nay, blogger này đã “nhân danh nhân dân” tung lên facebook cá nhân một thông tin về “Ðại Tướng Trần Ðại Quang bị bệnh” và yêu cầu ông Quang cần “bàn giao quyền lực.”
Nếu Huy Ðức chỉ là một blogger bình thường, có lẽ chẳng ấy người chú ý đến yêu cầu trên. Nhưng từ nửa cuối năm 2015 và ngay trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, blogger này đã lộ ra vai trò “lobby” không cần che giấu dành cho phe “Sang Trọng.” Từ đó đến nay, nhiều bài viết của Huy Ðức đã gắn liền với tính tín hiệu về cuộc chiến quyền lực xâu xé trong đảng, để dư luận xã hội ngày càng chú ý một cách đặc biệt đến lối thông tin nửa úp nửa hở của cây bút này liên đới mật thiết đến cơ triển vọng “ai sẽ bị kỷ luật,” “ai sẽ bị bắt” hoặc thậm chí “ai sẽ… chết.”
Từ khoảng 3 năm qua, cuộc chiến quyền lực trong nội bộ đảng đã được xung kích và đặc trưng bởi cuộc chiến trên mạng xã hội của một số cây viết “lề phải.” Không cần ngạc nhiên khi thấy giới dư luận viên ủng hộ Trần Ðại Quang gọi Huy Ðức là “hổ” chứ không phải là “ruồi.”
Chỉ có điều ngay sau tin tức gần nhất của Huy Ðức về Trần Ðại Quang, nhiều người đã bình phẩm: “Tôi là nhân dân đây, nhưng tôi đâu có quan tâm đến chuyện ông Quang phải bàn giao cho ai đó, còn chuyện đám quan chức cắn xé lẫn nhau thì đó là việc của họ, nhưng đừng đem nhân dân hay dân chủ ra làm bình phong….”
Ba tuần lễ sau khi “đi chữa bệnh,” Tướng Trần Ðại Quang vẫn không thể xuất hiện trên ống kính truyền hình vào “ngày truyền thống công an nhân dân 19/8.” Một lần nữa trong nhiều lần kể từ khi ông Quang “biến mất,” báo đảng ồn ào đưa tin về một bài viết của chủ tịch nước nhân ngày 19 Tháng Tám, cùng vài tấm ảnh của ông Quang được chụp từ… năm 2016.
Có nét gì đó khá tương đồng với hai “truyền thuyết không không thấy” trong dĩ vãng gần là vụ Nguyễn Bá Thanh cuối năm 2014 và vụ Phùng Quang Thanh giữa năm 2015.
Trong lúc số phận của ông Trần Ðại Quang vẫn chưa có gì rõ ràng, lại xuất hiện những đồn đoán trên mạng xã hội về hai phương án “chủ tịch nước mới”: hoặc Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm chức vụ này theo “mô hình Tập Cận Bình” ở Trung Quốc, hoặc một ủy viên Bộ Chính Trị nào đó sẽ được lựa chọn để thay ông Trần Ðại Quang.
Dường như ủy viên Bộ Chính Trị đầu tiên được đề cập cho sự thay thế trên là Nguyễn Thiện Nhân – hiện là bí thư Thành Ủy TP.HCM.
Nguyễn Thiện Nhân là người thế nào?
“Vô danh vô diện”
“Một bí thư thư Thành Ủy vô danh vô diện” – mới đây, tờ Asia Times đã rút cái tít mỉa mai chưa từng có như vậy cho một bài bình luận chính trị của nhà báo David Hutt.
“Ông Nhân được cho là không phù hợp với công việc. Thời gian làm bộ trưởng Bộ Giáo Dục nhìn chung là thất bại cho dù có những hy vọng ban đầu rằng ông có thể mang lại sự tinh tế về quản lý. Kết quả là ông ta đã bị trả về lại trung ương và được bổ nhiệm làm phó thủ tướng, một vị trí có tiếng nhưng ít quyền hạn” – David Hutt nhận định và gọi ông Nhân là “người ba phải.”
Quả thực, những kết quả mà Nguyễn Thiện Nhân tạo ra suốt từ thời còn là phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM, ra Hà Nội làm bộ trưởng Giáo Dục và Ðào Tạo, sau đó làm phó thủ tướng, cho đến chức vụ gần nhất trước khi về lại TP.HCM là chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, là quá khiêm tốn.
Nói cách khác, Nguyễn Thiện Nhân đã chuyển từ tư thế “nói nhiều làm ít” sang “khép miệng” đối với rất nhiều vấn đề nước sôi lửa bỏng trong các lĩnh vực mà ông phụ trách.
Rốt cuộc, thách thức lớn nhất đối với Nguyễn Thiện Nhân chính là bản thân ông.
Rất nhiều người hâm hộ và ủng hộ ông trước đó đã chuyển sang tâm thái thất vọng. Sau thất vọng là chỉ trích. Ngay cả những người còn giữ được cái nhìn về một Nguyễn Thiện Nhân “trí thức” và “sạch” cũng đâm ra hoài nghi về năng lực hành động của ông.
Nếu một người đã giữ được tâm thế không dám nói hoặc dám nói nhưng chẳng dám làm gì trong suốt một thập niên ngụp lặn nơi chính trường, sẽ có lý do thúc bách nào để nhân vật đó phải mở miệng hay hành động vào cái thời “thiên hạ đại loạn” cùng rủi ro quan chức vọt đến mức cao nhất?
Có thể cho rằng ưu điểm của Nguyễn Thiện Nhân từ khi về Sài Gòn làm bí thư Thành Ủy vào Tháng Năm năm 2017 là lắng hẳn so với thói ồn ào khoa trương của đời bí thư trước là Ðinh La Thăng. Nhưng ba tháng sau khi nhậm chức, ông Nhân lại chưa chứng minh được bất kỳ kết quả thực tế nào, ngoài vài ba tư duy quá trừu tượng như “đưa TP.HCM trở thành Thung Lũng Silicon,” “TP.HCM trở thành thành phố thông minh,” “kiến nghị nâng gấp đôi lương công chức TP.HCM”… hệt thời “đào tạo 2 vạn tiến sĩ” ở ngành giáo dục.
Song một mâu thuẫn kinh khủng ở Việt Nam trong rất nhiều năm qua là chỉ cần “ngoan hiền dễ bảo” là “cứ thế đi lên.” Nếu trước đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 đã có tin về Nguyễn Thiện Nhân có thể được “ngồi” ghế chủ tịch nước, sẽ không quá ngạc nhiên nếu sang năm sau Tổng bí thư Trọng chọn ông Nhân cho vị trí này. Và nếu sự thể diễn ra đúng như thế, Nguyễn Thiện Nhân sẽ có cơ hội phát huy năng lực và cũng là sở đoản gần như duy nhất của ông từ trước tới nay: nói tiếng Anh với người nước ngoài không cần thông qua phiên dịch.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng “phương án Nguyễn Thiện Nhân” chỉ là phụ. Phương án số một vẫn là Nguyễn Phú Trọng.
Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư?
Mới đây, ông Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Bộ Chính Trị ban hành quy định về tiêu chuẩn cán bộ cao cấp, trong đó có nội dung có vẻ mang khẩu khí của ông Trọng: “Ủy viên Bộ Chính Trị tuyệt đối không tham vọng quyền lực.”
Nhắc lại, ngay trước khi quyết định cho Trần Quốc Vượng thay Ðinh Thế Huynh được công bố, facebook của blogger Huy Ðức đã trở thành nguồn tin đầu tiên thông báo về tình trạng ông Huynh “bị bệnh.”
Nếu cách hành xử “đúng quy trình” trên được lặp lại, có thể sắp tới người ta sẽ chứng kiến một quyết định nào đó của Bộ Chính Trị về việc “thay thế Trần Ðại Quang.”
Và nếu một nhân vật mang tính tín hiệu khác là Nhị Lê – Phó tổng biên tập Tập chí Cộng Sản, nơi mà Nguyễn Phú Trọng đã từ đó đi lên – tỏ ra có cơ sở lạc quan khi bắt đầu đề cập đến kịch bản “nhất thể hóa” ngay trước đại hội 12, ông Trọng có thể bằng việc “ông Quang bị bệnh” để được tập thể bộ Chính Trị cho “nhất thể” vào cái ghế chủ tịch nước kiêm tổng bí thư, theo đúng “mô hình Tập Cận Bình” ở Trung Hoa.
Tuy thế, hình như mọi việc vẫn chưa suôn sẻ lắm. Sau một thời gian bị xem là “bệnh,” những ngày gần đây lại xuất hiện tin tức ông Trần Ðại Quang “khỏe lại.” Cùng lúc lại hiện ra một cuộc phản công trả đũa rất lộ liễu của giới dư luận viên ủng hộ Trần Ðại Quang đối với blogger Huy Ðức. Trận phản công mang tính “tàn sát.”
Không biết thực hư như thế nào, chỉ biết rằng cuộc chiến quyền lực giữa các phe phái trong nội bộ đảng vẫn còn lắm cam go, bất ngờ và có thể bể dâu ghê gớm.